Theo phân tích dữ liệu thương mại của Financial Times, Trung Quốc đang vận chuyển nhiều hàng hóa hơn đến Mỹ thông qua Mexico nhằm tránh các mức thuế cao do chính quyền Mỹ áp đặt.
Số liệu từ Thống kê Thương mại Container do Xeneta phân tích cho thấy số lượng container 20ft được vận chuyển từ Trung Quốc đến Mexico đạt 881.000 trong 9 tháng đầu năm 2023, tăng so với 689.000 trong cùng kỳ năm 2022.
Sự gia tăng này diễn ra khi Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành nước xuất khẩu hàng hóa lớn nhất sang Hoa Kỳ vào năm ngoái, và trong bối cảnh các chuyến hàng bằng xe tải qua biên giới vào Mỹ tiếp tục tăng nhanh chóng.
Các con số cũng chỉ ra khó khăn mà Mỹ phải đối mặt khi nước này hành động mạnh tay nhằm hạn chế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu do các đối thủ địa chính trị thống trị, bao gồm Trung Quốc.
Robin Brooks, cựu chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện Tài chính Quốc tế nhận đinh: Mỹ là nước tiêu dùng hàng hóa lớn nhất thế giới, trong khi Trung Quốc là nước sản xuất hàng hóa lớn nhất thế giới. “Dù là cách gì đi chăng nữa, hai bên đều không thể tránh mặt nhau”.
Do thuế quan, các lô hàng từ Trung Quốc đến trực tiếp Mỹ hiện chiếm chưa đến 15% hàng nhập khẩu của Mỹ, giảm từ mức hơn 1/5 vào năm 2017. Tuy nhiên, một số hàng hóa Trung Quốc lẽ ra được vận chuyển trực tiếp đến Mỹ vẫn đang trên đường đến nước này qua Mexico để không bị đánh mức thuế tương tự.
Mexico không phải là nước hưởng lợi duy nhất từ việc Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ qua một nước thứ ba. Điều này cho thấy các nhà sản xuất Trung Quốc đang tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ đối với hàng hóa của họ.
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc nổi lên là những người được hưởng lợi đặc biệt. Số liệu từ INA, cơ quan thương mại phụ trách mảng phụ tùng ô tô của Mexico, cho thấy 33 công ty thuộc sở hữu của Trung Quốc có hoạt động tại Mexico đã chuyển các lô hàng phụ tùng trị giá 1,1 tỷ USD sang Mỹ vào năm 2023, tăng từ mức 711 triệu USD vào năm 2021. Mexico đã nhập khẩu gần 9 tỷ USD phụ tùng xe từ Trung Quốc vào năm ngoái, INA cho biết.
Ô tô nhập khẩu vào Mỹ từ Mexico chịu mức thuế 2,5% của Mỹ, trong khi các phụ tùng lắp ráp ở Mexico chịu mức thuế từ 0% đến 6%. Còn ô tô và phụ tùng ô tô xuất khẩu trực tiếp từ Trung Quốc sang Mỹ phải gánh thêm 25% thuế.
Gary Hufbauer, thuộc Viện nghiên cứu Peterson, cho rằng các quy định dưới thỏa thuận thương mại Mỹ-Mexico-Trung Quốc từ nhiều năm trước đã bị vượt rào bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc như một cường quốc sản xuất ô tô. Ông cho biết, Mỹ có thể sẽ “buộc phải có các quy tắc xuất xứ mới và chặt chẽ hơn”. Kế hoạch mở nhà máy ở Mexico của các công ty Trung Quốc, bao gồm hãng sản xuất xe điện BYD, cũng gây lo ngại cho Mỹ.
Mexico nhận thức được vấn đề này và năm ngoái đã công bố mức thuế từ 5% đến 25% đối với hàng hóa từ các quốc gia như Trung Quốc. Nước này cũng đã ký một bản ghi nhớ với Mỹ vào tháng 12 năm ngoái về việc sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài, bao gồm cả các nhà máy xe điện ở Mexico mà Trung Quốc đã lên kế hoạch.
Tuy nhiên, các nhà phân tích thương mại cho rằng thuế quan và các quy tắc thương mại là chưa đủ để hạn chế hàng hóa từ Trung Quốc sang Mỹ.
Ilaria Mazzocco, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết: “Câu chuyện Mexico lộ ra một nghịch lý thực sự. Mỹ muốn tạo ra chuỗi cung ứng thay thế ở các nước đối tác, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi các công ty Trung Quốc đang xây dựng những chuỗi cung ứng đó?”
Theo FT