Trẻ nhỏ thương vong khi người lớn đốt pháo, học trò mang tật vì bắt chước làm pháo nổ theo hướng dẫn trên mạng. Tiếng pháo vẫn cứ năm sau to hơn năm trước. Niềm vui chốc lát nhưng hậu quả từ pháo đang ngày càng lớn hơn.
Ngộ nhận về việc đốt pháo
Qua phản ánh trên báo đài cho thấy dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua, các vi phạm về nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu, buôn bán, sử dụng trái phép và số ca tai nạn do pháo nổ đều gia tăng. Số ca khám, cấp cứu liên quan tới pháo cũng tăng so với Tết năm trước.
Cần có giải pháp quản lý hữu hiệu hơn về việc này.
Không ít người dân ngộ nhận Nhà nước cho phép được mua, đốt pháo hoa sản xuất trong nước đồng nghĩa lệnh cấm pháo đã hoặc sẽ được gỡ bỏ.
Hình ảnh pháo trang trí Tết bày khắp mọi nơi, lễ hội rước pháo (khủng tới 1,5 tấn/quả) ở Bắc Ninh cũng khơi dậy tâm lý hoài niệm, nuối tiếc về đốt pháo trong ngày Tết…
Nhà nước nên duy trì việc cấm sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ. Việc kiểm soát, ngăn chặn vi phạm phải làm mạnh hơn, đồng bộ hơn và từ xa (ngăn nhập lậu từ biên giới), từ sớm (không đợi dịp Tết mới tăng cường).
Việc đốt pháo hoa chỉ nên cho phép thực hiện với tổ chức, tại địa điểm công cộng trong đêm giao thừa Tết và ở ngày kỷ niệm, lễ hội lớn…
Nguyễn Văn Hùng
Nên kiểm soát từ khâu bán pháo
Pháo là sản phẩm nguy hiểm nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ và mạnh tay của cơ quan chức năng. Tuy vậy, thực tế xử lý chuyện đốt pháo trái phép hiện nay không dễ.
Nếu có hình ảnh hoặc video làm chứng cũng khó vì không xác định được pháo đã đốt là pháo trái phép và pháo được phép.
Do vậy, trước tiên, cần mạnh tay kiểm soát pháo lậu và hóa chất tạo pháo, các thứ nguyên vật liệu này khi dùng vào mục đích xấu sẽ gây ra nguy hiểm khôn lường.
Nếu vẫn cho phép một số loại pháo được đốt thì cần quản lý chặt việc mua bán. Nên quy định chỉ bán cho người trên 18 tuổi, đủ tuổi chịu trách nhiệm pháp lý và bồi thường khi có hậu quả cho người xung quanh vì đốt pháo.
Trương Kiệt
Khó phân biệt được pháo lậu và pháo sản xuất trong nước
Những tia lửa phụt mạnh và tung tóe lên trời, nếu như cây pháo bị ngã hay ngọn lửa dính vào vật dễ cháy thì hiểm họa sẽ xảy ra, đặc biệt ở những nơi đông dân cư. Nhiều người đốt pháo không cần phân biệt được pháo hoa được phép đốt và pháo nhập lậu.
Nhiều trường hợp đốt pháo hoa không phải là pháo lậu, mua có hóa đơn. Nhưng cách sử dụng, an toàn ra sao khi đốt thì nhiều người mua "mù tịt".
Nhưng việc kiểm soát người đốt có hóa đơn không hay quét mã QR trên pháo cũng không dễ dàng. Trong khi đó, pháo không rõ nguồn gốc vẫn bán dễ dàng trên mạng, giao hàng tận nơi. Ai quản lý việc này?
Dương Văn Tuấn
Đốt pháo nổ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Người sử dụng pháo hoa theo quy định pháp luật phải hội đủ hai điều kiện: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương...; pháo hoa phải được mua từ các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Việc mua bán pháo hoa phải được lập thành hóa đơn, chứng từ.
Theo quy định, cá nhân có hành vi sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000. Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 không có quy định tội danh đốt pháo.
Tuy nhiên, pháp luật có quy định về việc truy cứu hình sự đối với hành vi đốt pháo nổ tại nơi công cộng. Mức hình phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Trong trường hợp phạm tội có tổ chức, gây cản trở giao thông nghiêm trọng… thì mức phạt tù cao nhất có thể lên đến 7 năm.
Niềm vui hay bất an?
Tôi vẫn nhớ những năm đầu tiên khi chỉ thị cấm đốt pháo được ban hành, mấy đứa bạn tôi không biết mua ở đâu chục viên pháo tiểu (một loại pháo nhỏ) về định đốt. Phụ huynh phát hiện ra liền la rầy, cấm tuyệt đối và tìm đến nơi lén lút bán pháo để cảnh báo nếu còn bán sẽ báo chính quyền.
Người lớn bỏ thói quen đốt pháo, trẻ nhỏ nghe thấy, nhìn thấy và làm theo.
Bây giờ, hóa chất để chế pháo bán đầy trên mạng, thanh thiếu niên mua về tự làm pháo theo hướng dẫn. Những video hướng dẫn chế tạo pháo, đốt pháo vẫn công khai trên mạng, chưa thấy ai bị xử lý.
Người đốt pháo nổ, pháo rít ngày càng nhiều nhưng không mấy vụ bị phát hiện, xử lý.
Cơ quan chức năng vẫn ngăn chặn, kiểm soát đường đi của pháo và tăng cường quản lý an ninh trật tự nhưng tiếng nổ pháo lậu, pháo chế vẫn nghe thấy tràn lan. Nên quyết liệt xử lý nghiêm với việc đốt pháo tôi nghĩ sẽ có tác dụng tốt hơn với thực tế hiện nay.
Tết Giáp Thìn 2024 cũng là tròn 30 năm ra đời của chỉ thị 406 về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo. Chỉ thị 406 mang tính lịch sử chấm dứt việc mua bán và đốt pháo đã bảo vệ tính mạng, sức khỏe bao người và tiết kiệm biết bao nhiêu tiền đốt theo tiếng pháo.
Tôi vẫn thấy tính đúng đắn, phù hợp trong chỉ thị từ 30 năm trước, nhất là khi tình trạng đốt pháo và tai nạn về pháo đang tăng trở lại. Ngăn những tổn thất từ pháo nổ, có khó mấy cũng phải làm được như đã từng.
Có vậy mới mong Tết năm sau và các năm sau nữa sẽ giảm tiếng pháo, giảm tai nạn, bất an vì pháo nổ.
Lập danh sách người thường xuyên đốt và buôn bán pháo lậu
Trước Tết Nguyên đán 2024, Công an TP.HCM triệt phá nhiều đường dây và đối tượng vận chuyển, mua bán pháo lậu và thu giữ hàng tấn pháo lậu, pháo nổ. Đa số các loại pháo được nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo lậu trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ nắm thông tin từ người dân và lên danh sách những người thường xuyên sử dụng pháo lậu hoặc nhen nhóm buôn bán pháo lậu.
Đồng thời sẽ theo dõi, ngăn chặn những đường dây vận chuyển pháo lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, kịp thời ngăn chặn nguồn cung.
Trung tá Đới Ngọc Thắng
(phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM)
Nhặt một viên pháo đại rơi xuống sân sau khi nhà hàng xóm đốt pháo chiều mùng 3 Tết, bé gái 5 tuổi ở TP.HCM bị giập nát bàn tay trái, không thể khâu nối và phục hồi.