Là một du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc, tôi đã có dịp trải nghiệm và học hỏi nhiều điều mới trong quá trình sinh sống và học tập tại đây. Tôi thường tranh thủ những lúc rảnh rỗi để khám phá và quan sát những điều mới lạ trong văn hóa, cuộc sống và thói quen của người dân bản địa.
Những ngày đầu đi siêu thị, tôi còn bất ngờ khi thấy tấm biển ghi giá ớt tương đương 80 nghìn đồng/kg. Đây là mức giá cao gấp 3-4 lần so với trước lúc tôi đi du học. Tuy nhiên, tới khi nhìn kĩ lại mặt hàng, tôi mới vỡ lẽ rằng đây là loại ớt xanh “khổng lồ”, phần dày nhất to gần bằng cổ tay người lớn. Do trước đây chỉ quen với các loại ớt chỉ thiên cay, ớt ngọt trái dài hay ớt chuông có dáng hình trụ nên tôi thấy lạ lẫm trước loại ớt này.
Do lựa chọn du học tại Thượng Hải, một trong những thành phố đắt đỏ nhất Trung Quốc nên chi phí sinh hoạt của tôi cao hơn nếu so với các tỉnh thành khác của đất nước này. Giá cơm sinh viên – sau khi đã được nhà trường trợ giá – tương đương 40 nghìn đồng/suất thấp nhất. Trong khi đó, các bạn Trung Quốc ăn rất khỏe, một bữa thường ăn tới 60-80 nghìn đồng. Chưa kể, đôi lúc học sinh Trung Quốc còn mua trà sữa, cà phê, hoa quả, mức chi tiêu sẽ cao hơn tôi rất nhiều.
Theo tôi ước tính, nếu đặt cơm ăn ngoài hoặc đi ăn tại hàng, mức giá sẽ y nguyên nhưng khẩu phần sẽ… giảm ít nhất 20%. Kí túc xá của trường lại không cho sinh viên nấu ăn nên tôi đã quyết định chuyển ra ngoài và tự nấu ăn để tiết kiệm. Giá thuê trọ tại khu vực tôi ở dao động từ 900-1.300 tệ (tương đương 3 - 4,4 triệu đồng) cho một phòng khép kín hơn 10m2, có điều hòa, bình nóng lạnh và wifi miễn phí. Chủ nhà trọ tôi cho biết, căn phòng tương đương như vậy ở khu trung tâm thành phố phải ít nhất 5.000 tệ (tương đương 17 triệu đồng). Trước khi tới đây, tôi đã nghe qua về sự đắt đỏ của thành phố này, nhưng không ngờ lại cao như vậy.
Dù giá phòng cao, nhưng bù lại, phương tiện giao thông công cộng tại đây lại rất rẻ. Các tuyến xe buýt tôi thường đi chỉ có giá 1 tệ (3.400 đồng)/lượt đối với các tuyến dưới 15km. Các tuyến xa hơn sẽ có giá 2-3-4 tệ, tùy theo khách đi bao xa. Có một lần tôi đã đi xe buýt giá 10 tệ (khoảng 34.000 đồng) với quãng đường 60km.
Tuy nhiên, xe buýt lại không được ưa chuộng như tàu điện ngầm. Loại phương tiện này là “cứu tinh” cho đa số cư dân tại Trung Quốc, với giá vé tùy tuyến chỉ dao động 7-8 tệ (27 nghìn đồng) cho quãng đường 60km hoặc xa hơn. Vào giờ cao điểm, đôi lúc tôi thấy ngoài đường vắng người, nhưng trong ga tàu điện ngầm lại là một “cuộc chiến” để chen được vào tàu.
Thượng Hải đã siết chặt việc cấp biển số cho xe ô tô, đưa hoạt động cấp biển số thành việc đấu giá, đôi lúc giá biển xe còn đắt hơn cả xe. Do đó, không phải ai cũng có đủ tiền mua cả xe lẫn biển. Tôi từng trò chuyện với một tài xế xe taxi và được biết đôi lúc giá biển xe lên tới 200.000 tệ (gần 700 triệu đồng). Như vậy, người dân muốn đi xa, đúng giờ, không tắc đường thì chỉ còn cách đi tàu điện ngầm.
Một trong những điều có thể khiến nhiều người khó chịu là có quá nhiều camera giám sát ở khắp mọi nơi. Từ camera trên đường cao tốc, camera ở ngã tư đường, camera trong phòng học, ở hành lang trường, ở máy bán nước tự động, mọi nơi tôi đi qua đều được ghi lại rõ ràng.
Trong lần tới thăm quảng trường Thiên An Môn (Bắc Kinh), tôi bắt gặp dãy cột cao, mỗi cột treo gần 10 camera theo dõi đủ các loại. Mặc dù việc bị ghi hình ở khắp nơi có thể bất tiện với nhiều người, nhưng điều này giúp giảm tỉ lệ tội phạm và các bạn nữ cho biết họ cảm thấy an toàn hơn khi di chuyển một mình vào ban đêm.