Trẻ em ở Navotas, Metro Manila, Philippines trên đường tới một hội trường để học cách phòng chống dịch COVID-19 hôm 26-1 - Ảnh: REUTERS
Trong thông báo phát đi ngày 1-2 về kế hoạch phân bổ vắcxin COVID-19 đầu tiên cho các nước nghèo theo cơ chế COVAX - cơ chế hỗ trợ phân phối vắcxin cho nước nghèo, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 35,3 triệu liều vắcxin của AstraZeneca sẽ được chuyển tới 36 quốc gia ở Mỹ Latin và Caribê trong khoảng từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 6.
Philippines và Indonesia dự kiến là những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á nhận vắcxin từ sáng kiến này.
Philippines nhận trước vì "đã sẵn sàng"
Ngày 31-1, người đứng đầu lực lượng đặc trách chống COVID-19 của Philippines cho biết dự kiến trong quý 1 năm nay, ít nhất 5,6 triệu liều của hai loại vắcxin COVID-19 quốc tế sẽ được giao tới nước này.
Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ ông Carlito Galvez - người phụ trách chương trình mua vắcxin của Chính phủ Philippines - cho biết lô hàng đầu tiên gồm 9,4 triệu liều, dự kiến được giao trong nửa đầu năm nay. Tới giữa tháng 2, Philippines sẽ nhận trước 117.000 liều vắcxin Pfizer-BioNTech và từ 5,5 - 9,3 triệu liều vắcxin của AstraZeneca.
Ông Carlito Galvez cho biết đã nhận được thư từ bà Aurelia Nguyen - giám đốc điều hành cơ chế COVAX - thông báo tới Chính phủ Philippines về kế hoạch phân phối cũng như số liều.
Theo ông Carlito Galvez, các ủy ban đánh giá của WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) và Liên minh toàn cầu về vắcxin và tiêm chủng (GAVI) quyết định cấp vắcxin COVID-19 cho Philippines sau khi nước này chứng minh được những điều kiện sẵn sàng để tiếp nhận chúng.
Tuy nhiên, ông Galvez lưu ý các số lượng này chỉ đang là dự kiến vì "mọi chuyện còn tùy thuộc vào chuỗi cung cấp toàn cầu".
Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA) Philippines đã cấp phép dùng khẩn cấp với cả hai loại vắcxin nói trên. Philippines có kế hoạch bắt đầu tiêm cho dân trong tháng này.
Quốc gia Đông Nam Á này là ổ dịch COVID-19 lớn thứ hai khu vực, với hơn 1 triệu ca bệnh và hơn 10.000 người đã chết. Chính quyền Philippines dự tính mua 148 triệu liều vắcxin để tiêm cho 70 triệu người, tương đương 2/3 dân số nước này, trong năm nay.
Ngoài vắcxin do các nước phương Tây phát triển, Philippines cũng đã đặt mua 25 triệu liều vắcxin do Hãng Sinova của Trung Quốc sản xuất, dự kiến trong tháng 2 này sẽ nhận 50.000 liều đầu tiên.
Cũng trong ngày 31-1, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết nước này sẽ nhận từ 13,7 - 23,1 triệu liều vắcxin COVID-19 của Hãng AstraZeneca thông qua cơ chế COVAX. Số vắcxin này dự kiến chia thành hai lô hàng khác nhau, lô đầu tiên với 25 - 35% số liều sẽ nhận trong quý 1-2021 và lô còn lại với 65 - 75% số liều sẽ nhận trong quý 2.
Indonesia đã đặt mua 663 triệu liều vắcxin của các hãng Sinovac, Oxford-AstraZeneca, Novavax và đang thương lượng hợp đồng với Pfizer-BioNTech. Quốc gia này đã ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc COVID-19 và gần 30.000 người chết cho tới nay và bắt đầu tiêm vắcxin từ ngày 13-1, Tổng thống Joko Widodo là người tiêm đầu tiên.
Vẫn còn khoảng cách rất lớn
Bất kể những đợt phân phối vắcxin COVID-19 đầu tiên đã triển khai, ông Rick Brennan, giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO phụ trách khu vực Đông Địa Trung Hải, cho rằng vẫn còn "khoảng cách rất đáng kể" giữa kế hoạch triển khai vắcxin dự kiến ở các nước giàu và những nước thu nhập thấp hơn.
"Trừ khi các hãng dược và những nước giàu hơn hỗ trợ đầy đủ tài nguyên cho COVAX - cơ chế chúng ta đã thiết lập để phân phối vắcxin tới những nước nghèo hơn, còn không những nước ấy sẽ bị bỏ lại phía sau" - ông Brennan nêu quan điểm trong cuộc phỏng vấn ngày 1-2.
Vị quan chức WHO này cũng lưu ý thêm rằng tình trạng chậm trễ trong nguồn cung vắcxin COVID-19 cho các nước nghèo cũng làm tăng nguy cơ các biến thể virus corona mới lây lan nhanh hơn và khó điều trị hơn.
Sau khi phê chuẩn dùng khẩn cấp vắcxin COVID-19 của Pfizer/BioNTech, WHO đang tiếp tục đánh giá các vắcxin khác có giá thành rẻ hơn để có thể đưa vào phân phối trong cơ chế COVAX. Ông Brennan thừa nhận lượng vắcxin của Pfizer phân phối thông qua COVAX dự kiến sẽ khiêm tốn vì giá thành khá cao của nó.
WHO hi vọng tới đầu tháng 4 có thể khởi động chương trình tiêm vắcxin tại mọi quốc gia trên thế giới và tiêm vắcxin được cho các nhóm dân cư nguy cơ cao trước giữa năm nay.
1,8 tỉ liều vắcxin miễn phí cho nước nghèo
Tuần trước, GAVI cho biết liên minh này hướng tới mục tiêu phân phối 2,3 tỉ liều vắcxin COVID-19 toàn cầu vào cuối năm 2021, trong đó có 1,8 tỉ liều miễn phí cho các nước thu nhập thấp/nghèo.
Theo Hãng tin AFP, tính tới ngày 2-2, hơn 100 quốc gia trên thế giới vẫn chưa thể bắt đầu tiêm vắcxin COVID-19 cho người dân. Lý do rất đa dạng: từ khó khăn về nguồn tài chính, các thủ tục quản lý hành chính phức tạp, thậm chí quan liêu, và cả tâm lý chưa tin tưởng của người dân vào độ an toàn của vắcxin.
TTO - "Cứ mỗi 8 giây là có một người chết vì COVID-19". Câu nói này tôi nghe mỗi ngày khi mở radio trên xe, trong khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục lây lan mỗi ngày. Do vậy, nhu cầu chích vắcxin đang bức thiết với nhiều người ở Mỹ.
Xem thêm: mth.59214021220201202-xavoc-ut-nixcav-nahn-pas-aisenodni-senippilihp/nv.ertiout