Nguồn thu nhập hấp dẫn từ ốc lể
Ốc lể, hay còn được biết đến với tên gọi khác là ốc gạo hoặc ốc ruốc, thường xuất hiện vào tháng giêng đến tháng 4 âm lịch hằng năm.
Với kích thước nhỏ chỉ bằng đầu đũa nhưng khi kết hợp với các loại gia vị, ốc lể trở nên thơm ngon đậm đà. Loại ốc này đã trở thành món ăn nổi tiếng tại các tỉnh thành miền Trung, giới nữ vô cùng yêu thích.
Ốc lể sau khi khai thác sẽ được các thương lái gom mua đưa về các chợ. Đối tượng tiêu thụ loại thực phẩm này chính là phụ nữ và học trò.
Từ sáng sớm, nhiều người đã có mặt trên bãi biển Đà Nẵng với những dụng cụ chuyên dụng để cào ốc lể. Chị Huỳnh Thị Hoa (ngụ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) đã đến bãi tắm Phạm Văn Đồng từ 3 giờ sáng, chị vô cùng phấn khởi với thành quả là một xô ốc mà chị vừa thu hoạch được.
"Thời điểm thích hợp để cào ốc lể là lúc thủy triều rút, như hôm nay là 3h sáng, cũng có hôm vào 12h đêm. Năm nay, lượng ốc không nhiều bằng các năm trước, nhưng công việc này cũng đem lại cho gia đình thêm nguồn thu nhập", chị Hoa vui vẻ cho biết.
Không như những loại ốc khác khi bán được tính bằng ký hay lon, ốc lể lại được bán theo xô. Theo chị Hoa, một xô ốc lể có giá dao động 600.000 - 700.000 đồng. Lúc ốc khan hiếm, giá có thể lên đến 900.000 đồng/xô.
"Có khi phải mất cả ngày trời mới bắt được xô ốc. Công việc tuy vất vả, nhưng xứng đáng với thu nhập", chị Hoa nói.
Không dễ "ăn" như nhiều người nghĩ
Dụng cụ dùng để cào ốc khá đơn giản, chỉ cần một cây sào dài hơn 2 mét, một đầu được gắn thêm một khuôn sắt hình chữ nhật. Khuôn sắt này được phủ một đoạn lưới dài phía sau để khi cào, ốc bị giữ lại bên trong lưới, còn cát theo dòng nước trôi ra ngoài. Nhìn qua, ai cũng nghĩ công việc này dễ, nhưng khi tìm hiểu mới biết không hề đơn giản chút nào.
Công việc chính của anh Phạm Văn Đãi (ngụ phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) là cứu hộ bờ biển. Ngoài ca trực, anh tranh thủ đi cào ốc lể để kiếm thêm thu nhập.
Với kinh nghiệm cào ốc lể nhiều năm, anh Đãi biết rõ những khó khăn của nghề này. "Để cào được một xô ốc có khi phải ngâm mình dưới nước biển cả ngày, đối mặt với sóng biển, nắng gắt. Vì vậy người lao động phải có sức chịu đựng tốt. Ngoài ra, cần có đôi chân khỏe, vì khi cào ốc dưới lớp cát dày rất nặng, lại vừa phải liên tục di chuyển nên rất nhanh mỏi", anh cho hay.
Để cào được nhiều ốc lể, anh Đãi cũng cho biết cần phải có kinh nghiệm. Những nơi đất mềm, ốc sẽ ở cạn hơn những nơi đất cứng. Trung bình ốc này nằm cách mặt cát khoảng một gang tay. Người đi cào ốc sẽ biết nơi nào có nhiều ốc thông qua cảm nhận từ lưỡi cào khi va lạo xạo vào ốc dưới lớp cát.
Những ngày này, đi dọc theo các bãi biển của Đà Nẵng, nơi đâu cũng thấy người dân đi ào ốc lể để kiếm thêm thu nhập.
Ảnh: THANH NGUYÊN
TT - Hằng năm tới mùa ốc gạo, kéo dài từ đầu tháng 3 đến hết tháng 6 dương lịch, những người dân sống dọc hai bờ sông Lại Giang (thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn, Bình Định) rủ nhau đi mò ốc gạo.