Từ trước đến nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL - miền Tây) được mặc định là vùng trù phú trong tâm thức bao đời và nông nghiệp trở thành kế sinh nhai, trọng trách chính. Với 1,5 triệu ha đất trồng lúa, ĐBSCL đóng vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam và thế giới.
Tuy nhiên, thực trạng phát triển kinh tế của miền Tây hiện đặt ra nhiều lo ngại khi đóng góp vào GDP trong 3 thập kỷ qua giảm mạnh. Vào năm 1990, GDP của TP Hồ Chí Minh chỉ bằng 2/3 so với Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng 2 thập niên sau, tỷ lệ này đã hoàn toàn đảo ngược và duy trì đến nay.
Tờ Vnexpress dẫn báo cáo do VCCI và Fulbright công bố cuối năm 2020 kết luận rằng, sau hơn 3 thập kỷ đổi mới, dù ĐBSCL đã thành công trong việc thoát đói, giảm nghèo, nhưng vùng đất này vẫn chưa đem lại được sự thịnh vượng cho phần lớn người dân của mình.
Trở lực lớn nhất nằm ở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, tính đến năm 2020, cả vùng chỉ có 45km đường cao tốc, chiếm khoảng 3% chiều dài đường cao tốc cả nước. Tết Tân Sửu này, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ mới mở tạm để xe lưu thông. Tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ vẫn chưa khởi công. Tuyến Cần Thơ - Cà Mau chỉ trong giai đoạn nghiên cứu khả thi.
Tác động của biến đổi khí hậu đã đưa vùng kinh tế ĐBSCL vào giai đoạn khó khăn. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong khi đó, trục ngang từ Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc tiếp tục đưa vào quy hoạch trong các giai đoạn tiếp theo nhưng khả năng bố trí vốn chưa rõ ràng và thời điểm triển khai chưa được xác định.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, thay bằng việc mỗi tỉnh đơn phương vận động để xin trung ương sân bay hay cảng nước sâu riêng, cả 13 địa phương cần đồng lòng kiến nghị trung ương xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thông suốt, đồng bộ, chất lượng để kết nối với nhau và với Đông Nam Bộ. Trong đó, phát triển trục đường cao tốc nối liền TP Hồ Chí Minh đến tận Cà Mau cần phải trở thành ưu tiên chiến lược hàng đầu của toàn vùng thời gian tới.
Trở lực thứ hai là nguồn nhân lực, tốc độ tăng năng suất lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chỉ 3,5% mỗi năm, thấp hơn hẳn so với khu vực nông - lâm - ngư nghiệp vốn không có nhiều dư địa để tăng năng suất.
Các chuyên gia cho rằng mô hình phát triển mới của vùng phải tìm cách tháo gỡ nút thắt quan trọng này bằng cách thiết kế chính sách tạo động cơ đi học, khắc phục tư duy ngắn hạn và việc theo đuổi lợi ích trước mắt khiến các gia đình cho con cái bỏ học sớm.
Thứ ba là biến đổi khí hậu và xói mòn tài nguyên. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và những tác động về vấn đề nguồn nước xuyên biên giới tiếp tục là những thử thách đối với sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của nền nông nghiệp vùng.
Bên cạnh đó, tập quán canh tác chủ yếu dựa vào lợi thế sẵn có và tư duy nâng cao năng suất thông qua khai thác triệt để nguồn lợi tự nhiên dẫn đến mất cân bằng sinh thái. Phong trào thâm canh lúa ba vụ kéo dài khiến cho chất lượng đất nông nghiệp suy giảm, vùng đất nằm trong đê bao do không nhận được phù sa trở nên bạc màu.
Ngoài ra, cơ chế chính sách chưa theo kịp đòi hỏi thực tế cộng với tác động của biến đổi khí hậu đã đưa vùng kinh tế ĐBSCL vào một giai đoạn khó khăn, thách thức nhất trong lịch sử tồn tại và đó cũng là một thách thức chung của quốc gia.
VTV.vn - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đưa ra khẳng định trên tại Hội nghị báo cáo và tham vấn về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31422809040201202-gnol-uuc-gnos-gnab-gnod-nahc-mik-cul-ort-4/et-hnik/nv.vtv