Phòng Kinh tế TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết giá cho thuê quầy sạp theo quyết định 14664/QĐ-UBND của UBND TP Thủ Đức là giá để tham khảo mời thầu theo cơ chế mới, chưa phải giá áp dụng ngay cho tiểu thương tại chợ.
Còn tính toán nên giá có thể còn thay đổi
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-2, đại diện Phòng Kinh tế TP Thủ Đức cho biết TP đang đẩy nhanh việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn đơn vị kinh doanh, khai thác quản lý chợ Thủ Đức, khi có kết quả chính thức sẽ tiếp tục hướng dẫn đơn vị trúng thầu thực hiện những nội dung của quyết định, trong đó có vấn đề về mức thu chi.
"Đơn vị trúng thầu và TP còn phải căn cứ vào các vấn đề khác như tình hình kinh doanh chợ, nguồn thu, mức chi... để làm sao phù hợp với thực tế và đúng quy định. Do đó, khung giá thuê quầy sạp áp dụng cho tiểu thương có thể còn thay đổi sau khi chọn được đơn vị trúng thầu mới", vị này thông tin.
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thu Hà, đại diện ban quản lý chợ Thủ Đức, cho biết hiện vẫn chưa nhận thông tin về việc có thay đổi khung giá cho thuê quầy sạp tại quyết định trên hay không, và chưa biết thời gian áp dụng.
"Tiểu thương không biết sắp tới thế nào nên kinh doanh không được thoải mái, không dám tăng nhập hàng. Người bán muốn được thông tin sớm và rõ ràng về vấn đề này để yên tâm hơn", bà Hà nói.
Theo bà Hà, chợ được xếp hạng loại 2 và chịu sự quản lý trực tiếp từ UBND TP Thủ Đức. Tuy vậy, do kinh doanh ế ẩm nên hiện lượng tiểu thương nghỉ bán nhiều, nếu sắp tới nghỉ thêm vì giá thuê quầy sạp tăng thì hoạt động của chợ khả năng bị ảnh hưởng, khó đủ nguồn thu để nộp ngân sách.
So sánh giá thuê là khập khiễng
Nói về việc có quan điểm cho rằng tăng mạnh giá thuê quầy sạp tại chợ là thực tế, vì giá thuê tại đây vẫn đang thấp hơn nhiều so với mức giá thuê mặt bằng phổ biến của bên ngoài và trung tâm thương mại, nhiều tiểu thương cho rằng so sánh trên là khập khiễng.
Cụ thể, theo bà Nguyễn Bích Nguyệt - tiểu thương tại chợ Thủ Đức, ở trong chợ, dù ế ẩm thì tiểu thương cũng chỉ bán được một loại hàng theo quy hoạch ngành hàng, trong khi bên ngoài người thuê mặt bằng có thể buôn bán tùy thích.
"Nếu 15 năm trước, thời hưng thịnh, chúng tôi sẵn sàng trả thêm thuế, phí, nhưng giờ thì rất khó. Việc so sánh mức giá cho thuê quầy sạp trong chợ so với mặt bằng bên ngoài là không thực tế", bà Nguyệt nhận định.
Ngoài ra, nhiều tiểu thương cho biết thời gian mở cửa kinh doanh tại chợ truyền thống bị hạn chế, trong khi bên ngoài người thuê được chìa khóa trao tay, có thể đóng cửa trễ mở cửa sớm để tăng doanh thu. Với lợi thế khác nhau như trên nên giá thuê theo tiểu thương cũng phải khác.
Cụ thể, với chợ Thủ Đức, khu trung tâm thương mại được mở cửa từ 6h30 - 20h, khu chợ A từ 6h - 22h, và khu chợ B từ 3h30 - 19h.
Trước đó, ngày 22-2, Tuổi Trẻ Online có bài viết "Choáng vì phí thuê mới, tiểu thương chợ Thủ Đức muốn đóng sạp". Cụ thể, theo quyết định 14664/QĐ-UBND của UBND TP Thủ Đức (được ký duyệt ngày 8-11-2023), tùy vào vị trí, giá thuê ki ốt, sạp tại chợ (gồm khu trung tâm thương mại, khu chợ A, B) tăng phổ biến từ 2-4 lần, thậm chí có vị trí tăng gấp gần 8 lần so với trước đó.
Nếu quyết định này được áp dụng, tùy vị trí sạp và ki ốt, tiểu thương sẽ trả 83.000 - 367.000 đồng/m2/tháng (đã bao gồm thuế VAT). Với tình hình kinh doanh ế ẩm đang kéo dài, nhiều tiểu thương cho rằng mức phí trên là tăng quá nhiều.
Chợ loại 1 vẫn giữ mức thu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 25-2, đại diện ban quản lý chợ Bến Thành (Q.1) cho biết chợ được xếp hạng chợ loại 1, và tùy theo nghành hàng, hiện giá sử dụng diện tích bán hàng (thuê quầy sạp) theo quy định cao nhất là 180.000 đồng/m2, còn lại phổ biến từ 130.000 - 150.000 đồng/m2.
"Mức phí này được thu theo quy định Nhà nước và nhiều năm qua chưa tăng. Theo thông tin từ chính quyền, năm 2024 sẽ không tăng mức phí này, và mức thu các khoản thuế khác tại chợ cũng sẽ được giữ ổn định".
Ghi nhận tại các khu chợ truyền thống lâu năm ở Hà Nội, dù đã cận Tết nhưng vẫn vắng vẻ. Ế ẩm khiến nhiều tiểu thương livestream bán hàng, người ngồi buôn chuyện, người tranh thủ nghỉ ngơi.