Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam quyết liệt đẩy mạnh các giải pháp để chống dịch hiệu quả và tăng trưởng kinh tế.
Thúc đẩy tăng trưởng song song với chống dịch trong bối cảnh mới
Theo Bộ KHĐT, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 cần xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng để ứng dụng linh hoạt.
Cụ thể, trong trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%, thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP.
Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm).
Những giải pháp căn cơ tạo "bệ phóng" tăng trưởng kinh tế
Theo Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng, ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung phòng chống, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm sức khỏe của người dân, hạn chế tối đa tác động đến nền kinh tế.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh các giải pháp để phát triển kinh tế, trong đó cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế. Triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác; tập trung nguồn lực cho các hoạt động chống dịch và đầu tư phát triển.
Duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch COVID-19, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải...
Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu trong dịp lễ, Tết, nhất là các mặt hàng thực phẩm; đôn đốc các doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, đẩy mạnh cung ứng, bảo đảm về số lượng, chất lượng với mức giá ổn định.
Cùng với đó, quyết liệt kiểm tra, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư Ngân sách Nhà nước, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế; đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết;
Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp.
Điều đáng lưu ý là trong năm 2021, cần "đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán. Khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch thoái vốn Nhà nước đến năm 2025, gắn việc cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước với niêm yết trên thị trường, hiệu quả hoạt động. Phát triển các định chế trung gian, tổ chức xếp hạng tín nhiệm" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Xem thêm: odl.998678-1202-man-et-hnik-gnourt-gnat-ohc-gnohp-eb-oat-gnon-pahp-iaig-gnuhn/et-hnik/nv.gnodoal