Theo Hãng tin Reuters, ngày 28-2, nhiều quan chức cấp cao Nga đồng loạt chỉ trích, hăm dọa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì phát ngôn "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân vào Ukraine" hôm 26-2.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) Vyacheslav Volodin cảnh báo ông Macron đang giẫm vào vết xe đổ của Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte trên mạng xã hội: "Ông Macron không thể nghĩ cách nào hay hơn việc xúi giục một cuộc thế chiến thứ ba nhằm duy trì quyền lực cá nhân. Những đề xuất của ông ta đang dần trở nên nguy hiểm với người dân Pháp.
Trước khi đưa ra các tuyên bố (liên quan việc đưa quân sang Ukraine), ông Macron nên nhớ kết cục mà Hoàng đế Napoleon và các binh sĩ của ông ta đã nhận, khi 600.000 thi thể vẫn đang nằm dưới mặt đất ẩm".
Năm 1812, Hoàng đế Napoleon dẫn quân sang Nga. Ban đầu chuyến viễn chinh thuận lợi với nhiều thắng lợi liên tục, thậm chí quân Pháp đã tiến được đến thủ đô Matxcơva. Tuy nhiên, quân đội Nga sau đó đã phản công và đẩy lùi quân Pháp. Hàng trăm ngàn binh sĩ dưới trướng Hoàng đế Napoleon đã tử trận vì giá rét, bệnh dịch và đói khát.
Thất bại tại Nga đã trực tiếp khiến Hoàng đế Napoleon mất ngôi vương và bị trục xuất ra đảo Elba, kết thúc đỉnh cao sự nghiệp chính trị và cuộc đời binh nghiệp của ông.
Đồng lòng với ông Volodin, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev khẳng định ông Macron có những "ảo tưởng nguy hiểm về sự vĩ đại", và cho rằng phát ngôn của tổng thống Pháp chính là ví dụ cho sự thụt lùi của tư duy chính trị phương Tây.
"Những hậu duệ nhỏ bé và thảm hại của Bonaparte, trong cố gắng giành lại vinh quang đã mất cách đây 200 năm, đang chờ được trả thù với quy mô lớn như đoàn quân Napoleon và đang đưa ra những phát ngôn hung hăng, cực kỳ nguy hiểm và vô lý", ông Medvedev tuyên bố.
Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định phát ngôn của ông Macron đã cho thấy ngoại trừ tổng thống Pháp, các nước phương Tây đều hiểu rõ hiểm họa của việc đụng độ quân sự trực tiếp giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga.
Ngay sau phát ngôn của ông Macron, lãnh đạo Đức, Anh, Tây Ban Nha, Ý... đã nhanh chóng phủ nhận việc đưa quân đội nước mình vào Ukraine.
"Lãnh đạo nhiều chính phủ châu Âu nhanh chóng tuyên bố đã và sẽ không lên bất kỳ kế hoạch nào như thế. Điều này cho thấy họ hiểu rõ mối nguy hiểm", bà Zakharova cho biết.
Mặc dù các nước phương Tây phủ nhận việc cử quân sang Ukraine tham chiến, nhiều tài liệu khẳng định sự hiện diện của binh lính những nước này dưới vỏ bọc tình nguyện viên quốc tế.