Ngày 1-2, Anh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), báo South China Morning Post đưa tin.
Trong hội nghị trực tuyến với hai người đồng cấp của Nhật và New Zealand, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss cho biết bà "muốn việc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp xây dựng lại hệ thống thương mại toàn cầu tốt hơn".
Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự liên kết thương mại trong khuôn khổ CPTPP, nhất là trước yêu cầu khôi phục kinh tế toàn cầu sau đại dịch COVID-19, bà Truss "hy vọng rằng sự gia nhập của Anh sẽ khuyến khích những nước khác cùng chia sẻ tầm nhìn và triển vọng với chúng ta xem xét việc tham gia" hiệp định.
Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liz Truss hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Nhật, ông Yasutoshi Nishimura hôm 1-2. Ảnh: SCMP
Trước đó, kế hoạch nộp đơn gia nhập CPTPP đã được chính quyền London thông báo hôm 30-1. Quá trình tham vấn không chính thức trước khi nộp đơn đã được tiến hành từ tháng 9-2020.
CPTPP là hiệp định về nguyên tắc thương mại tự do được ký kết năm 2018, giữa 11 nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, Singapore, New Zealand, Peru và Việt Nam.
London kỳ vọng quá trình đàm phán có thể bắt đầu ngay trong mùa xuân năm nay. Anh cần đàm phán song phương với 11 nước thành viên CPTPP, chứng minh rằng London có thể tuân thủ các quy tắc của hiệp định.
Nếu quá trình đàm phán thuận lợi, Anh có thể trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài 11 nước thành viên ban đầu ký kết CPTPP, cũng là quốc gia thành viên đầu tiên bên ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không tính đến nhóm đảo núi lửa Pitcairn - vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở nam Thái Bình Dương).
Nhật - quốc gia Chủ tịch Hội đồng CPTPP năm 2021, New Zealand - nước chịu trách nhiệm nhận các đơn xin gia nhập - và một số quốc gia thành viên CPTPP khác hoan nghênh quyết định của Anh, coi đây là động lực cho việc mở rộng thương mại tự do trên cơ sở luật lệ thương mại và đầu tư có tiêu chuẩn cao.
Ông Yasutoshi Nishimura, thành viên nội các Nhật chịu trách nhiệm quan hệ xuyên Thái Bình Dương, nói rằng Tokyo "sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận hướng tới sự phát triển và mở rộng của CPTPP".
Nhật cũng hy vọng tân Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nối lại quá trình đàm phán CPTPP. Mỹ đã tham gia đàm phán khi ông Barack Obama còn nắm quyền ở Nhà Trắng, song người kế nhiệm là Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi quá trình thương thảo hiệp định. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng tham gia CPTPP không phải ưu tiên hàng đầu trong chính sách kinh tế - thương mại của ông Biden.
Một số nước khác ở châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã tỏ ý muốn gia nhập CPTPP. Trong đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khá hào hứng với khối liên kết thương mại xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nước này sẽ gặp khó khi phải thuyết phục các đối tác rằng Bắc Kinh sẽ tuân thủ các quy tắc có tiêu chuẩn cao của CPTPP.
Giữa tháng 12 năm ngoái, Đài Loan cũng thông báo sẽ gia nhập CPTPP theo đúng thủ tục của hiệp định này.