Theo Yahoo News, Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASIC) mới đây đã có bước đột phá mới với tàu từ trường chạy nhanh bằng nửa vận tốc máy bay Boeing 747.
Cụ thể, dự án T-Flight đã đạt vận tốc 623 km/h, tương đương 387 mph trên đoạn đường thử nghiệm 2 km, vượt qua kỷ lục 375 mph (603 km/h) của dự án tàu L0 Series của Nhật Bản đã xác lập trước đây.
Vận tốc này cùng bằng một nửa so với tốc độ bay 652 mph của máy bay Boeing 747.
Đây là giai đoạn 1 của dự án tàu từ trường chạy 1.000 km/h. Giai đoạn 2 sẽ được tiến hành sau khi đoạn đường ray từ trường 60 km được hoàn thành và con tàu sẽ chạy hoàn toàn với vận tốc 1.000 km/h.
Dự án tàu từ trường 1.000 km/h của Trung Quốc
Trên thực tế Trung Quốc đã công bố thành công chạy tàu với vận tốc 623 km/h vào năm 2023 trong các cuộc chạy thử với điều kiện không có ống chân không dưới đường ray. Tuy nhiên tính chính xác của những tuyên bố này vẫn bị nghi ngờ.
Cho đến gần đây, CASIC mới tự tin hơn khi xây dựng một đoạn đường ray có ống chân không dài 2km ở Sơn Tây-Trung Quốc. Với lợi thế chuyên thiết kế, phát triển và sản xuất tàu vũ trụ cho đến tên lửa, tập đoàn công nghệ này đã tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm suốt vài tháng qua để cố gắng phá kỷ lục cũ của Nhật Bản.
Với hệ thống nam châm từ trường, đoàn tàu sẽ bị đẩy tiến lên trên đường ray dọc theo bộ đệm không khí, do đó khiến tàu chạy nhanh hơn nhưng cũng êm hơn so với thông thường.
Về lý thuyết, công nghệ này loại bỏ hoàn toàn lực ma sát đường ray cũng như lực cản không khí nên cho phép tàu chạy với vận tốc cao ngang ngửa, thậm chí hơn cả máy bay thương mại.
Ngoài ra do không tạo ra khí thải trực tiếp nên hệ thống tàu đệm từ trường chân không này được cho là thân thiện hơn với môi trường. Thêm nữa do tiết kiệm nhiên liệu hơn nên dù chạy với vận tốc cao nhưng T-Flight được kỳ vọng sẽ trở thành phương tiện xanh mới cho ngành vận tải.
Công nghệ tàu đệm từ đã được sử dụng ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng vận tốc của chúng chưa thể đạt được như những gì mà CASIC đã đột phá.
Hiện CASIC cho biết đang kéo dài đường chạy thử nghiệm lên 60 km để T-Flight có thể đạt vận tốc cao hơn nữa. Mục tiêu hướng đến là 621 mph (1.000 km/h), tương đương với việc đi từ Thượng Hải đến Thâm Quyến chỉ tốn 1 giờ và cao gần gấp đôi vận tốc Boeing 747.
Xin được nhắc là Boeing 747 đang là chiếc máy bay có tốc độ nhanh nhất trên bầu trời hiện nay ở mảng thương mại với 652 mph.
Theo hãng tin Bloomberg, việc xây dựng tuyến đường ray đệm từ khá tốn kém và các doanh nghiệp trước đây từng thử nghiệm là Hyperloop One và Virgin Hyperloop đều đã phải đóng cửa do không đủ kinh phí cũng như gọi được vốn.
Tuy nhiên với CASIC, một doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc có doanh thu 37 tỷ USD năm 2023 thì câu chuyện tiền không phải là vấn đề.
Với một mạng lưới tàu cao tốc trải khắp đất nước, hiện Trung Quốc đang có những bước tiến cực kỳ mạnh mẽ trong việc phát triển công nghệ tàu đệm từ chân không, góp phần phát triển cơ sở hạ tầng toàn quốc cho nền kinh tế tỷ dân.
Dẫu vậy, nhiều chuyên gia vẫn lo lắng về kinh phí khổng lồ để có thể phủ sóng toàn bộ mạng lưới đường ray ở Trung Quốc thành đệm từ do chi phí khá cao. Đó là chưa kể đến tính bền vững, an toàn, ổn định khi tàu chạy với vận tốc cực kỳ cao. Bất kỳ một lỗi nhỏ nào cũng có thể gây ra tai nạn thảm khốc.
Chính tiêu chuẩn an toàn cực kỳ cao này càng khiến chi phí sản xuất tàu đệm từ trở nên đắt đỏ hơn.
Bất chấp điều đó, việc Trung Quốc đang có nhiều đột phá với công nghệ mới này cho thấy tham vọng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới về một cuộc cách mạng phương tiện xanh sau xe điện.
*Nguồn: Yahoo News