Mới đây, Jeff Bezos đã tuyên bố từ chức CEO Amazon và sẽ chỉ giữ vai trò Chủ tịch điều hành từ quý III/2021. Người thay thế tỷ phú này là Andy Jassy, hiện đang phụ trách mảng điện toán đám mây của tập đoàn (Amazon Web Services).
15 năm qua, Jassy đã giúp Amazon từ một gã khổng lồ thương mại điện tử trở thành một công ty công nghệ có lợi nhuận cao, tạo ra và sau đó thống trị thị trường cơ sở hạ tầng đám mây.
Giờ đây, ông sắp trở thành CEO của công ty giá trị thứ ba của Mỹ, sau Apple và Microsoft. Tháng 7 tới đây, ông sẽ là CEO thứ hai trong lịch sử 27 năm của Amazon.
Jassy (53 tuổi) là thành viên của nhóm giám đốc cấp cao của Bezos mang tên S-team. Từ khi AWS thành lập, Jassy đã là người đứng đầu. Kể từ đó, ông được Bezos tin tưởng trao trọng trách CEO của AWS năm 2016. Năm ngoái, Washington Post từng gọi Jassy là "người kế nhiệm không thể rõ ràng hơn" của Bezos.
Chân dung Andy Jassy.
Jassy tốt nghiệp Đại học Harvard năm 1990 và Trường Kinh doanh Harvard năm 1997. Công việc đầu tiên khi chưa tốt nghiệp của ông là tại MBI, một nhà sản xuất đồ trang sức và tiền xu.
Ra trường, ông đầu quân cho Amazon và chưa từng rời đi cho đến nay. Năm ngoái, Amazon đã trả tổng cộng 348.000 USD năm 2019, giảm từ 19,7 triệu USD vào năm 2018 khi ông nhận được hơn 19 triệu USD tiền thưởng cổ phiếu. Hiện Jassy sở hữu khoảng 85.000 cổ phiếu Amazon, trị giá hơn 287 triệu USD.
Một trong những điều quan trọng nhất tạo nên thành công của Jassy là khả năng thu hút tất cả các loại hình doanh nghiệp đến với sản phẩm của AWS. Dịch vụ của họ đã phục vụ từ những công ty nhỏ mới thành lập cho tới những doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Apple.
Trong sự nghiệp, Jassy đã ký được hợp đồng kinh doanh quan trọng với Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) và Ủy ban toàn quốc Đảng Dân chủ Mỹ. Vài năm gần đây, nhiều hợp đồng của AWS đã được công khai, để lộ khách hàng của họ bao gồm những tên tuổi lớn như Pinterest, Slack, Lyft và Snowflake.
Các đồng nghiệp cũ và hiện tại đều miêu tả Jassy có nhiều phẩm chất giống Bezos. Một trong số đó là việc thích đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đặt khách hàng làm trung tâm. Mọi người đã rất ấn tượng về khả năng ghi nhớ chi tiết nhỏ về những dự án trong các cuộc họp từ lâu của Jassy.
Khi bắt đầu triển khai dịch vụ vào năm 2006, trọng tâm của AWS là cung cấp khả năng lưu trữ đám mây, chủ yếu cho các công ty công nghệ nhỏ hơn và các nhà phát triển.
Thời điểm AWS trở nên phổ biến hơn, nhiều công ty thậm chí đã không mua máy chủ hoặc mảng lưu trữ riêng mà dựa hoàn toàn vào Amazon cho tất cả nhu cầu về dữ liệu của họ.
Khi Microsoft và Google bắt đầu đầu tư mạnh mẽ vào nền tảng đám mây, Jassy đã xây dựng một nền tảng vững chắc và đến nay trở thành vị trí dẫn đầu khó có thể vượt qua.
Tính đến giữa năm 2020, Amazon kiểm soát 33% thị trường dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây toàn cầu, tiếp theo là Microsoft với 18% và Google với 9%, theo Synergy Research.
Ngày 2/2, Amazon cho biết doanh thu AWS trong quý 4 đã tăng 28% lên 12,7 tỷ USD. Thu nhập hoạt động tăng 37% lên 3,56 tỷ USD, chiếm 52% tổng lợi nhuận hoạt động của Amazon.
Trong những năm gần đây, AWS đã mở rộng ra ngoài mảng cốt lõi để cung cấp một loạt các dịch vụ khác nhau trên cơ sở hạ tầng của mình, bao gồm cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, phân phối nội dung và phần mềm máy học.
Điều đó đã biến Amazon thành một đối thủ cạnh tranh khốc liệt với những công ty lớn như Oracle và các công ty đám mây mới nổi như Snowflake, doanh nghiệp đã trả cho Amazon rất nhiều tiền mỗi năm.
Nguồn: CNBC
Mộc Tiên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị