Ngày 1-2, Bộ Y tế đã chính thức phê duyệt và cấp phép lưu hành vaccine phòng Covid-19 do hãng dược AstraZeneca sản xuất (vaccine AstraZeneca) tại Việt Nam.
Cụ thể, 30 triệu liều vaccine AstraZeneca được cung cấp cho Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021, thay vì kéo dài đến hết năm như dự kiến ban đầu. Đơn vị chịu trách nhiệm nhập khẩu và phân phối là Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) - một đơn vị tiêm chủng đã rất quen thuộc với người Việt trong vài năm trở lại đây.
VNVC cho biết đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để có thể tiếp nhận số lượng lớn vắc xin và tiến hành tiêm chủng phục vụ hàng triệu người dân. Đây cũng là đơn vị duy nhất tại Việt Nam sở hữu hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh (Cold chain) đạt tiêu chuẩn GSP ở tất cả 50 trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc, trang bị đầy đủ các thiết bị theo dõi nhiệt độ tự động hiện đại, hệ thống cảnh báo kịp thời khi nhiệt độ vượt ra khỏi ngưỡng cho phép, hệ thống xe lạnh vận chuyển vắc xin đảm bảo tiêu chuẩn… giúp đảm bảo lưu giữ vắc xin trong nhiệt độ tiêu chuẩn từ 2-8 độ C theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất.
Được biết, Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) là một nhánh trong hệ sinh thái ngành dược của doanh nhân Ngô Chí Dũng - người không còn xa lạ trong giới kinh doanh dược phẩm, y tế, thực phẩm chức năng.
VNVC được thành lập từ tháng 11/2016, với số vốn điều lệ ban đầu ở mức 10 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Ngô Chí Dũng (40% VĐL), bà Nguyễn Thị Hà (30% VĐL) và bà Nguyễn Thị Xuân (30% VĐL). Ông Ngô Chí Dũng đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VNVC.
Ông Ngô Chí Dũng.
Chỉ trong vài năm, công ty này đã nhanh chóng vươn lên trở thành một trong những hệ thống tiêm chủng cao cấp và hàng đầu trong nước. VNVC cho biết là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sở hữu kho lạnh hiện đại bảo quản vắc xin, đồng thời phân phối các loại vắc xin thế hệ mới nhất từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới, nhập khẩu chính hãng.
Dữ liệu về kết quả kinh doanh của công ty này cho thấy năm 2019 doanh thu thuần đạt 2.334 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần so với năm trước đó. Trong nửa năm đầu kinh doanh (2017), VNVC chỉ đạt doanh thu 32 tỷ đồng.
Công ty bắt đầu báo lãi trong năm 2019, mức sau thuế đạt 80 tỷ đồng, trong năm liền trước lỗ 39 tỷ đồng. Điều này cho thấy rằng, mô hình kinh doanh vắc xin khá nhanh chóng để minh chứng tính hiệu quả. Biên lợi nhuận gộp của VNVC dao động quanh mức 26%.
Theo thời gian, vốn điều lệ của VNVC tăng dần, đạt mức 80 tỷ đồng với tỷ lệ sở hữu của các cổ đông không thay đổi. Cập nhật mới nhất đến tháng 7 năm nay, vốn của VNVC tiếp tục tăng lên 140 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện tại, VNVC đã sở hữu mạng lưới các trung tâm rộng khắp Việt Nam với gần 50 trung tâm tính đến tháng 1/2021 với đội ngũ nhân sự gần 5000 bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên,...
(Nguồn: CafeF)
Ngoài VNVC, hệ sinh thái ngành dược của doanh nhân Ngô Chí Dũng còn có CTCP Dược phẩm Eco (Eco Pharma) và Bệnh viên Tâm Anh.
Eco Pharma có thể là cái tên ít gây chú ý, nhưng những ai thường xuyên xem đài truyền hình Việt Nam một giai đoạn sẽ không thể không biết "Sâm Alipas – Tăng cường sinh lực phái mạnh", hay "Sâm Angela Gold – Sức khỏe, sắc đẹp"… Đây chính là các sản phẩm dòng ecogreen của EcoPharma. Công ty dược này chuyên nhập khẩu, phân phối các loại thuốc đặc trị về tim mạch, tiểu đường, ung thư, gan mật, tiêu hóa tại Việt Nam.
Ngoài ra, EcoPharma có sở hữu riêng cho mình hệ thống nhà thuốc ECO, một sàn thương mại Ecogreen vận hành từ tháng 1/2017.
Trong khi đó, Bệnh viện Tâm Anh đi vào hoạt động từ tháng 9/2016, đặt tại Long Biên, TP Hà Nội. Doanh thu trong năm 2019 của bệnh viện này đạt 661 tỷ đồng, lãi ròng tượng trưng 1 tỷ đồng. Điều này gây bất ngờ bởi năm liền trước đó, bệnh viện Tâm Anh dù ghi nhận doanh thu thấp hơn (524 tỷ đồng) nhưng lãi sau thuế tới 42 tỷ.
Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị