Ngày nay, iPhone 15 của Apple, Pixel 8 Google và Galaxy S24 Samsung được sản xuất tại Ấn Độ. Thậm chí, Elon Musk đang cân nhắc việc thành lập nhà máy sản xuất xe điện ở nước này.
Apple là một trong những tên tuổi đi đầu mở cơ hội cho Ấn Độ thành công xưởng thế giới. Tờ Le Monde gọi quyết định đầu tư vào quốc gia Nam Á này năm 2017 của táo khuyết là "canh bạc". Khi ấy, họ bắt đầu bằng việc lắp ráp các mẫu iPhone giá rẻ, rồi mở rộng quy mô nhờ các đối tác sản xuất từ Đài Loan, như Pegatron, Wistron.
Năm năm sau, Apple tăng tốc và bắt đầu sản xuất các mẫu điện thoại mới nhất tại đây, đầu tiên là iPhone 14, sau đó đến iPhone 15. Hiện, khoảng 12-14% chiếc điện thoại của "táo khuyết" bán ra trên thế giới được sản xuất tại Ấn Độ, và sẽ tăng lên 25% vào cuối năm nay.
Sự xuất hiện của gã khổng lồ này khiến người Ấn hưng phấn, từ tầng lớp trung lưu, các thành viên chính phủ, đến các ngôi sao điện ảnh và thậm chí các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương.
Anand Mahindra, Chủ tịch Tập đoàn Mahindra & Mahindra, hào hứng trên mạng xã hội X hồi tháng 10: "Gần đây tôi đến một cửa hàng Verizon ở Mỹ để mua sim và tự hào nói với nhân viên bán hàng rằng iPhone 15 của tôi được sản xuất tại Ấn Độ". Ông tuyên bố sẽ mua ngay một chiếc Pixel 8 của Google khi phiên bản sản xuất tại đây được bán ra.
'Make in India'
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal hy vọng tấm gương của Apple sẽ gửi "tín hiệu mạnh mẽ" đến các công ty toàn cầu. Xuất khẩu điện thoại thông minh của nước này đã tăng gấp đôi trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2023, đạt 11 tỷ USD.
Cách đây một thập kỷ, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi nêu tham vọng lâu dài là biến quốc gia Nam Á này thành công xưởng mới của thế giới. "Tôi muốn kêu gọi toàn thế giới: 'Hãy đến sản xuất tại Ấn Độ'", ông tuyên bố trong bài phát biểu nhân kỷ niệm Ngày Độc lập vào năm 2014.
Để hiện thực hóa, Ấn Độ đưa ra sáng kiến "Make in India" nhằm thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, vốn chỉ chiếm 17% GDP. Chiến lược này gồm tăng thuế nhập khẩu để khuyến khích sản xuất nội địa. Đến 2022, thuế này đã tăng lên mức bình quân 18%, cao hơn Thái Lan và Việt Nam.
"Trong lịch sử, quốc gia Nam Á không mấy cởi mở với thương mại quốc tế và chiến lược của chính phủ - khá cơ bản - là hạn chế nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc, với thuế cao và trợ cấp xuất khẩu", Catherine Bros, Giáo sư kinh tế tại Đại học Tours và là nhà nghiên cứu tại Laboratoire d'Économie d'Orléans (Pháp).
Năm 2020, họ đưa ra hình thức trợ cấp xuất khẩu gọi là "Khuyến khích liên kết", thông qua việc rót gần 22 tỷ USD cho 14 lĩnh vực chính, như sản xuất điện thoại thông minh, sản phẩm y tế và linh kiện ôtô.
Tăng trưởng kinh tế cao (7,3%), dân số đông nhất thế giới - 1,4 tỷ người - cũng là những lợi thế giúp quốc gia Nam Á thu hút các tập đoàn muốn tiếp cận thị trường đang bùng nổ này. Vivien Massot, CEO Công ty phân tích rủi ro kinh tế Tac Economics, ví dụ nhiều doanh nghiệp Pháp đến sản xuất tại đây để tiếp cận thị trường nội địa, hơn là xuất khẩu.
Ấn Độ ghi nhận 71 tỷ USD vốn FDI trong năm tài chính 2022-2023, riêng nửa đầu năm là 33 tỷ USD. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos tháng trước, Bộ trưởng Công nghệ thông tin Ashwini Vaishnaw nói nước này đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mỗi năm trong giai đoạn tới.
Để đạt được, họ cải thiện 4 động lực, gồm cơ sở hạ tầng (vật chất và kỹ thuật số), nâng cao đời sống tầng lớp thu nhập thấp nhất, thúc đẩy sản xuất và đơn giản hóa các quy trình thủ tục.
Trong nỗ lực mới nhất, tuần trước, Ấn Độ cho biết họ sẽ cho phép 100% vốn FDI trong sản xuất vệ tinh và nới lỏng các quy định sản xuất tên lửa, nhằm gia tăng thị phần trên thị trường vũ trụ toàn cầu. Điều này sẽ mở ra cơ hội gia nhập dễ dàng hơn cho những công ty chủ chốt như SpaceX, Maxar, Viasat, Intelsat và Airbus. Theo các chuyên gia, thương mại hóa, sản xuất vệ tinh là lĩnh vực sinh lợi cao, có nhiều mối quan hệ hợp tác khả thi.
Chưa dễ thay Trung Quốc
Tuy nhiên, quốc gia Nam Á vẫn còn chặng đường dài để thể thay thế được Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại toàn cầu, theo chuyên gia. Vivien Massot cho biết Trung Quốc chiếm 30% giá trị gia tăng toàn cầu trong sản xuất hàng hóa, gấp 10 lần Ấn Độ. "Lĩnh vực sản xuất cần có tốc độ tăng trưởng cực nhanh trong 20 năm để bắt kịp", ông nói.
Giáo sư Bros nói nhìn vào chuỗi giá trị toàn cầu, Ấn Độ không cùng phân khúc với Trung Quốc và nằm khá nhiều ở hạ nguồn. "Hiệu ứng thay thế là không đáng kể và chỉ xảy ra với các sản phẩm kiểu như iPhone", ông nói.
Động thái gần đây là một minh chứng. Hôm 30/1, nước này giảm thuế nhập khẩu với một số linh kiện điện thoại thông minh, trong đó có nhiều linh kiện được nhập từ Trung Quốc, nhằm tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi hơn.
Ngoài ra, người khổng lồ Nam Á phải đối mặt với một số thách thức khác nếu muốn trở thành một công xưởng thế giới mới. Đó là cơ sở hạ tầng kém phát triển, cung cấp điện thiếu ổn định, bất chấp những nỗ lực đáng kể của họ 10 năm qua.
Về nhân lực, trong khi các kỹ sư hàng đầu có danh tiếng xuất sắc trên khắp thế giới thì nước này cũng đối mặt với tình trạng thiếu lao động tay nghề cao. Khoảng 350 triệu người không biết đọc hoặc viết, và chỉ một phần nhỏ dân số được đào tạo chuyên môn.
Ngoài ra, chuyên gia cho rằng chính sách kinh tế của New Delhi phần lớn vẫn theo kiểu can thiệp để làm dịu lòng các nhà đầu tư khi cần. Ví dụ, tháng 8/2023, chính phủ đột ngột hạn chế nhập khẩu laptop nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước.
Anand Parappadi Krishnan, nhà nghiên cứu tại Centre of Excellence for Himalayan Studies tại Đại học Shiv Nadar chỉ ra vấn đề cơ bản là chính phủ không có chính sách công nghiệp mạch lạc. Họ tiếp cận vấn đề theo từng phần nhỏ, khác với sự toàn diện của Trung Quốc. Ngoài ra, Đông Nam Á cũng nổi lên là lựa chọn của các công ty đa quốc gia trong chiến lược "Trung Quốc + 1".
"Ấn Độ đang dò đá qua sông", ông mượn thành ngữ Trung Quốc để tóm lược.
Phiên An (theo Le Monde, Reuters)