Tham dự buổi làm việc còn có đại diện của Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur TPHCM, bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy. Phát biểu tại buổi làm việc, đại diện viện Pasteur TP.HCM cho rằng, việc cần làm của tỉnh Gia Lai là tiếp tục nâng cao công tác truy vết, nâng cao công suất xét nghiệm.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, ca Covid-19 đầu tiên trong tỉnh được phát hiện ngày 29-1. Sau khi họp khẩn trong đêm, Ban chỉ đạo xác định đây là ca bệnh nguy hiểm, thời gian kéo dài trong cộng đồng. Vì vậy, cần phải truy vết, xử lý thật nhanh. Đồng thời, mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, ngành về kỹ thuật và chuyên môn để Gia Lai sớm khoanh vùng và khống chế được ổ dịch.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 14 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, dịch bệnh đã lan rộng năm huyện, thị xã, thành phố gồm: Ayun Pa, huyện Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, TP.Pleiku. Những trường hợp này bắt nguồn từ ca nhiễm trở về từ Hải Dương.
“Hiện chúng tôi đang điều hai máy tự động tách chiết mẫu hiện đại từ Viện Pasteur Nha Trang và Viện Pasteur TP.HCM đến giúp CDC Gia Lai nhằm tăng công suất tách chiết mẫu, nhằm giải phóng sức lao động cho kỹ thuật viên xét nghiệm kỹ thuật lấy mẫu xét nghiệm cần thiết phải tập huấn thuần thục cho các Trung tâm y tế, kể cả tuyến huyện và tỉnh” PGS.TS Phan Trọng Lâm- Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM nói và khuyến cáo Gia Lai cần thiết phải có sẵn kịch bản chống dịch để chủ động phòng chống dịch.
Gia Lai tiến hành chốt chặn một số điểm khi có ca dương tính.
Trong khi đó, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết, ngành y tế cũng đã truy vết được hơn 1.000 F2. Sắp tới, nếu dịch lan rộng, nếu lấy cả F1, F2 để truy vết thì sẽ khoảng tầm 3.000 mẫu/ngày. “Chúng ta đang thiếu lực lượng lấy mẫu, tuy vậy cán bộ, nhân viên của Viện sẽ bám trụ đến cùng ở điểm nóng cho đến khi hết dịch”, vị này nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, địa bàn tỉnh giáp với đường biên giới kéo dài nên gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, đề nghị Gia Lai kích hoạt lại toàn bộ hệ thống phòng chống dịch từ thôn đến tỉnh. Các địa phương chưa có dịch phải coi như có dịch để sẵn sàng phòng chống, thần tốc truy vết.
Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh, Gia Lai cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ. Trong tình hình trước mắt, cần chủ động thành lập các bệnh viện dã chiến. Đồng thời, đề nghị tỉnh Gia Lai phải mua thêm máy xét nghiệm lắp đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai vì hiện nay tỉnh này mới chỉ có máy xét nghiệm tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.
“Đề nghị nâng công suất xét nghiệm, ít nhất 3.000 mẫu/ngày trong thời gian tới. Nghành Y tế cần nâng cao năng lực trưng dụng, huy động nhân lực các trường Y tế, lực lượng sinh viên, các bệnh viện chuyên khoa. Đề nghị 100% F1 phải cách ly tập trung, sẵn sàng chuẩn bị các khu cách ly để tránh bị lúng túng…” Thứ trưởng Tuyên đề nghị.
Trước đó, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, đã có “tâm thư” gửi đến toàn thể người dân, các y bác sĩ và lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, ghi nhận sự nổ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn thể nhân dân nên cơ bản vùng dịch đã được kiểm soát.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hãy thật bình bình tĩnh, đoàn kết, tin tưởng vào công tác chỉ đạo phòng chống dịch của Trung ương, Chính phủ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh. “Tết Nguyên đán năm nay, chúng ta có một kỷ niệm cùng dân tộc đó là đón Tết khác hơn so với mọi năm. Nhưng tôi tin rằng, sẽ sớm thôi tỉnh Gia Lai sẽ chiến thắng dịch Covid-19: Cuộc sống người dân sẽ sớm trở lại bình thường” tâm thư có đoạn.