Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay người dân Mỹ đã phải dùng đủ mọi cách để chống lại đà tăng giá thực phẩm hiện nay, bất chấp lạm phát đã được kìm hãm.
Theo WSJ, hàng loạt những biện pháp như chuyển qua ăn chay để giảm tiêu thụ thịt, phân bổ ngân sách bữa ăn trước cả tháng, trồng rau, nuôi cá, đi săn hay thậm chí ăn đồ hết hạn đang được nhiều hộ gia đình Mỹ áp dụng.
Sau thông tin chi phí lương thực chiếm tỷ lệ lớn chưa từng thấy kể từ năm 1991 trong tổng thu nhập khả dụng của người Mỹ, hàng trăm độc giả đã gửi phản hồi về cho WSJ để chia sẻ cách mà họ sống sót qua thời kỳ bão giá hiện nay.
Số liệu của Bộ lao động Mỹ cho thấy chi phí ăn nhà hàng tháng 1/2024 đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước, còn chi phí thực phẩm tươi đã tăng 1,2%. Dù lạm phát đã được bình ổn từ mức cao năm 2022 nhưng giá nhiều mặt hàng vẫn tăng phi mã, ví dụ giá thịt bò và đường ở Mỹ đã phá kỷ lục trong những tháng gần đây.
Những phương pháp như hạn chế ăn nhà hàng, dùng nhiều thẻ giảm giá, mua sỉ thay vì mua lẻ đã quá bình thường. Giờ đây các gia đình phải sáng tạo ra những cách thức mới để sống sót trong thời bão giá thực phẩm.
Thậm chí hiện nay nhiều doanh nghiệp còn thay đổi marketing cho phù hợp với xu thế tiêu dùng tiết kiệm của người Mỹ. Ví dụ CEO Gary Pilnick của hãng WK Kellogg còn thực hiện các chiến dịch quảng cáo cổ vũ khách hàng dùng sản phẩm ngũ cốc của công ty cho bữa tối để tiết kiệm.
Tờ Business Insider (BI) nhận định một trạng thái "bình thường mới" đang diễn ra ở Mỹ khi người dân phải thay đổi cách sống cho phù hợp với hiện trạng thời nay.
Đi săn
Nghe có vẻ buồn cười nhưng gia đình cô Nancy Randall đang sống nhờ vào đi săn và bắt cá. Cụ thể, nhà cô Randall thường đánh bắt cá hồng ở Vịnh Mexico và săn bắn khoảng 8 con hươu mỗi năm để chế biến lấy thịt thay thế cho việc phải mua sắm ngoài siêu thị.
Thông thường, gia đình 6 người của Randall sẽ ướp thịt đông lạnh để ăn quanh năm. Thế nhưng khi giá lương thực tăng, nhà Randall đã hạn chế mua thực phẩm siêu thị và dựa phần lớn vào nguồn thức ăn đánh bắt được, qua đó khiến lượng thịt đông giảm đi nhanh chóng.
Tình hình khó khăn đến mức các thành viên nhà Randall phải cắt giảm chi phí 30%, điều này đồng nghĩa mọi người phải tuân thủ tuyệt đối việc tiết kiệm mua sắm lương thực, tích cực săn bắt để lấy thực phẩm thay thế.
"Không còn thịt và phô mai nữa, chúng tôi giờ chỉ dám mua khoai tây chiên và sốt cà chua", cô Randall than thở với WSJ.
Trồng rau
Ông Bernard Brothman nói với WSJ rằng mình đã phải gia tăng trồng rau để tiết kiệm chi phí lương thực. Vị giám đốc nhân sự đã nghỉ hưu này cho biết ông trồng hơn chục loại cây từ mùa xuân đến mùa thu tại khu vườn công cộng và tại một khu vườn nữa ở nhà con trai mình gần đó.
Tổng cộng ông Brothman đã tốn khoảng 200 USD chi phí phân bón, hạt giống cho các cây cải xoăn, cà rốt, bí, cà chua và các loại thực phẩm khác nhưng bù lại tiết kiệm được hàng trăm USD mua thực phẩm ngoài siêu thị.
Ngoài ra, ông Brothman cũng đang tìm kiếm các đợt bán sỉ thực phẩm, ví dụ như mua hết thịt quay tại một cửa hàng Do Thái đang hạ giá rồi cất tủ lạnh nhằm tiết kiệm chi phí.
Không tốt cho sức khỏe
Trong nhiều năm gia đình cô Sarah Smith thường chế biến những bữa tối đầy đủ như sườn heo nhồi gia vị với thảo mộc. Thế nhưng gia thực phẩm tăng khiến họ giờ đây chỉ dám ăn bánh mỳ thịt hoặc mỳ cá ngừ hầm, hay những món trộn lẫn như nồi lẩu thập cẩm.
"Tôi trộn mỳ với cá ngừ đóng hộp, súp nấm đóng hộp và thêm ít hành tỏi. Nó không tốt cho sức khỏe nhưng dù gì cũng là thức ăn", cô Smith, một chuyên gia tiếp thị 54 tuổi ở Las Vegas ngậm ngùi nói.
Gia đình Smith cũng thay đổi thói quen mua sắm khi lùng sục các thùng hàng giá rẻ tại các cửa hàng tạp hóa địa phương để chọn những món thịt giảm giá sắp hết hạn trong ngày. Phần trái cây và rau củ thì cô Smith chọn mua ở cửa hàng đồng giá gần đó.
Ăn đồ hết hạn
Theo WSJ, gia đình cô Kathleen Glindmeier đã phải dùng cả đồ hộp quá hạn nhằm tiết kiệm chi phí. Bản thân nhà Glindmeier có tham gia tình nguyện trong một ngân hàng thực phẩm cho người nghèo (Food Bank) và họ chứng kiến ngày càng nhiều gương mặt mới đến nhờ sự giúp đỡ.
Cô Glindmeier cho biết rất nhiều thành viên của Food Bank địa phương họ đang làm là cựu giám đốc, giáo sư...nhưng vẫn phải mua sắm giảm giá ở siêu thị để tiết kiệm tiền.
Bản thân cô Glindmeier cũng từng chẳng quan tâm lắm đến các đợt giảm giá nhưng giờ đây gia đình này phải chú ý để chỉ mua khi siêu thị có khuyến mãi. Từ các vật dụng như nước giặt cho đến nhu yếu phẩm đều chỉ được phép mua sắm khi siêu thị hạ giá.
"Chúng tôi đang ngày càng sáng tạo hơn để sinh tồn", cô Glindmeier sống tại Phoenix mỉa mai.
Giờ đây, nhà Glindmeier phải tính toán đến từng miếng bơ hay hộp nước hoa quả, xem chúng tăng lên bao nhiêu cent và có nên loại bỏ khỏi danh sách mua sắm hay không.
Hạn chế thịt, trứng
Sáng tạo hơn nhà Glindmeier, gia đình Alexandra Blom thậm chí còn hạn chế ăn thịt trứng để ăn đậu và gạo thay thế. Một nồi thịt có thể được gia đình 4 người này dùng trong vài ngày, hoặc để tủ đông dùng dần.
Ngoài ra, nhà Blom còn dùng excel để liệt kê danh sách 60 loại thực phẩm theo giá bán ở Costco nhằm theo dõi từng tuần, qua đó quyết định mua sắm sao cho hợp lý nhất.
Thêm nữa, gia đình Blom đã từ bỏ hoàn toàn việc gọi đồ ăn về khi cuộc sống khó khăn hơn. Bản thân người mẹ 3 con này còn cho biết mình cảm thấy cực kỳ khó chịu khi nhìn thấy đồ ăn hỏng hay việc chồng cô đổ quá nhiều sữa vào ngũ cốc.
"Bát ngũ cốc sẽ ngập sữa và tôi biết chắc chắn là lũ trẻ sẽ không thích ăn chúng", cô Blom than vãn khi nửa gallon sữa có giá đến 6 USD.
*Nguồn: WSJ