vĐồng tin tức tài chính 365

Lối đi nào cho ngành khách sạn sau giai đoạn 'kiệt quệ' vì đại dịch?

2021-02-03 14:30

Lối đi nào cho ngành khách sạn sau giai đoạn 'kiệt quệ' vì đại dịch?

Đào Loan

(TBKTSG Online) - Từ cuối năm 2020, tình hình kinh doanh của một số khách sạn tại TPHCM vừa có dấu hiệu lạc quan từ mảng khách hội nghị, ẩm thực thì dịch bệnh lại bùng phát khiến thị trường quay trở lại tình trạng ảm đạm.

TBKTSG Online đã trao đổi với ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương về tình hình hiện tại, dự báo việc kinh doanh trong tương lai cùng cách ứng phó và chuyện mua - bán khách sạn thời dịch, một vấn đề đang được nhiều người quan tâm.

Sự kiện lớn hiếm hoi tại một khách sạn cao cấp ở TPHCM hồi đầu tháng 1-2021. Một số khách sạn ở TPHCM mới vừa có khách hội nghị trở lại thì lại vắng vẻ trở lại vì dịch bùng phát. Ảnh: Đào Loan

Thưa ông, nhiều khách sạn tại TPHCM vẫn đóng cửa, nơi còn hoạt động thì lỗ nặng. Công suất phòng bình quân ở phân khúc 3-5 sao trong năm qua chỉ đạt 20%, liệu có “tia sáng” nào trong thời gian tới hay không?

Ông Mauro Gasparotti: Sau gần hai tháng không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, nhiều chủ khách sạn kỳ vọng hoạt động kinh doanh sẽ được cải thiện vào thời điểm gần Tết Nguyên đán nhờ nhu cầu cao từ dịch vụ MICE (du lịch kết hợp tham gia các sự kiện) và tổ chức sự kiện.

Việc bùng phát ổ dịch mới tại Hải Dương và Quảng Ninh ngay thời điểm này đã gây ảnh hưởng lớn đến các khách sạn vì hoạt động MICE đình trệ. Phần lớn các sự kiện đã phải tạm hoãn do lo ngại các diễn biến khó lường của dịch bệnh.

Tình hình kinh doanh của mảng khách sạn tại TPHCM trong quí 1 và quí 2 năm nay sẽ tương tự như năm 2020, tức là cũng rất khó khăn. Phần lớn khách sạn kỳ vọng thị trường sẽ có thể phục hồi vào quý 3 và quý 4 năm 2021.

Tại TPHCM, mảng khách sạn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn khách công vụ và khách quốc tế cho nên chỉ khi các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại, giúp hoạt động du lịch, giao thương trở lại thì mới có thể thực sự giúp khách sạn cải thiện tình hình hoạt động.

Về triển vọng phục hồi, do Việt Nam có vị trí khá thuận lợi là gần các thị trường như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore nên sẽ có cơ hội đón khách sớm. Khi các chuyến bay thương mại quốc tế được khôi phục, du khách sẽ có xu hướng thực hiện các chuyến đi gần.

Những xu hướng như staycation (du lịch tại chỗ), khuyến khích du khách từ các địa phương khác đến TPHCM có phải là hướng đi giúp các khách sạn tồn tại trong năm 2021 hay không?

Hiện tại, thị trường nghỉ dưỡng vẫn chủ yếu dựa vào nguồn cầu nội địa. Vì thế, để có thể hỗ trợ quá trình phục hồi,  các chương trình kích cầu du lịch, thúc đẩy du khách nội địa là khá quan trọng trong thời gian tới.

Trong thời gian qua, nhiều khách sạn thành phố đã tích cực đưa ra các chương trình kích cầu du lịch mới như staycation nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, chương trình này chỉ thực sự hiệu quả ở một nhóm nhỏ khách sạn.

Theo tôi, các khách sạn có thể cân nhắc đẩy mạnh mảng dịch vụ ăn uống như là một điểm nhấn để thu hút và khai thác các phân khúc khách hàng mới thông qua các hoạt động tiếp thị, khuyến mãi. Trong đó, có việc đưa ra các trải nghiệm ẩm thực quốc tế tại nhà hàng tự chọn cho các gia đình với trẻ nhỏ, thúc đẩy quảng bá văn hóa trà chiều với đối tượng khách hàng trẻ.

Với mảng MICE, tuy được kỳ vọng sẽ giúp nhiều nơi cải thiện doanh thu nhưng hoạt động MICE trong bối cảnh hiện tại phụ thuộc khá nhiều vào tình hình dịch bệnh, chỉ cần một trường hợp lây bệnh trong cộng đồng là đã có thể khiến các sự kiện phải tạm ngưng hoặc hoãn lại.

Trong vài tháng gần đây, nhu cầu tổ chức sự kiện và hội nghị tại TPHCM có khôi phục nhưng hiện vẫn chưa đủ để giúp các khách sạn có thể hoạt động bình thường.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương

Trong lúc khó khăn, nhiều nhà điều hành đang dùng những cách như cắt giảm chi phí đến mức tối thiểu, trong đó có việc cắt nhân viên, tạm ngưng hoạt động để chờ thị trường quốc tế mở cửa trở lại... Đâu là cách ứng phó có hiệu quả?

Đây là thời điểm rất khó khăn mà các khách sạn phải đối mặt, đòi hỏi nhà điều hành phải đánh giá lại tình hình hoạt động, cơ cấu tổ chức để có thể vượt qua giai đoạn trước mắt.

Việc đầu tiên là đánh giá và cân nhắc chi phí hoạt động, trong đó chủ yếu là chi phí nhân công. Hầu hết các khách sạn đều thực hiện cắt giảm nhân sự hoặc giảm giờ làm, tinh gọn bộ máy với các nhân sự chủ chốt làm việc đa nhiệm. Thậm chí, một số nơi đang hoạt động dưới sự điều hành của các trưởng bộ phận mà không có tổng quản lý (GM).

Trong bối cảnh hiện tại, nhà điều hành cũng cân nhắc cắt giảm hoặc tạm ngưng hoạt động một số tiện ích và cơ sở vật chất. Ví dụ, một số chỉ duy trì hoạt động của một nhà hàng để phục vụ ăn sáng và các yêu cầu ăn uống đơn giản. Các khu vực hội họp cùng những dịch vụ khác như spa và hồ bơi có thể được cân nhắc giảm bớt số giờ hoạt động hoặc chỉ duy trì hoạt động một phần.

Thêm vào đó, khách sạn cũng nên tính toán để duy trì hoạt động một số tầng nhất định và thực hiện luân phiên, nhằm tối ưu chi phí năng lượng và bảo trì tòa nhà.

Kịch bản xấu nhất là cân nhắc đóng cửa hoàn toàn. Tuy nhiên, rất ít khách sạn 4-5 sao chọn phương án này vì khi thị trường hồi phục, việc mở cửa trở lại sẽ khó khăn hơn và thực tế, dù có đóng thì vẫn phải duy trì các hoạt động bảo trì định kỳ.

Từ giữa năm ngoái, nhiều chủ khách sạn, đặc biệt là chủ khách sạn nhỏ và vừa đã rao bán, rao cho thuê lại. Giao dịch thực tế trên thị trường như thế nào, thưa ông?

Khi dịch bệnh mới bùng phát, phần lớn các chủ sở hữu khách sạn kỳ vọng tình hình ảm đạm chỉ kéo dài trong vài tháng, kỳ vọng thị trường có thể dần khôi phục vào thời điểm cuối năm 2020 nhưng thực tế cho thấy, khó khăn có thể kéo dài đến hết năm 2021.

Do vậy, một số chủ sở hữu đang cân nhắc việc thoái vốn khỏi tài sản đang nắm giữ. Một số ngân hàng cũng muốn tìm giải pháp cho các tài sản thế chấp. Vài tháng gần đây, Savills Hotels nhận được một số yêu cầu từ các chủ sở hữu khách sạn về việc tìm kiếm các nhà đầu tư hoặc đơn vị hỗ trợ về mặt tài chính.

Các thương vụ thực hiện bởi Savills Hotels chủ yếu là các khách sạn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế và chúng tôi vẫn chưa ghi nhận nhiều thương vụ chuyển nhượng với mức giá “bán tháo” ở phân khúc này tại thị trường Việt Nam. Ở phân khúc 3-4 sao, số lượng rao bán cũng tăng đáng kể.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tuy số lượng rao bán tăng nhưng phần lớn chủ sở hữu vẫn có xu hướng giữ nguyên mức giá của năm 2019, chỉ có thay đổi lớn là đã cởi mở hơn trong việc trao đổi cơ hội chuyển nhượng tài sản, điều mà trước đây không dễ dàng tiếp cận.

Chúng tôi cũng nhận được yêu cầu tìm hiểu dự án, không chỉ từ nhà đầu tư nước ngoài mà còn từ nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các dự án tại TPHCM và Hà Nội.

Xin cảm ơn ông.

Mời đọc thêm:

Mới khởi động tour Tết thì bùng dịch, du lịch TPHCM 'kêu cứu'

Ngành du lịch lại tiếp tục khủng hoảng vì du khách đòi hoàn tiền

1.300 tỉ đô la và 1 tỉ lượt khách bị mất đi trong 'năm Covid' thứ nhất

Xem thêm: lmth.hcid-iad-iv-euq-teik-naod-iaig-uas-nas-hcahk-hnagn-ohc-oan-id-iol/893313/nv.semitnogiaseht.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“Lối đi nào cho ngành khách sạn sau giai đoạn 'kiệt quệ' vì đại dịch?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools