Con đường gập ghềnh của kinh tế toàn cầu khi đô la trồi sụt thất thường
Ricky Hồ
(TBKTSG Online) - Đồng đô la Mỹ đang trên đà tụt giá sẽ trở thành tâm điểm của quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu trong năm 2021 và giai đoạn sắp tới. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ và các nước khác sẽ xem xét siết chặt trở lại chính sách tiền tệ sau khi khống chế được dịch và sức khỏe kinh tế khá hơn. Trong bất kỳ trường hợp nào, kinh tế toàn cầu vẫn phải bước trên con đường gập ghềnh ở phía trước.
Giá trị lý thuyết của đồng đô la Mỹ giảm hơn 9% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đồ họa: Nikkei Asia |
Đồng đô xanh tiếp tục đà suy yếu
Đồng đô la đã tăng và đạt đỉnh cao vào mùa Xuân 2020 khi dịch Covid-19 bắt đầu lan khắp thế giới, bởi đô xanh được xem là “nơi trú ẩn an toàn” của các nhà đầu tư. Kể từ thời điểm này, đồng đô xanh đang trên đà tuột giá, mặc dù đồng tiền này được định giá cao hơn so với giá trị lý thuyết của nó.
Theo các số liệu tỉ giá cân bằng của Nikkei, giá trị lý thuyết của đồng đô xanh đang thấp hơn giá trị thật hơn 9%, phần lớn là do các gói cứu trợ khổng lồ của chính phủ.
Tập đoàn Nikkei và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã lập ra chỉ số tỉ giá cân bằng Nikkei (Nikkei equilibrium exchange rate – viết tắt Nikkei EER) dựa trên các thông số kinh tế nền tảng như nợ công và lãi suất thực tế.
Các số liệu của Nikkei EER cho thấy, đồng đô Mỹ trị giá 97 yen từ trong quí 3-2020 trong khi trên thực tế phải mất 106 yen để đổi 1 đô la. Giá trị lý thuyết của đồng đô – được tính bằng dữ liệu có liên quan của 60 loại tiền tệ khác, chẳng hạn tỉ giá cũng như các chỉ số kinh tế và tài khóa – thấp hơn giá trị thật đến 9,4%. Tức là đồng đô xanh đã mất giá hơn 9% chỉ trong thời gian hơn ba tháng. |
Điều này cũng trùng hợp với báo cáo của Ngân hàng Citigroup công bố tháng 11-2020 rằng đồng đô xanh có nguy cơ giảm đến 20% trong năm 2021.
Nguyên do của tình trạng này là bởi nợ công của chính phủ Mỹ đang phình ra nhanh hơn so với tốc độ tăng phình nợ của các nền kinh tế khác. Áp lực đè lên đồng đô Mỹ bắt đầu tăng lên sau khi Washington đưa ra các gói tài khóa khổng lồ, bao gồm cứu trợ doanh nghiệp, phát tiền mặt cho các hộ gia đình và tăng các khoản hỗ trợ cho người thất nghiệp.
Khối lượng tiền tệ trong lưu thông của nền kinh tế Mỹ trong năm 2020 đã tăng đến 3.700 tỉ đô la, tức tăng 25%, phần lớn bởi vì các chi tiêu tài khóa khổng lồ và các bước nới lỏng tiền tệ của Fed. Tại Nhật Bản và châu Âu, khối lượng lưu thông tiền tệ tăng dưới 10%.
Phát biểu trước Thượng viện Mỹ trong buổi tuyên thệ nhậm chức, tân Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã đưa ra thông điệp trấn an. “Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không duy trì đồng nội tệ yếu để giành lợi thế cạnh tranh”. Tuy nhiên, gói kích thích 1.900 tỉ đô la của Tổng thống đắc cử Joe Biden hứa hẹn ngay trước khi chính thức nhậm chức đã khiến các nền kinh tế khác lo ngại. Gói kích thích kinh tế này lớn hơn bất cứ khoản chi tiêu công nào ở các nước khác.
Khi khối nợ của Mỹ gia tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã tăng khoảng 1,1% vào hôm 12-1-2021. Đây là lợi suất cao nhất trong 10 tháng qua khi các nhà đầu tư bắt đầu phán đoán liệu lạm phát có thể ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ trong khi các chiến dịch tiêm chủng vaccine đang tiến hành và sự mong đợi kinh tế hồi phục cũng gia tăng.
Đồng đô mất giá có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nền kinh tế. Mặt khác, nếu đồng đô Mỹ mất giá, các nền kinh tế mới nổi đang bị ngập trong nợ vay bằng đô xanh có thể bị thiếu hụt tín dụng. Theo các chỉ số tỷ giá hiện hành do Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) soạn thảo khi so sánh giá trị của các đồng tiền ở 60 nước và khu vực, đồng đô la hiện đang xuống giá thấp nhất trong 3 năm qua.
Trong khi đó, đồng euro tăng giá so với đồng đô Mỹ và đạt mức cao kỷ lục trong tháng 1-2021 vừa rồi. Đồng yen Nhật Bản mạnh hơn khoảng 5 đô la so với năm trước, với tỉ giá 104 yen ăn 1 đô la. Các loại tiền tệ của các nền kinh tế đang nổi cũng tăng giá so với đô Mỹ. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đạt đỉnh cao nhất trong hơn 31 tháng qua với khi chạm mốc 6,42 nhân dân tệ đổi 1 đô la.
Đô la tăng giá sẽ làm thị trường rối loạn
Giá cổ phiếu gia tăng do thanh khoản thặng dư khắp nơi trên thế giới khi các ngân hàng trung ương chủ trương nghiêng về các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Nhưng nếu lạm phát gia tăng, chính sách thắt chặt tiền tệ là cần thiết, dẫn đến chứng khoán tụt giá.
Đô la mất giá có thể làm tăng lạm phát ở Mỹ. Vì thế, Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) có thể chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ, kích hoạt sự thoái vốn ào ạt của dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán. Đồng đô la có thể làm thị trường tài chính hỗn loạn khi giá trị lên xuống liên tục. Trong trường hợp đồng đô la đảo ngược chiều mất giá như hiện nay, các nền kinh tế đang nổi lên sẽ lâm vào tình trạng rối loạn.
Khoảng 75% các doanh nghiệp lớn của Thổ Nhĩ Kỳ vay nợ bằng đồng đô Mỹ. Nếu giá trị đồng đô tăng, các doanh nghiệp này phải chi nhiều hơn để mua đô la mà trả nợ. Urgur Gurses, nhà kinh tế và cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng đồng đô Mỹ tăng giá sẽ là nguy cơ tiềm ẩn cho nhiều nền kinh tế. Theo Viện Tài chính Quốc (IIF), các khoản vay bằng đô la của nhiều nước đến hạn trả nợ sẽ đạt đỉnh trong năm nay.
Chủ tịch Fed Jay Powell: “Tôi nghĩ tập trung chủ yếu của chúng ta hiện nay là sức khỏe của nền kinh tế, thị trường lao động và lạm phát. Tôi chưa từng có suy nghĩ sẽ tính đến tăng lãi suất”. Ảnh: Reuters |
Cuộc tháo chạy ồ ạt 2013 sẽ có thể tái diễn?
Sự hào phóng của ngân hàng trung ương, cùng với làn sóng mua trái phiếu “follow the Fed”, đã đẩy lợi suất kho bạc xuống mức thấp lịch sử và giữ cho khoản vay của doanh nghiệp ở mức rẻ. Điều này cũng dẫn đến cổ phiếu được đẩy giá, làm các nhà đầu tư “mát dạ mát lòng”.
Các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 giúp cuộc sống có thể trở về nhịp bình thường như trước dịch. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách có thể dừng đột ngột các gói kích thích kinh tế vốn được đưa ra hàng loạt ở thời kỳ khủng hoảng trước đó. Nhưng động thái quá nhanh chóng kiểu này, theo Reuters, sẽ khiến cuộc vui trên thị trường không kéo dài được bao lâu.
Các nhà phân tích đã so sánh thực tế hiện nay với sự kiện “taper tantrum” – sự tháo chạy ồ ạt của các nhà đầu tư khỏi thị trường tài chính vào năm 2013. Sau các đợt phát hành trái phiếu để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và suy thoái kinh tế giai đoạn sau đó, đầu năm 2013 Fed dự định hạ nhiệt hay siết trở lại các biện pháp nới lỏng tiền tệ vào cuối năm 2013.
Tuy nhiên, ông Ben Bernake, chủ tịch đương nhiệm Fed vào thời điểm đó, đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 5-2013. Khi có tín hiệu Fed có khả năng sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ, giá trị các đồng tiền và thị trường chứng khoán rơi không điểm dừng trong khủng hoảng khi các nhà đầu tư ào ạt rút vốn.
Chính phủ các nước và hệ thống ngân hàng trung ương toàn cầu giờ đây đang đối diện với câu chuyện của ông Bernanke cách đây tám năm. Một khi dịch bệnh được đẩy lùi, họ phải xử sự một cách rất khéo léo trong việc điều chỉnh các định lượng.
Ông Yousef Abbasi, chiến lược gia thị trường toàn cầu của mạng lưới dịch vụ tài chính StoneX, cho rằng mọi chuyện tốt hay xấu hoàn toàn nằm trong tay các nhà thực thi chính sách. “Fed sẽ phải từ tốn và cẩn thận trong việc thu hồi lại các biện pháp chính sách đã được ban hành trong đại dịch. Việc này có thể sẽ tạo ra một giai đoạn biến động mạnh và khó khăn cho thị trường. Trừ phi chủ tịch Jay Powell là một ảo thuật gia giỏi hơn những chủ tịch Fed trước đó", ông nói thêm.
Trong bất kỳ trường hợp nào, nới lỏng hay siết chặt chính sách tiền tệ, kinh tế toàn cầu vẫn phải bước trên con đường gập ghềnh ở phía trước.
Theo một sắc luật ban hành năm 1977, Tổng thống Mỹ sẽ đề cử chủ tịch và hai phó chủ tịch của Fed trong nhiệm kỳ bốn năm. Thượng viện sẽ bỏ phiếu chuẩn thuận cho ba vị trí này sau đó. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Fed Jay Powell sẽ kết thúc vào tháng 2-2022. Trong khi đó, Phó chủ tịch Randal Quarles sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10-2021 và tương tự là Phó Chủ tịch Richard Clarida vào tháng 9-2022. Theo Viện Brookings của Mỹ, Tổng thống Joe Biden sẽ đối diện với thách thức là tái bổ nhiệm hay tìm người thay thế cho ba vị trí này. |