"Đã chạm được bề mặt Mặt trăng!", trang Space.com nhấn mạnh trong bài tường thuật trực tiếp sự kiện khoảng 6h23 sáng 23-2 (giờ Việt Nam).
Từ trung tâm điều khiển tại Houston, các nhà bình luận của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng xác nhận sứ mệnh tiếp đất đã thành công mỹ mãn.
Thiết bị đáp Nova-C 6 chân, còn được biết đến với tên gọi tàu đổ bộ Odysseus, đã hạ cánh xuống một miệng núi lửa có tên Malapert A gần cực nam của Mặt trăng.
Việc hạ cánh thành công được xác nhận sau khi trung tâm điều khiển nhận được các tín hiệu truyền về từ địa điểm trên Mặt trăng cách đó 384.000km.
Tuy nhiên, liên lạc với tàu Odysseus phải mất vài phút để thiết lập lại và tín hiệu ban đầu yếu, khiến cơ quan điều khiển nhiệm vụ không chắc chắn về tình trạng và vị trí chính xác của tàu đổ bộ, theo Hãng tin Reuters.
Trước đó, thiết bị đáp đã gặp phải trục trặc kéo dài 11 giờ với hệ thống định vị tự động. Các kỹ sư đã chạy đua với thời gian để khắc phục, nỗ lực để việc đáp xuống bề mặt Mặt trăng đúng như kế hoạch ban đầu.
Điều đáng tiếc là trên thiết bị đáp lại không được gắn camera để có thể truyền hình ảnh trực tiếp quá trình hạ cánh về Trái đất. Mặc dù vậy, đây cũng không phải là mục tiêu của tàu Odysseus.
Con tàu mang theo một bộ thiết bị khoa học và công nghệ của NASA nhằm thu thập dữ liệu về Mặt trăng, chuẩn bị cho việc đưa người trở lại đây trong tương lai.
Theo Reuters, sứ mệnh còn nhằm quảng bá đến các khách hàng tiềm năng của Công ty Intuitive Machines.
Đây là lần đầu tiên một công ty tư nhân thực hiện thành công một vụ hạ cánh có kiểm soát xuống bề mặt Mặt trăng. Sự kiện cũng đánh dấu Mỹ đã trở lại vệ tinh của Trái đất sau hơn 50 năm, kể từ sau sứ mệnh Apollo 17 năm 1972.
Cho đến nay, chỉ 4 quốc gia khác đã từng có tàu vũ trụ hạ cánh trên Mặt trăng gồm Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Ấn Độ và gần đây nhất là Nhật Bản vào tháng trước. Tuy nhiên, Mỹ vẫn là nước duy nhất từng đưa con người lên đây.
Một loạt tàu đổ bộ nhỏ như Odysseus dự kiến sẽ mở đường cho chương trình Dịch vụ vận tải thương mại lên Mặt trăng (CLPS) của NASA.
Dự án được thiết kế để đưa các thiết bị và phần cứng lên Mặt trăng với chi phí thấp hơn so với việc chế tạo và phóng các phương tiện vũ trụ truyền thống như trước đây.
Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản cho biết tàu đổ bộ Mặt trăng SLIM của nước này đã khởi động lại sau hơn 9 ngày cạn năng lượng.