"Đến bây giờ tôi mới suy nghĩ về điều đó. Lúc nổi nóng lên, đầu óc tôi không lường được kết cục này", Nguyễn Lê Tuấn Đức - tài xế ô tô Mazda cầm dao chém xe buýt trên đường - nói tại trụ sở Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội).
Cùng tâm trạng hối hận, Trần Văn Hiệp (38 tuổi) - tài xế xe máy, đánh người ở đường vành đai 2 trên cao - cúi gằm mặt, ngồi lặng lẽ viết từng lời khai. Khi phải đối diện với vòng lao lý, Hiệp nói "cảm thấy quá lo lắng".
Hai vụ việc trên diễn ra trong khoảng thời gian cách nhau không lâu, nhưng cùng nhận chung một phản ứng bức xúc từ cộng đồng, đặc biệt trên không gian mạng. Trái với hình ảnh hung hăng như trong clip được lan truyền, những người liên quan khi được hỏ, đều chung mong ước "thời gian quay lại để không bột phát hành vi này".
"Chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ"
Tài xế ô tô cầm dao chém xe buýt ở Hà Nội bật khóc, bày tỏ ân hận
Theo xác minh ban đầu từ cơ quan điều tra kết hợp lời khai của các nghi can, hai vụ việc tài xế hung hăng trên đường xảy ra gần đây ở Hà Nội cùng xuất phát từ những mâu thuẫn xảy ra trong quá trình tham gia giao thông.
Về 2 người đàn ông đi xe máy vào đường vành đai 2 trên cao rồi hành hung người trong ô tô, Trần Văn Hiệp (38 tuổi) và Trịnh Thịnh (44 tuổi) cho hay trước đó có lời qua tiếng lại với một tài xế ô tô rồi "bị nhổ nước bọt". Bức xúc, họ đuổi theo nhưng bất thành. Đỉnh điểm của sự việc xảy đến khi 2 người này thấy tài xế ô tô khác ghi hình mình, dẫn đến quá trình hành hung.
Còn Nguyễn Lê Tuấn Đức (33 tuổi) lý giải việc cầm dao chém vào xe buýt là vì chiếc xe Mazda của anh bị tạt đầu, "khiến cô con gái 3 tuổi trên xe khóc thét".
Từ những vụ việc trên, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn (phó viện trưởng Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết không khó để lý giải hành động của các trường hợp trên.
Theo ông Thìn, tâm lý chung của người tham gia giao thông thường căng thẳng. Nguyên nhân là họ phải tập trung xử lý các tình huống với mục tiêu đảm bảo an toàn cho bản thân.
Với tâm lý đó, những hành vi cản trở, đe dọa sự lưu thông bình thường lập tức sẽ tác động tiêu cực vào trạng thái tâm lý người tham gia giao thông. Từ đây sẽ thúc đẩy xung đột, gây sự, bạo lực để giải quyết bức xúc tiềm ẩn trong con người.
Khi có tình huống phát sinh gây ức chế tâm lý cho người tham gia giao thông, ông Thìn cho hay sẽ có 2 trạng thái tiếp diễn.
Thứ nhất, những người có nhận thức và kỹ năng xử lý tình huống sẽ tìm hướng để thỏa thuận, thỏa hiệp hoặc yêu cầu cơ quan pháp luật giải quyết.
Ở trường hợp thứ 2, một bộ phận hạn chế về nhận thức, hành động lệch chuẩn, coi thường pháp luật sẽ có nguy cơ cao hơn biến bức xúc thành xung đột, gây ra hành vi bạo lực.
"Trong cơn nóng giận, họ không nhận thức được hành vi thiếu kiềm chế sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đến tính mạng, sức khỏe cho người khác và yếu tố tự do pháp lý cho mình. Điều này dẫn đến tình trạng chưa đánh được người mặt đỏ như vang, đánh được người rồi mặt vàng như nghệ", ông Thìn nói và cho hay chỉ khi cơn nóng qua, đối mặt với vòng lao lý thì nhóm người này mới "ân hận".
Xây dựng văn hóa giao thông là cốt lõi
Cho rằng việc hành hung người khác trên đường từ những mâu thuẫn nhỏ là đáng lên án và pháp luật cần nghiêm trị, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn đánh giá cần có cái nhìn khách quan, toàn diện hơn về những yếu tố khác cộng hưởng, dẫn tới hành vi của các nghi can. Đây là phạm trù liên quan tới xây dựng văn hóa giao thông.
Theo ông Thìn, không khó để bắt gặp một bộ phận tài xế mang tính vụ lợi cá nhân khi lái xe, gây bức xúc cho người đi đường.
"Những người này chỉ cần thấy thuận cho mình thì làm, không cần biết xã hội ra sao. Để được việc cho mình thì sẵn sàng vượt đèn đỏ, chen ngang, lấn làn", ông Thìn lấy dẫn chứng.
Đề ra giải pháp, PGS.TS Nguyễn Cảnh Thìn cho rằng cần đưa văn hóa giao thông trở thành nếp sống gắn với giáo dục từ nhỏ, biến đây thành ý thức, nhận thức của mỗi người. "Khi được giáo dục bài bản, mỗi người sẽ tự giác chấp hành luật để quản trị và giảm thiểu rủi ro cho chính mình", ông nói.
Hai nghi can hung hăng đánh người, bày tỏ hối hận, lo lắng
Đồng quan điểm, đại biểu Trương Xuân Cừ (ủy viên Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cho hay việc ứng xử thiếu văn hóa không chỉ dừng lại giữa những tài xế, mà còn xảy ra ở nhiều tổ chức với nhau. Ông Cừ lấy ví dụ chỉ vì "nhìn đểu", tranh giành khách, mâu thuẫn về giá cả mà một số nhà xe sẵn sàng "hỗn chiến", tạt đầu, lạng lách lẫn nhau hay hành hung chính khách hàng của mình.
"Từ những vụ việc nhỏ, họ lại khiến nó trở nên phức tạp rồi dẫn tới vi phạm pháp luật, xử lý hình sự", ông Cừ đánh giá.
Từng có nhiều năm công tác và nghiên cứu ngành giáo dục, đại biểu Trương Xuân Cừ cho rằng giải pháp cốt lõi là giáo dục ý thức văn hóa giao thông. Điều này cần được quan tâm đồng bộ từ nhà trường, gia đình cho tới cộng đồng.
"Văn hóa giao thông là ý thức chấp hành pháp luật. Và để chấp hành, trước hết người tham gia giao thông phải hiểu rõ các quy định", theo ông Cừ.
Ngoài ra, những trường hợp vi phạm cũng được vị đại biểu cho rằng cần xử lý nghiêm minh, không vùng cấm, ngoại lệ. Sau khi xử lý, cần tuyên truyền sâu rộng để cộng đồng biết và lên án. Khi đó, từ 1-2 vụ việc có thể cảnh tỉnh đến một bộ phận lớn người tham gia giao thông. Thúc đẩy họ ứng xử sao cho có văn hóa, biết kiềm chế nóng giận khi lái xe trên đường.
Bị tạm giữ tại cơ quan công an, hai người đàn ông từng hung hăng đánh người, nay khai nhận hành vi và bày tỏ hối hận, lo lắng khi phải đối diện với án tù.