Xuân này không thể như... Xuân qua
Danh Đức
(TBKTSG Online) - Tết luôn là một điều gì thiêng liêng với mọi người. Quây quần, xum họp gia đình, gia tộc. Tết cũng là dịp vui chơi hội hè. Đây là một thực tế không chỉ riêng của người Việt hay người Á Đông, mà còn của người các châu lục khác, bằng những tên gọi khác, tỉ như lễ Giáng sinh và Năm mới ở các nước phương Tây.
Mua hoa chưng Tết. Ảnh: Nam Bình. |
Thế nhưng năm nay lại khác mọi năm. Ở châu Âu, lấy thí dụ nước Pháp, do trúng dịch quá nặng mà Nhà nước đã chỉ cho người dân “ăn rề-vay- dông” (réveillon) vào tối Noel chớ không cho “ăn Tết Tây”, cho phép nhưng hạn chế chỉ 6 người dự thôi, đồng thời hô hào người dân canh hàng xóm nếu có vi phạm thì tố giác.
Đó là chuyện chẳng đặng đừng khi “vỡ trận” sau hai đợt phong toả toàn quốc không hiệu quả, nhằm giảm bớt cơ hội lây lan và tử vong cùng các hậu quả khác, và nay đang cân nhắc đợt phong tỏa thứ ba. Phong tỏa, đóng cửa, hạn chế đi lại (có lúc ra khỏi nhà chỉ loanh quanh 1 cây số), sinh hoạt và cả làm ăn, buôn bán…từ tháng Ba năm ngoái tới giờ, dân “nổi khùng” mà xuống đường chống lệnh như đã thấy tuần rồi ở Hà Lan.
Ở ta, chưa như thế, nên cũng mong rằng sẽ không phải như thế. Muốn như vậy, nhất định phải nhìn thấy rằng bất cứ sự hớ hênh nào, trong tư tưởng cũng như trong hành động, của ngày hôm nay sẽ biến thành các ca nhiễm và lây lan chỉ trong vài ngày với biến thể Covid mới này.
Tin tức dồn dập trên báo chí như “Sở Y tế Hà Nội thông báo khẩn tìm 406 hành khách trên hai chuyến bay từ Hà Nội đi TPHCM và ngược lại trong ngày 29-1” hay “75 trẻ mầm non phải cách ly tập trung ở Hải Dương" hoặc "bệnh viện đa khoa tỉnh Gia Lai bị đóng cửa cách ly” cho thấy nguy cơ lây nhiễm dễ dàng và nhanh chóng.
Ý thức các nguy cơ rình rập đó, không ít người dân chúng đã quyết định, năm nay thôi không về nhà, về quê xum họp gia đình nữa, ráng năm nay “nhịn” để giữ sức khỏe cho bản thân, gia đình, xóm làng, để giữ cơ hội đi làm lại sau Tết… năm tới “ăn Tết” cũng không sao.
Đây là một cân nhắc chọn lựa tỉnh táo, và các hãng máy bay, xe lửa cũng đáp ứng bằng cách hoàn tiền vé hay cho dời chuyến vào dịp khác. Đó chính là những thể hiện của bản năng sống còn từ cá nhân, tới xã hội. Với những người đã chọn lựa như thế, không cần phải nhắc cũng đã tự tuân thủ quy định “5K” (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế) khi cần thiết.
Song, cũng có không ít người đang tự cho rằng, không cần đeo khẩu trang, cứ tập trung thoải mái khỏi cần giữ khoảng cách, khử khuẩn gì ráo trọi, khỏi khai báo y tế… mới là “tự do”, “sành điệu”, “đẳng cấp”… cứ như thể "con Covid ăn ai chớ có cách chi ăn được tui”.
Tiếc thay, trong khi tại một số nơi đã và đang tích cực kiểm tra và đốc thúc “5K”, tỉ như yêu cầu đeo khẩu trang khi lên thang máy - thậm chí có nơi phát ngay khẩu trang cho những ai quên mang theo - thì lại có những nơi lại tiếp tục “chủ xị” những cơ hội phá vỡ “5K”.
Những đường hoa mai, phố ông đồ… vẫn cứ mở cửa như mọi năm, khách vẫn tấp nập khoe “15 năm nay tôi tới, năm nay tôi cũng tới” và khoe mặt trần không khẩu trang. Các “ông đồ” cũng thế, không thấy ai nhắc nhở cứ như thể đó là nơi Covid không cách chi vô được. Có những phóng sự video vẫn thản nhiên trình chiếu cảnh người người không đeo khẩu trang chụp hình như mọi năm.
Không thể như mọi năm được. Không một tập tục hay một công ăn việc làm lớn nhỏ hay thành tích nào được “như mọi năm” khi mà quy định “5K” đã được ban hành. Mà cũng không cần phải có lệnh, bản năng sinh tồn cũng đủ để bản thân tự chấp hành quy định "5K".
Sẽ khó thoát ra khỏi những đe dọa đại dịch nếu cứ tự mâu thuẫn, người phòng chống cứ nai lưng ra chống, người “xả láng” cứ “xả láng”, và tệ hơn nữa là tạo ra hay dung túng sự mâu thuẫn này. Người dân cần một cái Tết yên ổn để còn có những cái Tết, lễ lạc yên vui sau này.
Xem thêm: lmth.auq-naux-uhn-eht-gnohk-yan-naux/484313/nv.semitnogiaseht.www