Tổng thống Pháp Emmanuel Macron mới đây thảo luận công khai về ý tưởng đưa quân phương Tây đến Ukraine trong cuộc họp với lãnh đạo của khoảng 20 quốc gia châu Âu tại Paris ngày 26-2.
Mở đường để can dự trực tiếp hơn đến Ukraine
Tại cuộc họp báo tối 26-2 ở Paris sau cuộc gặp với khoảng 20 nhà lãnh đạo châu Âu để tập hợp sự ủng hộ dành cho Ukraine, Tổng thống Macron cho biết không loại trừ khả năng các quốc gia phương Tây đưa quân tới Ukraine trong tương lai, nhưng lưu ý chưa có sự đồng thuận ở giai đoạn này.
"Không có sự đồng thuận ở giai đoạn này về việc điều quân (tới Ukraine). Chúng tôi sẽ làm bất cứ thứ gì có thể để ngăn Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này" - ông Macron nói.
Theo Hãng tin Reuters, phát biểu trên cho thấy quả thật ông Macron là người thích phá vỡ những điều cấm kỵ và thách thức lối suy nghĩ thông thường.
Với việc không loại trừ khả năng đưa quân phương Tây tới Ukraine, ông Macron đang thách thức quan điểm phổ biến lâu nay - quan điểm cho rằng việc điều quân như vậy sẽ làm leo thang nghiêm trọng nguy cơ xảy ra chiến tranh giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Phát biểu của ông có thể mang tính dự đoán trước và mở đường cho sự can dự trực tiếp hơn của phương Tây vào cuộc chiến chống Nga ở Ukraine.
Một nguồn tin ngoại giao của Pháp cho rằng nếu phương Tây tiếp tục con đường viện trợ vũ khí và chỉ đưa ra các tuyên bố ủng hộ như hiện tại, thì điều đó sẽ tiếp tục khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nghĩ rằng "chúng ta yếu đuối".
Một số quan chức, đặc biệt ở khu vực Đông Âu, ủng hộ ý tưởng phương Tây nên đưa ra những tính toán và lằn ranh đỏ "khó dự đoán hơn" đối với ông Putin.
"Những thời điểm như thế này đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị, tham vọng và lòng can đảm để suy nghĩ theo cách khác, không theo lối mòn.
Sáng kiến sau cuộc họp ở Paris vào hôm 26-2 rất đáng được xem xét" - Ngoại trưởng Gabrielius Landsbergis của Lithuania nhận định.
Một nhà ngoại giao ở Đông Âu chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng những gì ông Macron nói là hữu ích. Nó cũng chứng minh cho dư luận của chúng ta thấy tính cấp bách của vấn đề".
Ông Onno Eichelsheim, một tướng Không quân Hà Lan, cho rằng ông Macron có thể muốn gửi thông điệp tới Tổng thống Putin: Đó là không có phương án nào bị loại bỏ cả.
"Bạn phải đặt lên bàn tất cả các phương án. Đây là phương án cuối và tôi không nghĩ các nước NATO sẵn sàng thực hiện điều đó. Nhưng bạn không bao giờ biết kịp thời điều gì sẽ xảy ra" - ông nói.
Một nhà ngoại giao khác ở Đông Âu đánh giá cuộc thảo luận công khai về việc gửi quân đội phương Tây tới Ukraine cho thấy tình hình của Ukraine đã trở nên nghiêm trọng như thế nào.
NATO Lúng túng
Tuy nhiên, phát biểu của ông Macron cũng có nguy cơ phá hoại một thứ mà ông tìm cách củng cố trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu ở Paris: Sự đoàn kết giữa các đồng minh phương Tây khi xung đột Nga - Ukraine bước sang năm thứ 3.
Mỹ tuyên bố sẽ không đưa quân tới Ukraine. Đức, Anh, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan và Cộng hòa Czech cũng nhanh chóng bác ý tưởng này.
Phát biểu của ông Macron cũng có nguy cơ làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa Pháp và Đức. Ông dường như "chọc tức" Đức về sự do dự ban đầu của nước này trong việc gửi vũ khí tấn công tới Ukraine. Ông nhắc lại cách đây 2 năm một số nước chỉ muốn gửi "túi ngủ và mũ bảo hiểm".
Ở hậu trường, giới chức Đức những tuần gần đây cáo buộc Pháp không gửi đủ số viện trợ quân sự cho Ukraine.
Một quan chức phương Tây cho rằng phát biểu của ông Macron đã khiến một số thành viên NATO lúng túng. Như với trường hợp Mỹ, ý tưởng này làm phức tạp thêm cuộc tranh luận về dự luật (đang bị kẹt tại Quốc hội Mỹ) viện trợ khoảng 60 tỉ USD cho Ukraine, nếu gây ra lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột.
Còn Nga cảnh báo sẽ "không thể tránh khỏi" xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga nếu liên minh quân sự này đưa quân tới Ukraine tham chiến.
Các nhà ngoại giao Pháp sau đó giải thích ý tưởng của ông Macron là khơi dậy cuộc tranh luận về vấn đề này, nhưng chưa có kế hoạch cụ thể nào theo hướng đó.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne lưu ý Pháp có thể sẽ gửi quân tới Ukraine để làm những nhiệm vụ phi chiến đấu (như rà phá bom mìn...), chứ không phải tham chiến trực tiếp chống lại Nga.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã lên tiếng làm rõ phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc Paris không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine. Tổng thư ký NATO cũng nêu quan điểm ngay sau đó.