Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: VIỆT DŨNG
"Trong thời gian tới, chúng ta cần 'không hoang mang dao động vì COVID-19', cũng không chủ quan, khinh suất. Nếu không có biện pháp nhanh, mạnh, kịp thời sẽ không thể kiểm soát tốt dịch bệnh" - Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2-2.
Thành viên Chính phủ F2 cũng phải tự giác cách ly
Mở đầu cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay nhiều vấn đề được Chính phủ quan tâm như đồng ý sớm mua vắc xin, quyết tâm trong quý 1-2021 phải nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu đề án hỗ trợ lần 2 cho người dân, doanh nghiệp.
Các giải pháp phòng chống dịch, theo ông Dũng, theo phương châm "đám lửa to khoanh to, đám lửa nhỏ khoanh nhỏ", không chủ quan nên thực hiện truy vết F1, F2, F3 chặt chẽ, quản lý nhập cảnh chặt chẽ, xử nghiêm khi có vi phạm.
Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 tại Học viện Quân y - Ảnh: LÊ ĐÌNH TÙNG
"Ngay trong thành viên Chính phủ là F2 thôi nhưng cũng yêu cầu về nhà làm việc, không được đi khỏi nhà, kể cả đi chợ. Chúng ta phải tự giác, chủ động" - Bộ trưởng cho biết.
Về vấn đề người dân quan tâm, "Chính phủ công bố 10 ngày nữa sẽ kiểm soát được dịch có đúng không?" - ông Dũng nhấn mạnh đó là thông tin cá nhân đưa ra, thuộc Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 dựa trên tính toán 10 ngày với các căn cứ có được.
"Đây không phải là Chính phủ, đây là ban chỉ đạo công bố, có trách nhiệm khi đưa thông tin, có thể các chuyên gia có cơ sở tính toán và đưa ra thông tin như vậy thì cần có công bố cho người dân biết" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tuổi Trẻ Online đặt câu hỏi về việc "Kiểm soát dịch bệnh, khả năng kiểm soát các ổ dịch, đặc biệt tại Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, khả năng lây lan mới ra sao? Chính phủ có đảm bảo kiểm soát dịch được trước Tết Nguyên đán hay không?".
Ông Trần Văn Thuấn, thứ trưởng Bộ Y tế, cho hay "đã nhắm trúng" được hai ổ dịch Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) và Chí Linh (tỉnh Hải Dương), và đã chỉ đạo quyết liệt cùng Chính phủ, tập trung khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm rộng để nhanh chóng khu trú, không để dịch bệnh lây lan quá rộng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định sẽ có đủ vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: VIỆT DŨNG
Cuối năm 2022 sẽ có vắc xin sản xuất trong nước
Về vắc xin, ông Thuấn cho hay Bộ Y tế đã ký hợp đồng nguyên tắc với công ty AstraZeneca, năm 2021 cung cấp 30 triệu liều vắc xin cho Việt Nam.
Hiện đang đàm phán với đối tác, do lượng chưa đủ nên sẽ dùng cho đối tượng ưu tiên như cán bộ y tế, người lớn tuổi, người có bệnh nền, một số cán bộ ngoại giao.
Tuy nhiên, khó khăn là Liên minh châu Âu (EU) đang hạn chế xuất khẩu nên Bộ Y tế qua kênh hợp tác quốc tế đang đàm phán. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đàm phán mua vắc xin của Mỹ, Nga.
Trong nước đang thử nghiệm với vắc xin của Công ty sinh phẩm y tế, dự kiến cuối 2021 đầu năm 2022 có vắc xin trong nước.
"Cùng với vắc xin ngoại nhập thì trong nước sẽ hoàn thiện thử nghiệm, sản xuất, chúng tôi cho rằng có thể lo đủ vắc xin tiêm cho cộng đồng" - ông Thuấn cam kết.
Trước tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp, ông Thuấn cho hay Bộ trưởng Y tế đã ký chỉ thị yêu cầu thực hiện một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Đối với Hà Nội, ông Thuấn cho hay theo Chỉ thị số 05 Thủ tướng giao cho Chủ tịch, UBND tỉnh, thành chủ động căn cứ vào tình hình để bàn và quyết định xem có giãn cách hay không.
Liên quan vắc xin, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay Thủ tướng nhấn mạnh quý 1 phải nhập được nhưng phải nghiên cứu, đặt hàng, có thị trường và người dân chấp nhận.
"Nếu sản xuất trong nước được thì ưu tiên nhưng giờ chưa có thì phải nhập khẩu, còn việc sử dụng, chính sách ưu tiên, đối tượng ra sao thì phải tính toán sau này", ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng Dũng, Đại hội lần thứ XIII của Đảng vừa kết thúc thành công nên tại phiên họp chính phủ thường kỳ, Thủ tướng đã nêu rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Triển khai các chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Đại hội XIII; tập trung phòng chống dịch gắn với phát triển kinh tế; khắc phục thiên tai, phấn đấu tăng trưởng GDP với trên 6,8%; chăm lo tết cho người dân...
TTO - Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM cử đội phản ứng nhanh chống dịch lên Gia Lai hỗ trợ điều trị các bệnh nhân COVID-19 do tỉnh này ghi nhận 13 ca bệnh.