Như Tuổi Trẻ Online phản ánh: Sau dịp Tết Nguyên đán, rác ngập tràn hai bên tuyến cao tốc từ Dầu Giây đến Vĩnh Hảo. Chai nhựa, bao bì, khẩu trang, túi ni lông, đồ hộp đầy bên đường.
"Những người sở hữu xe hơi đi trên cao tốc phần lớn thuộc thành phần khá giả trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, nhìn cách họ vô tư xả rác, đối xử với môi trường như đã thấy, thật đáng buồn. Đúng là có tiền nhưng không mua được ý thức".
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Duy Lân - cán bộ thuộc Công ty Quản lý và Đầu tư xây dựng công trình 238 (một đơn vị phụ trách quản lý vận hành bảo trì cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết) - cho biết lượng rác xả ra rất nhiều, không làm xuể.
"Đơn vị đã cho cán bộ xịt nước, dọn rác trước trên mặt đường để đảm bảo an toàn giao thông. Riêng hai bên tuyến chính và các nút giao do chưa có kinh phí, thiếu người và trách nhiệm với nhà thầu chưa rõ ràng nên chưa thực hiện được", ông Lân cho hay.
Ông còn ngao ngán nói "hậu quả" mùi xú uế do người đi cao tốc để lại rất nồng nặc, các cán bộ tuần tra chịu không thấu.
Có tiền mua xe hơi, nhưng không mua được ý thức!
Đó là bức xúc chung của nhiều bạn đọc về thực trạng đáng xấu hổ này.
"Mua được xe, không mua được ý thức (giá của ý thức quá cao)" - bạn đọc Le Tri viết.
Sau Tết, rác ngập tràn hai bên cao tốc Dầu Giây đến Vĩnh Hảo
Tiếp lời, bạn đọc Vinh bổ sung: "Ý thức kém quá, có lẽ cần đưa vào chương trình giáo dục ý thức từ mẫu giáo, tiểu học".
Phân tích sâu xa nguyên nhân dẫn đến tình trạng xả rác bừa bãi nơi công cộng, bạn đọc Nam viết: "Nhìn chung ý thức của người dân ta còn kém, nó bắt nguồn từ việc giáo dục ý thức. Thói quen giữ vệ sinh môi trường chưa được quan tâm nhiều ngay từ nhỏ, khi còn ngồi trong ghế nhà trường".
Từ thực tế quan sát, bạn đọc Hoài An viết: "Chẳng phải mỗi tuyến đường này, mà nhiều tuyến đường khác cũng tràn ngập rác. Không hiểu sao người Việt mình thích vất rác bừa bãi, hở tí là thẳng tay ném rác xuống lòng đường, đổ rác đầy nắp thoát nước, trên các cây cầu, khắp các lề đường. Thậm chí là cả con lươn mềm cũng biến thành chỗ bỏ rác".
Quá ngán ngẩm với nạn xả rác bừa bãi, Hung Tong nêu ý kiến: "Việc gì chứ xả rác nơi công cộng là chuyện bình thường của người Việt, chứ không riêng gì ai! Kể cả nơi có thùng rác họ vẫn bỏ bên ngoài, tiện đâu xả đấy. Không biết chuyện này khi nào chấm dứt".
Trích xuất camera gửi giấy phạt nguội xả rác như phạt vi phạm giao thông, được không?
Theo nhiều bạn đọc, dù đã rất nhiều lần kêu gọi giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, nhưng nạn xả rác vẫn tràn lan, thậm chí thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng hơn, do chưa có chế tài đủ mạnh.
Về ý này, bạn đọc Nam viết: "Đã có chế tài xử phạt nhưng chủ yếu là phạt hành chính, mức phạt quá nhẹ, lại gần như không rõ ai là cơ quan giám sát, xử phạt nên tình trạng này mới tiếp diễn trên toàn quốc như thế này. Nên chăng xử phạt nặng hơn, nêu tên công khai, phải dùng pháp trị mới được".
Để trị dứt điểm nạn xả rác trên cao tốc, bạn đọc Nguyen Hoang Lan hiến kế: "Trích xuất camera các xe, gửi giấy phạt nguội tội xả rác nơi công cộng giống như phạt nguội vi phạm giao thông. Mở cổng thông tin nhận các video clip hay hình ảnh vi phạm xả rác trên đường, có thưởng tiền bằng 30% tiền đóng phạt".
Tiếp lời, bạn đọc Trần Đăng Hiến viết: "Ý thức kém thì chỉ có biện pháp mạnh thì họ mới sợ! Nên có chế tài thật mạnh".
Cùng quan điểm phải có biện pháp mạnh mới ngăn được việc xả rác nơi công cộng trở thành vấn nạn, bạn đọc Trương nêu ý kiến: "Phải thừa nhận là đại bộ phận người dân rất thiếu ý thức, như các quả đồi cây cỏ vào khu du lịch Suối Vàng Đà Lạt rất đẹp, nhưng khách du lịch lên cắm trại rồi xả rác đầy. Nhìn rất là bức xúc. Nhà nước phải có biện pháp mạnh".
Bạn đọc địa chỉ mail abcdefbvmt@...com gợi ý: "Thử áp dụng biện pháp phạt như đo nồng độ cồn của tài xế xem, chắc sẽ giảm đáng kể vấn nạn này. Có khi cả nước còn tự động sạch sẽ, gọn gàng luôn"!
Phó chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo các đơn vị đảm bảo an ninh trật tự, không để đi lễ hội mà bị móc túi, kẹt xe, đặc biệt đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi.