Theo tạp chí Cultural Heritage, tuy nổi tiếng với tên gọi “Đầm lầy chết”, DeadVlei thực chất là một chảo đất sét trắng nằm gần chảo muối nổi tiếng Sossusvlei của Namibia.
Nhiều cồn cát ở khu vực này là một phần của Di sản thế giới biển cát Namib, được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận vào năm 2013.
Theo tạp chí du lịch Atlas Obscura, DeadVlei thuộc địa phận Công viên quốc gia Namib-Naukluft, Namibia. Địa danh này được bao quanh bằng những cồn cát cao nhất thế giới. Một số cồn cao tới 400m, gần bằng chiều cao của tòa nhà Landmark 81 (TP.HCM).
Hệ sinh thái và cây cối ở DeadVlei từng được nuôi dưỡng với nước từ dòng sông Tsauchab, giúp khu vực này trở thành nơi sinh sống và phát triển của hàng trăm cây keo lạc đà (Acacia erioloba) trước đây.
Nhưng điều này nay không còn nữa. Khoảng 900 năm trước, khí hậu khô hạn và các cồn cát đã tách DeadVlei khỏi sông Tsauchab.
DeadVlei khô hạn đến mức cây cối thậm chí không thể phân hủy được. Chúng cháy đen dưới ánh mặt trời, trở thành tượng đài cho sự hủy diệt của chính chúng.
Những xác cây ở đây được cho là đã chết cách đây khoảng 600-700 năm (giai đoạn 1340-1430).
Báo Hospitality Net ước tính những cây keo ở đây đã có tuổi đời hơn 1.000 năm, tạo thành một khu rừng cằn cỗi.
Tuy nhiên, “Đầm lầy chết” không hoàn toàn không có sự sống. Những bụi cây Salsola và những khóm dưa Nara vẫn tồn tại nhờ vào sương sớm và lượng mưa ít ỏi.
Tuy được mệnh danh là khu rừng chết chóc, DeadVlei lại nổi tiếng bởi cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Khung cảnh chảo đất sét trắng được bao quanh bởi những cồn cát đỏ cao vút, tạo ra sự tương phản màu sắc gây ấn tượng thị giác.
Mặc dù nằm ở vị trí xa xôi, DeadVlei là một địa điểm du lịch nhất định phải ghé thăm của Namibia.
DeadVlei thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đến để chiêm ngưỡng, và trở thành điểm đến mơ ước của mọi nhiếp ảnh gia.
Hồ Natron ở Tanzania nổi tiếng với màu nước đỏ tươi như máu, cũng là "mồ chôn" của nhiều sinh vật nếu chẳng may rơi xuống hồ.