Chiều 23-2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức phiên họp thẩm định quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì phiên họp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cùng dự.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết đây là đề án có nội dung lớn, phức tạp, nhiều nội dung tích hợp, đòi hỏi phải có phương pháp triển khai bài bản, khoa học và kỹ lưỡng nên TP đã chỉ đạo xây dựng đề cương định hướng quy hoạch, được Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy... thông qua.
Đặc biệt, Hà Nội đã chủ trì và chỉ đạo tổ chức hơn 100 cuộc hội thảo, hội nghị, làm việc triển khai công tác lập quy hoạch thủ đô để ghi nhận các ý kiến đóng góp.
Dứt khoát phải giải quyết được bức xúc về tắc nghẽn giao thông
Góp ý tại phiên họp, ông Cao Viết Sinh - nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết đơn vị tư vấn cần đánh giá được đúng vị trí của Hà Nội so với các tỉnh thành trên cả nước. Từ đó mới có thể xác định được mục tiêu phát triển một cách hợp lý đến năm 2030, năm 2045.
Trong quy hoạch xác định dịch vụ, du lịch là ngành mũi nhọn, tuy nhiên các sản phẩm du lịch điểm nhấn của TP lại chưa có.
Theo ông, quy hoạch cần xác định lấy công nghiệp công nghệ cao là đột phá, là ngành kinh tế mũi nhọn của Hà Nội. Trong đó cần mở rộng các khu công nghiệp để thu hút các ngành chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...
Đặc biệt, Hà Nội muốn phát triển nhanh cần quan tâm đến chuyển đổi số một cách toàn diện, đổi mới mô hình quản trị.
Hà Nội cũng cần có giải pháp huy động nguồn lực tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Về hạ tầng giao thông, ông Lã Ngọc Khuê - nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải - cho rằng bản quy hoạch thủ đô phải đưa ra giải pháp khắc phục bằng được các điểm nghẽn.
Ông đề nghị trong nhiệm kỳ này dứt khoát phải giải quyết được những bức xúc về hạ tầng như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường không khí, thiếu nước sạch… để Hà Nội thực sự là điểm đến, để yêu và là nơi đáng sống.
Đồng thời, Hà Nội cần ưu tiên tập trung phát triển hạ tầng giao thông, trong đó cần có đột phá về các tuyến đường sắt đô thị. Tạo lập đô thị theo mô hình TOD dựa theo mạng lưới đường sắt đô thị.
Sông Hồng là trung tâm phát triển của thủ đô
Thay mặt lãnh đạo TP, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn và "xin tiếp thu" những ý kiến góp ý tâm huyết của các thành viên hội đồng thẩm định, các chuyên gia... đối với bản quy hoạch.
Ông Dũng cho biết sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành của TP khẩn trương hoàn thiện báo cáo quy hoạch thủ đô để trình Trung ương theo quy định.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội nhìn nhận hồ sơ quy hoạch vẫn còn những điểm cần được tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật để nâng cao hơn nữa về mặt chất lượng. Để hoàn thành bản quy hoạch đạt chất lượng cao nhất, Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thăng Long - Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử.
Bí thư Hà Nội cho biết bản quy hoạch sẽ xác định phương án phát triển trục sông Hồng là trung tâm phát triển của thủ đô.
Hà Nội cũng xác định việc cấp bách cần ưu tiên tập trung thực hiện ngay là bảo vệ môi trường, giảm ùn tắc giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng.
Kết thúc phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thông báo kết quả bỏ phiếu đánh giá của thành viên hội đồng thẩm định quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trong đó, số phiếu đồng ý thông qua hồ sơ quy hoạch thủ đô trình thẩm định là 31/31 thành viên (đạt 100%), gồm số phiếu đồng ý thông qua nhưng phải chỉnh sửa bổ sung là 27/31 thành viên, số phiếu đồng ý thông qua nhưng không cần chỉnh sửa bổ sung là 4/31 (đạt 12,9%).
Do tính chất quan trọng của sân bay thứ hai vùng thủ đô và yêu cầu cao về kỹ thuật, việc lập quy hoạch nên được thực hiện bởi tư vấn nước ngoài, khi UBND TP Hà Nội cần sớm cụ thể hóa vị trí quy hoạch.