Mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN) giai đoạn 2021-2030” (đề án) trong năm 2024.
Tại hội nghị, đại diện nhiều địa phương đã kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai đề án hiệu quả hơn trong thời gian tới, trong đó có vấn đề mở rộng đối tượng mua nhà ở cho công nhân tại các KCN, khu chế xuất (KCX).
Mở rộng đối tượng mua nhà ở cho công nhân
Tham luận tại hội nghị, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân, cho biết tập đoàn này tham gia làm NƠXH từ năm 2013, đến nay hoàn thành 10 dự án với hơn 10.000 căn hộ, nhà ở cho công nhân đưa vào sử dụng. Năm 2024, tập đoàn sẽ khởi công tối thiểu 10 dự án, quy mô khoảng 5.000 căn hộ tại TP.HCM và một số địa phương trên cả nước.
Ông Tuấn cũng chỉ rõ hiện nay về cơ chế làm nhà ở cho công nhân đang có vấn đề chưa hợp lý cần tháo gỡ. Cụ thể, theo ông trên thực tế không doanh nghiệp nào đủ tiền làm NƠXH cho công nhân vì công nhân có nhu cầu thuê nhà là chính. Đối với làm nhà ở cho công nhân thuê thì hiện nay chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mới đủ nguồn lực để làm được, còn doanh nghiệp rất khó tham gia vì không đủ vốn.
Theo đó, ông Tuấn đề nghị cần phải mở rộng đối tượng được mua nhà ở cho công nhân, trong đó có thể mở rộng đối tượng mua nhà ở cho công nhân ra 10 nhóm đối tượng giống như NƠXH, thay vì chỉ công nhân ở KCN, KCX đó mới được mua nhà. Có cơ chế, chính sách như mới khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các dự án nhà ở tại các KCN, KCX, tạo ra nguồn lực phát triển, giúp cho người dân có điều kiện để tham gia mua nhà. “Nhà ở cho công nhân nên mở rộng cho 10 nhóm đối tượng tham gia mua giống như đối với NƠXH. Việc này rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ tạo ra những khu nhà ở cho công nhân nhưng không có người ở” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Cùng nội dụng này, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera, cho biết từ năm 2010 đến nay đơn vị này đã đầu tư và hoàn thành khoảng 8.000 căn hộ, hiện đang chuẩn bị quỹ đất sạch và thủ tục pháp lý để xây dựng thêm 9.000 căn hộ nữa. Tuy nhiên, ông Anh cho biết trong số 8.000 căn hộ hoàn thành thì mới đưa vào sử dụng được 5.000 căn hộ, còn tồn kho 3.000 căn hộ. Các căn hộ tồn kho chủ yếu là nhà ở cho công nhân xung quanh các KCN, KCX dù các khu nhà này được đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ đầy đủ không thua kém nhà ở thương mại. Trong khi giá bán chỉ 250-600 triệu đồng/căn hộ có diện tích 26-60 m2, giá thuê 1,2-2,4 triệu đồng/tháng/căn hộ dành cho 2-4 người.
“Chất lượng nhà và giá thành như vậy là rất hợp lý với đối tượng ở khu vực này. Nhu cầu nhà ở xung quanh các KCN, KCX cũng lớn nhưng hiện nay với các dự án này đang vướng quy định chỉ công nhân trong KCN, KCX mới được mua” - ông Anh nói và kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng có cơ chế mở rộng đối tượng mua nhà ở cho công nhân để tháo gỡ vướng mắc chung này cho các dự án tương tự, giúp đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án 1 triệu căn NƠXH, nhà ở cho công nhân.
Liên quan nội dung này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho hay vừa qua Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua đã có sự điều chỉnh để tháo gỡ các vướng mắc về xác định đối tượng mua NƠXH, nhà ở cho công nhân. “Tới đây chắc chắn các vướng mắc này sẽ được tháo gỡ” - ông Sinh khẳng định.
“Nhà ở cho công nhân nên mở rộng cho 10 đối tượng tham gia mua giống như đối với NƠXH. Việc này rất quan trọng, nếu không chúng ta sẽ tạo ra những khu nhà ở cho công nhân nhưng không có người ở” - ông Tuấn nhấn mạnh.
Nhiều đô thị lớn làm NƠXH chưa như kỳ vọng
Tại hội nghị, ông Võ Nguyên Phong, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội, cho hay giai đoạn 2021-2030, Hà Nội đã và đang triển khai 63 dự án đầu tư xây dựng NƠXH với khoảng 61.900 căn hộ. Đến nay có năm dự án đã hoàn thành với khoảng 5.200 căn hộ. TP cơ bản đáp ứng chỉ tiêu đã được Chính phủ giao tại Đề án 338 của Chính phủ. Tuy nhiên, ông Phong cho biết TP còn gặp nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển NƠXH liên quan đến trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, về cơ chế ưu đãi…
Còn Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường cho hay hiện nay TP đang triển khai sáu dự án NƠXH với quy mô gần 3.956 căn hộ, một dự án nhà lưu trú cho công nhân quy mô hơn 1.000 phòng. Dự kiến trong năm 2024, TP hoàn thành năm dự án NƠXH, bàn giao 3.398 căn hộ và một dự án nhà lưu trú cho công nhân. Đặc biệt để chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-2025), TP đang làm 37 dự án NƠXH (bảy dự án đang thi công, 30 dự án đang hoàn thiện thủ tục) với quy mô 35.000 căn hộ, phấn đấu hoàn thành 13 dự án với quy mô 12.000 căn hộ vào dịp 30-4-2025.
Ông Cường cũng cho hay việc triển khai NƠXH, nhà ở cho công nhân tại TP.HCM cũng đang gặp các vướng mắc tương tự như các đô thị lớn khác. Theo đó, ông Cường kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng tháo gỡ một số vướng mắc trong triển khai xây dựng NƠXH như về trình tự thủ tục đầu tư; suất vốn; gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng; hướng dẫn xét đối tượng hưởng chính sách NƠXH; hướng dẫn chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp lý khác và việc phân bổ chi phí của dự án nhà ở thương mại vào quỹ đất NƠXH khi chủ đầu tư nhà ở thương mại thực hiện bàn giao quỹ đất ở 20% cho Nhà nước để làm NƠXH…•
Cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, từ năm 2021 đến hết năm 2023, cả nước có 499 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô hơn 411.000 căn hộ. Trong số đó 71 dự án với quy mô 37,8 ngàn căn đã hoàn thành; khởi công xây dựng 127 dự án với quy mô hơn 107.000 căn; được chấp thuận chủ trương đầu tư 301 dự án với quy mô khoảng 265,4 ngàn căn. Có nhiều địa phương đã tích cực thúc đẩy khởi công xây dựng NƠXH, tuy nhiên các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng việc phát triển NƠXH chưa đạt như kỳ vọng dù nhu cầu rất lớn.
TP.HCM sẽ thu hồi đất những dự án chậm triển khai xây nhà ở xã hội
(PLO)- UBND TP yêu cầu Sở Xây dựng có biện pháp xử lý các chủ đầu tư cố tình kéo dài thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội.