Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC tại Hà Nội sau khi mở cửa sáng nay ngày 26/2 tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày cuối tuần trước, thì vào cuối ngày hôm nay đã chưa có thêm điều chỉnh nào, hiện đứng ở mức 76,80 – 79,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần qua tại Mỹ tăng 11,1 USD lên 2.035,3 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chững lại và giảm nhẹ về gần 2.030 USD/ounce vào cuối ngày.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 103,88 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 26/2 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.004 đồng/USD, tăng 8 đồng so với cuối tuần qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 24.500 – 24.840 đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua tăng nhẹ lên gần 51.400 USD thì sang phiên hôm nay đã có nhịp tăng lên gần 52.000 USD, trước khi đảo chiều giảm và lùi về dưới mốc 51.000 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,39 USD (-0,51%), xuống 76,10 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,44 USD (-0,54%), xuống 81,13 USD/thùng.
VN-Index tăng lên gần 1.225 điểm
Chỉ số VN-Index sau ít phút rung lắc nhẹ đầu phiên đã bật lên và hai lần thử thách ngưỡng 1.220 điểm nhưng chưa thành công do các bluechip vẫn còn hoạt động yếu và bảng điện tử phân hóa.
Tuy nhiên, thị trường đã dần nới rộng biên độ tăng vào cuối phiên và vượt qua mốc điểm trên và tiến thẳng đến 1.225 điểm, khi lực cầu sôi động, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, thủy sản, nhựa – hóa chất, hàng gia dụng, vận tải kho bãi…
Mặc dù vậy, chỉ số kết phiên lại bị kéo lùi nhẹ đôi chút, nhưng giao dịch nhìn chung vẫn rất tích cực với thanh khoản chậm gần 21.000 tỷ đồng trên HOSE.
Tính chung trên toàn thị trường, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 4,75 triệu đơn vị, nhưng tổng giá trị là mua ròng 68,1 tỷ đồng.
Kết thúc phiên giao dịch 26/2: VN-Index tăng 12,17 điểm (+1%), lên 1.224,17 điểm; HNX-Index tăng 1,79 điểm (+0,77%), lên 232,86 điểm; UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,37%), lên 90,49 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Sáu (23/2) khi tâm lý thị trường vẫn đang rất tích cực với động lực từ Nvidia.
Cổ phiếu Nvidia tiếp tục nhích nhẹ, sau phiên trước đó công bố kết quả kinh doanh quý cuối năm 2023 vượt trội, đưa vốn hóa công ty lên mức trên 2.000 tỷ USD.
Trong tuần, Dow Jones tăng 1,3%, S&P 500 tăng 1,66%, Nasdaq Composite tăng 1,4%.
Kết thúc phiên 23/2: Chỉ số Dow Jones tăng 62,42 điểm (+0,16%), lên 39.131,51 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,77 điểm (+0,03%), lên 5.088,80 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 44,80 điểm (-0,28%), xuống 15.996,82 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao kỷ lục mới, được hỗ trợ nhóm cổ phiếu dược phẩm, mặc dù việc chốt lời đã hạn chế đà tăng của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,35% lên 39.233,71 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,5% lên 2.673,62 điểm.
Chứng khoán Nhật Bản đã tăng mạnh nhờ định giá rẻ và cải cách doanh nghiệp, đã thành công trong việc thu hút tiền nước ngoài tìm kiếm giải pháp thay thế cho thị trường Trung Quốc.
Ngành dược phẩm hoạt động tốt nhất, với chỉ số phụ tăng 2,5%, với gã khổng lồ Chugai Pharmaceutical tăng 6,37%, trong khi Daiichi Sankyo tăng 3,86%.
"Có cảm giác rằng các nhà giao dịch đang chọn ra những cổ phiếu đang chạy chậm và chưa được mua nhiều", Hiroshi Namioka, chiến lược gia trưởng tại T&D Asset Management cho biết.
Mức tăng thu hẹp trong phiên chiều khi các nhà giao dịch chốt lời sau đợt tăng gần đây, với 121 mã tăng so với 102 mã giảm trên Nikkei 225, với nhóm cổ phiếu nhịp suy giảm như Screen Holdings giảm 3,49%, Lasertec Corp mất 2,15% trong khi Tokyo Electron giảm 1,59%.
Chứng khoán Trung Quốc giảm, sau chín phiên tăng liên tiếp trước đó, khi các nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đà tăng gần đây có thể được duy trì hay không.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,93% xuống 2.997,02 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip giảm 1,04% xuống 3.453,36 điểm.
Sự phục hồi gần đây của thị trường đến từ sự kết hợp của sự can thiệp của nhà nước và các quy định mới nhằm hạn chế những hành động khiến thị trường biến động mạnh trong ngắn hạn, chẳng hạn như trấn áp hoạt động bán khống, thắt chặt kiểm soát giao dịch định lượng. Vì vậy, giới đầu tư đã đặt dấu hỏi về sự phục hồi bền vững, Alvin Tan, người đứng đầu chiến lược ngoại hối châu Á tại RBC Capital Markets cho biết.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức một cuộc họp quan trọng cơ quan chính sách kinh tế vào thứ Sáu, để thảo luận về việc hỗ trợ cho nhà sản xuất và giảm chi phí logistics, truyền thông nước này đưa tin.
Chứng khoán Hồng Kông giảm, khi các nhà đầu tư chậm lại sau ba tuần hồi phục liên tiếp, cũng như sự thận trọng gia tăng khi các doanh nghiệp lớn sẽ có báo cáo kết quả kinh doanh trong tuần này như Baidu, NetEase và Li Auto.
Đóng cửa, Hang Seng-Index giảm 0,54% xuống 16.634,74 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises giảm 0,72% xuống 5.723,36 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc giảm, khi chính phủ thông báo các biện pháp cải cách doanh nghiệp không đáp ứng được mong đợi của thị trường.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI giảm 20,62 điểm, tương đương 0,77% xuống 2.647,08 điểm.
Ủy ban Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSC) ngày 26/2 đã công bố "Chương trình nâng cao giá trị", một đối sách để giải tỏa tình trạng thị trường cổ phiếu Hàn Quốc bị định giá thấp.
Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải đặt ra mục tiêu nâng giá cổ phiếu trong vòng trên ba năm, một khoảng thời gian tương đối dài và định ra thời điểm đạt được mục tiêu đó, cùng phương án đạt mục tiêu cụ thể ra sao. Các doanh nghiệp sẽ phải công bố mục tiêu của mình sau tháng 5 tới.
Kết thúc phiên 26/2: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 135,03 điểm (+0,35%), lên 39.233,71 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 27,86 điểm (-0,93%), xuống 2.977,02 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 91,12 điểm (-0,54%), xuống 16.634,74 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc giảm 20,62 điểm (-0,77%), xuống 2.647,08 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Cổ đông nhiều ngân hàng sắp được nhận cổ tức bằng cổ phiếu
Với nhu cầu tăng vốn cao trước áp lực tiến tới các chuẩn mực của Basel III, không ít ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu và sẽ trình cổ đông thông qua trong kỳ đại hội thường niên năm nay..>> Chi tiết
- "Chọn mặt, bỏ tiền" vào thị trường cổ phiếu
Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục được hỗ trợ bởi tiền rẻ và kỳ vọng các chính sách kích thích kinh tế được duy trì. Tuy nhiên, sau giai đoạn hồi phục mạnh vừa qua, việc chọn cổ phiếu cần xem xét kỹ..>> Chi tiết
- Kỳ vọng cơ hội phát triển bền vững
Nhiều nhà đầu tư quan tâm tới Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ cùng các thành viên thị trường dự kiến tổ chức ngày 28/2/2024 này, kỳ vọng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ thị trường phát triển mạnh mẽ, bền vững..>> Chi tiết
- Cổ phiếu “vua” chưa hết cơ hội
So với đầu năm 2024, nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện có mức tăng giá khoảng 17%, nhưng mức định giá vẫn phù hợp để tích lũy cho tầm nhìn trung và dài hạn..>> Chi tiết
- Lo ngại về tình trạng thiếu tàu chở dầu đang quay trở lại
Lo ngại về việc tàu chở dầu đang có quá ít đã quay trở lại sau khi các tàu thương mại chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng ở Biển Đỏ gây ra sự chuyển hướng chung trong hoạt động vận chuyển xăng dầu toàn cầu..>> Chi tiết