Ông Ravi Saraogi - Ảnh: R.S
Tuổi Trẻ Online phỏng vấn ông Ravi Saraogi (đồng sáng lập ứng dụng đàm thoại tự động Uniphore) về "bí kíp" để startup sống sót qua đại dịch.
* Uniphore gọi thành công nhiều vòng đầu tư với tổng số tiền lên đến 70 triệu USD. Công ty các ông đã làm điều đó như thế nào?
- Chúng tôi tạo ra những sản phẩm đầu tiên trong giai đoạn 2008 đến 2015, và may mắn nhận được sự hỗ trợ từ nhiều bên. Nhờ quá trình sản xuất và thâm nhập được các thị trường, chúng tôi gọi vốn thành công vòng series A vào năm 2015.
Vòng series B, chúng tôi gọi thành công vào năm 2017.
Chúng tôi gọi thành công 51 triệu USD vòng series C vào cuối năm 2019. Việc gọi vốn thành công vòng series C giúp chúng tôi có đủ lực để "tấn công" vào thị trường châu Á, mở rộng hoạt động kinh doanh ở Bắc Mĩ.
Để làm được điều đó, các startup cần phải hiểu rất rõ khách hàng tiềm năng, hoặc các thị trường đang nhắm tới, ngoài việc phải có công nghệ vượt trội.
Chẳng hạn, chúng tôi hiểu ở thị trường Việt Nam, dân số quốc gia các bạn hiện đạt 97 triệu người và trong đó 37% người dân sống ở thành thị, hơn 45% trong độ tuổi 25-54.
Cụ thể hơn, 29 triệu dân Việt Nam thuộc gen Z (những người sinh trong khoảng thời gian 1995-2010), và đây cũng là đối tượng sẽ có ảnh hưởng đáng kể, cũng như là đối tượng chính được nhiều công ty nhắm đến.
Theo báo cáo Digital 2020 Vietnam, quốc gia của các bạn cũng có lượng khách hàng sử dụng Internet rất cao, khoảng 70% trên toàn quốc. Lượng người dùng điện thoại thông minh ở nông thôn lẫn thành thị đều cao, và đây là tín hiệu tiếp thị kỹ thuật số sẽ vô cùng sôi động.
* Theo ông, giá trị cốt lõi của ứng dụng và việc hiểu sâu những người trẻ thuộc thế hệ Z quan trọng đến mức nào trong startup?
- Ưu điểm của thế hệ Z là không ngại sự đổi mới, thử những hình thức công nghệ mới. Tuy nhiên, họ cũng thiếu kiên nhẫn hơn các thế hệ trước, đòi hỏi mọi thứ phải có phản hồi thật nhanh.
Theo chúng tôi nghiên cứu, số lượng người sử dụng một dịch vụ sẵn sàng "nhảy" qua dịch vụ khác khi không hài lòng, hay khi phải chờ đợi, chiếm tỉ lệ rất cao.
Xác định rõ điều này sẽ giúp chúng ta có những sản phẩm giúp hoàn thiện trải nghiệm khách hàng, từ đó sẽ giữ chân họ và làm cho doanh nghiệp của mình phát triển bền vững.
Cụ thể, với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI), chúng tôi tạo ra dịch vụ đàm thoại tự động (CSA) giúp nhân viên chăm sóc khách hàng (CSKH) có thể làm việc từ xa trong điều kiện giãn cách xã hội vì COVID-19, giúp việc giải đáp thắc mắc tự động giữa khách hàng và nhân viên CSKH được "cá nhân hóa".
Đây là một giải pháp công nghệ kết hợp AI đàm thoại, tự động hóa quy trình với robot (RPA) và tự động hóa công việc trên một nền tảng.
Ông Ravi Saraogi (trái) cùng cộng sự - Ảnh: FORBES
* Việt Nam là quốc gia duy nhất trong Đông Nam Á năm 2020 có tăng trưởng dương nhờ quản lí tốt tình hình đại dịch. Ông đánh giá điều này ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội thành công của startup Việt?
- Có thể khẳng định Việt Nam hiện là một trong những thị trường thú vị và tiềm năng nhất tại Đông Nam Á, tốc độ phát triển trong tốp đầu và có rất nhiều tập đoàn lớn đang đẩy mạnh đầu tư tại quốc gia của các bạn.
Chúng tôi tin rằng với những cơ hội từ việc phòng chống hiệu quả COVID-19, nền tảng kỹ thuật hiện có, những dịch vụ chuyển đổi kỹ thuật số hiện đại, những giải pháp dịch vụ khách hàng… các bạn hoàn toàn có cơ hội trở thành người chiến thắng trong nhiều mặt (kể cả startup) và vững tiến về phía trước.
* Dẫu vậy vẫn có nhiều startup Việt vẫn thấy chỉ toàn là thách thức, nhất là trong COVID-19.
- Dĩ nhiên không chỉ với Việt Nam, mà với cả nhiều quốc gia trên toàn cầu, giới startup phải chống đỡ vất vả khi COVID-19 đặt ra vô số thử thách, chẳng hạn như hầu hết các văn phòng bị đóng cửa vì lệnh giãn cách, phong tỏa…
Ngay cả ngành công nghiệp dịch vụ cuộc gọi tư vấn, chăm sóc khách hàng cũng bị ảnh hưởng đáng kể, mà đây là lĩnh vực nằm trong tốp đầu về nhu cầu nhân lực. Tất cả nhân viên tiếp nhận cuộc gọi giờ chuyển qua làm việc tại nhà.
Mọi người vừa phải giải quyết bài toán đó, nhưng cũng đồng thời đối mặt với việc các cuộc gọi của khách hàng sẽ nhảy vọt, vì hầu hết ngân hàng, các trụ sở làm việc… đều đóng cửa. Ứng dụng của chúng tôi giúp họ giải quyết bài toán đó, mọi vấn đề thực chất đều đi kèm với giải pháp.
* Ông có lời khuyên gì cho các startup Việt?
- Đầu tiên, hãy nghĩ đến các bản kế hoạch, lợi ích dài hạn thay vì ngắn hạn. Hãy xây dựng đội ngũ của mình thật vững chắc, trao quyền cho họ và tạo ra một quy trình tạo ra quyết định dựa trên tinh thần cả đội ngũ. Đây là điều sẽ giúp bạn nâng tầm tổ chức một cách đúng đắn, hợp lí nhất.
Kế đến, hãy xây dựng những giá trị cốt từ những ngày đầu và hãy sống hết mình với nó. Văn hóa của tổ chức, giá trị cốt lõi sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Cuối cùng, phẩm chất từ các nhà đồng sáng lập sẽ quyết định yếu tố thành bại. Một trong những tính cách quan trọng nhất mà chúng tôi tin các nhà sáng lập cần có là sự bền bỉ, không ngại thất bại hoặc thử thách.
Trong khởi nghiệp, sóng gió là điều không thể tránh khỏi nhưng hãy vững tin rằng "ngày mai trời lại sáng" nếu bản thân và đội ngũ đã không ngừng học hỏi, hoàn thiện.
TTO - Chiều 19-12, ông Lê Minh Hoan, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, đã có buổi truyền lửa cho nhiều thanh niên đang dấn thân vào con đường khởi nghiệp mà ông gọi là 'đàn sếu khởi nghiệp'.
Xem thêm: mth.43630319003101202-ioh-oc-yad-nart-gnad-man-teiv-od-na-putrats-nol-gno/nv.ertiout