Du học sinh Việt tại Anh trong một hoạt động đón tết cổ truyền năm 2020 - Ảnh: TỐ UYÊN
Tadhg O’Gara (người Úc) đến Việt Nam vào tháng 4-2019, nhưng chưa có dịp trải nghiệm Tết Nguyên đán. Điều duy nhất mà bạn biết về tết là tất cả mọi người sẽ được nghỉ học hoặc nghỉ làm.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tadhg đã phải kéo dài thời gian ở Việt Nam từ bốn tháng thành một năm. Nhờ vậy, Tadhg sẽ có dịp để tìm hiểu nhiều hơn về tết Việt Nam. "Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc ngăn ngừa ảnh hưởng của dịch COVID-19", Tadhg nói.
Dành thời gian ở cùng gia đình Việt
Còn Tsai Cheng Lun (người Đài Loan), hiện là sinh viên tại một trường đại học quốc tế ở TP.HCM, cho biết bạn chưa từng có dịp trải nghiệm tết truyền thống dù đã ở Việt Nam gần sáu năm.
"Tết Việt Nam có một số điểm tương đồng với Đài Loan, ví dụ như phong tục lì xì, dọn dẹp nhà cửa trước tết và thăm viếng họ hàng. Trong dịp tết lần này, tôi sẽ dành thời gian ở cùng với gia đình tại Việt Nam", Cheng Lun chia sẻ.
Với Ananya Mangwani, cô bạn người Ấn Độ đang là sinh viên ngành truyền thông, sau thời gian hai năm ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên bạn không quay về Ấn Độ vào dịp tết do ảnh hưởng của dịch COVID-19. "Tôi nghe bạn bè người Việt kể rằng tết là dịp họ nhận tiền lì xì, ăn các món bánh mứt đặc trưng, dọn dẹp nhà cửa và chụp các bức ảnh đẹp bên hoa mai, hoa đào", Ananya nhớ lại.
Dù được nhiều người khuyên dịp tết tại thành phố sẽ khá nhàm chán, vì hầu hết hàng quán đều đóng cửa, Ananya vẫn quyết định sẽ dành phần lớn thời gian ở TP.HCM để tận hưởng không khí vắng vẻ hiếm có.
"Có thể tôi sẽ dành một ngày để đi biển, nhưng chủ yếu tôi muốn đi dạo vòng quanh thành phố, ăn các món ngon và mua một vài món đồ tết. Một người bạn thân của tôi là người Việt Nam. Mẹ của bạn ấy đồng ý đón tiếp tôi trong dịp tết, dẫn tôi đi ăn, ngắm pháo hoa và trải nghiệm văn hóa Việt Nam trong dịp này", Ananya tiết lộ.
"Tôi thấy cực kỳ may mắn, an toàn khi đang được sống và học tập tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ sự cương quyết trong nỗ lực chống dịch bằng các quy định nghiêm khắc và chặt chẽ, cùng với sự đồng lòng của người dân Việt Nam", cô chia sẻ.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, bạn Lee-Lon Wong (người New Zealand) cho biết đây cũng là cái tết đầu tiên bạn đón tại Việt Nam dù đã sống ở đây nhiều năm.
"Tôi rất háo hức được đón tết tại Việt Nam năm nay. Trước đây, tôi thường quay trở về New Zealand vào mỗi dịp giáng sinh và đến Malaysia mỗi dịp năm mới. Tôi được biết tết là thời điểm rất đặc biệt với người Việt, là lúc các bạn dành thời gian cho gia đình. Tôi sẽ có cơ hội trải nghiệm việc chúc tết, lì xì rồi sau đó sẽ tìm một nơi thật yên tĩnh để thư giãn.
Tôi cũng nghe nói rằng tết là khoảng thời gian Sài Gòn rất thưa người, vì mọi người đều về quê đoàn tụ cùng gia đình dịp này. Và như vậy tôi sẽ có cơ hội được khám phá chân dung người Sài Gòn đích thực", Lee-Lon bộc bạch.
Nỗ lực san sẻ "ấm áp"
Bạn Phan Duy Tùng (nghiên cứu sinh Trường đại học Khoa học và công nghệ quốc gia Seoul, Hàn Quốc) cho biết trái với các năm trước, hiện cộng đồng du học sinh (DHS) Việt tại đây vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để đón tết cổ truyền.
"Do năm nay có lệnh cấm tụ tập nên có lẽ chúng tôi sẽ không thể tổ chức các buổi liên hoan hát hò, cùng lắm chắc mấy anh em ở cùng ký túc xá chỉ có thể nấu ăn chung một bữa cho vơi nỗi nhớ tết thôi", bạn Tùng chia sẻ.
Còn bạn Lê Thị Tố Uyên (chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Anh - SVUK) bộc bạch: "Do lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 tại Anh kéo dài từ đầu tháng 1 tới hết tháng 3, sự kiện thường niên Tết cộng đồng - thường được Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức cùng với sự đồng hành của SVUK - phải giảm quy mô tổ chức".
Chia sẻ cụ thể, Tố Uyên cho biết thay vì như mọi năm sẽ mời đông đảo bà con đồng bào, các hội đoàn và tổ chức người Việt tại Anh, các tổ chức tại nước sở tại, Tết cộng đồng năm nay chủ yếu được tổ chức nội bộ các cán bộ đại sứ quán và đại diện một số tổ chức của người Việt tại Anh. Trong khi đó, các chi hội sinh viên Việt tại các đại học sẽ tổ chức những sự kiện online để đảm bảo an toàn và mọi người đều có thể tham gia.
"Năm nay do tình hình COVID-19 diễn biến khó lường, một số bạn du học sinh sẽ không thể quay lại Anh, thay vào đó các bạn có cơ hội ở nhà sum vầy tết cùng gia đình và vẫn phải học online vì lịch học tại các trường ở Anh vẫn diễn ra bình thường. Và do lệnh phong tỏa ở Anh, các bạn hiện vẫn ở xứ sở sương mù sẽ không thể tụ tập dưới bất kỳ hình thức nào. Tôi mong các bạn sẽ mạnh mẽ để vượt qua giai đoạn vô cùng khó khăn và cô đơn như mùa tết năm nay", Tố Uyên nói.
Hầu hết các bạn đều vững một niềm tin "ngày mai trời lại sáng". Từ Mỹ, bạn Đoàn Thị Minh Phượng (trưởng ban đối ngoại Hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ - AVSPUS) cho biết những năm trước những ngày hội đón tết cổ truyền ở Mỹ đều có các hoạt động gói bánh chưng, giăng câu đối và rán ít nem, chưng những gốc mai, đào... để mong trẻ con Việt sinh ra tại Mỹ ít nhiều cảm nhận được cái không khí tết của quê hương dù ở xa nửa vòng trái đất.
"Năm nay những điều đó khó thể thực hiện, nhưng chúng tôi tin một năm nhiều biến động chuẩn bị khép lại, nhường chỗ cho một năm mới đầy khởi sắc phía trước. Trong thời khắc giao thời quan trọng này, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để tổ chức một cuộc thi giới thiệu ẩm thực truyền thống của người Việt đến cho nhiều bạn bè quốc tế lẫn những người con xa quê. Dĩ nhiên hoạt động này sẽ vẫn tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu phòng chống dịch", Minh Phượng chia sẻ.
TTO - Dù Lễ hội Tết Việt chưa chính thức diễn ra, theo ghi nhận vào chiều 26-1, tại Nhà văn hóa Thanh niên (Q.1, TP.HCM) đã có rất nhiều bạn trẻ diện váy áo chơi xuân.
Xem thêm: mth.38965350110201202-teiv-tet-nod-yat/nv.ertiout