Trưa 25-2, ông Phan Văn Phước - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị - cho hay sở này vừa ban hành kế hoạch vận động người dân, các chủ rừng lớn thay đổi nhận thức, thay phương thức canh tác, trồng rừng không đốt thực bì để giảm phát thải CO2.
"Xu hướng chung hiện này là trồng rừng mới không đốt thực bì. Hàng năm, Quảng Trị có diện tích rừng trồng mới khá cao. Kế hoạch đi từng bước, đầu tiên là nâng cao nhận thức của chủ rừng lớn, từ đó thay đổi phương thức canh tác để giảm phát thải khí CO2", ông Phước cho hay.
Biện pháp chủ yếu là kết hợp với Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng Quảng Trị và các tổ chức phi chính phủ mở hội thảo, tập huấn… để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nhận thức.
"Vào cao điểm nắng nóng thì có quy định cấm đốt thực bì, nhưng vào các mùa khác thì không có chế tài để xử lý người dân đốt thực bì nên không thể cấm được", ông Phước thông tin.
Quảng Trị hiện có 120.000ha rừng trồng. Hàng năm, có 8.000 - 10.000ha rừng trồng mới. Trong đó, 70 - 90% diện tích trên được xử lý bằng cách đốt thực bì. Với mỗi ha rừng trồng mới đốt thực bì sẽ phát thải 60 tấn CO2.
Người dân biết tác hại của đốt thực bì như giảm độ phì của đất, dễ bị rửa trôi, xói mòn, gây khói bụi, nguy cơ cháy rừng... nhưng vẫn thực hiện do đốt thực bì giúp xử lý đất đai và trồng lại dễ dàng hơn, chi phí ban đầu thấp.
Trước con số trên, ngành lâm nghiệp Quảng Trị đặt mục tiêu mỗi năm có 2.000 - 3.000ha rừng trồng mới không đốt thực bì. Đến 2028, tỉnh này sẽ giảm phát thải tổng cộng 480.000 - 600.000 tấn CO2/năm.
Với phương thức canh tác mới, thực bì được phát dọn tại chỗ, có thể thu dọn lại để thực bì hoai mục, giữ lại thảm thực vật, không đốt thực bì, tăng độ phì cho đất, bảo tồn đa dạng sinh học trong đất, trên mặt đất, bảo vệ đất, chống xói mòn rửa trôi, góp phần nâng cao chất lượng rừng trồng, chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
Với giá bán khoảng 5 USD/tấn CO₂, hàng chục ngàn ha dừa tại tỉnh Bến Tre có thể mang lại thu nhập thường xuyên cho người dân trồng dừa nhờ bán tín chỉ carbon.