Tại hệ tầng Gualing thuộc tỉnh Quý Châu - Trung Quốc, hài cốt một loài quái vật đã gây kinh ngạc bởi hình dạng lẫn độ toàn vẹn hiếm thấy.
Thân hình dài, hẹp của con vật cộng với thế nằm uốn lượn trong phiến đá cổ 240 triệu năm - tức thuộc kỷ Tam Điệp - dễ khiến người ta liên tưởng nó với một con rồng trong thần thoại.
Sinh vật lạ đã được nhóm khoa học gia Trung Quốc - Đức - Anh xác định thuộc loài Dinocephalosaurus orientalis.
Đó là một loài bò sát biển hoàn toàn quái dị và là một trong những đại diện sơ khai nhất của thế giới khủng long đang chập chững ra đời trong kỷ Tam Điệp.
Bởi lẽ, kỷ Tam Điệp chính là kỷ mà họ hàng quái vật này chậm chạp ra đời, trước khi bùng nổ về "dân số" cũng như tính đa dạng trong các kỷ Jura và Phấn Trắng sau đó.
Quái vật tỉnh Quý châu có bộ xương - chưa tính hộp sọ - dài đến 6 m với 32 đốt sống riêng biệt. Nó khá giống một bộ xương rắn nếu không có một phần giữa có xương sườn, cho thấy có một phần thân phình ra, có chi. Tuy vậy, phần thân vẫn quá hẹp so với chiều dài của con vật.
Hàm răng của chúng nhọn và dày đặc, là loại răng bẫy cá từng được tìm thấy ở một số bò sát biển kỳ lạ khác sống ở khu vực châu Âu và Trung Quốc vào kỷ Phấn Trắng rất lâu sau đó.
Điều khác biệt với các bò sát biển cổ dài sau này là con vật sơ khai này nhiều đốt sống giống kiểu những con rắn.
Không chỉ sống trong đại dương, quá trình sinh sản của chúng cũng gần như chắc chắn diễn ra hoàn toàn trong đại dương.
Ngoài mối liên tưởng tới rồng, sinh vật lạ này cũng khiến một số nhà khoa học phương Tây liên tưởng đến quái vật hồ Loch Ness cũng như nhóm thằn lằn cổ rắn cổ đại (Plesiosauroidea).
Tuy nhiên, khác với kỳ vọng, các phân tích cho thấy con vật không có quan hệ họ hàng với dòng dõi thằn lằn cổ rắn.
Dinocephalosaurus orientalis lần đầu tiên được tìm thấy ở Trung Quốc năm 2003 và được mô tả sơ lược, đặt danh pháp. Tuy nhiên, đó là một mẫu vật không hoàn chỉnh.
Với mẫu vật mới tại Quý Châu, lần đầu tiên thân hình giống rồng của con vật được mô tả.
"Đây là một ví dụ nữa về thế giới kỳ lạ và tuyệt vời của kỷ Tam Điệp, tiếp tục khiến các nhà cổ sinh vật học bối rối" - TS Nick Draser, người phụ trách về khoa học tự nhiên tại Bảo tàng Quốc gia Scotland (Anh), nhìn nhận.
Xem thêm: nhc.384124290622042881-ssen-hcol-oh-tav-iauq-av-gnor-gnoig-al-tav-hnis-neid-ol-couq-gnurt/nv.fefac