Đeo khẩu trang có cũng như không tại một quán cà phê trên phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội - Ảnh: Q.THẾ
Đến thời điểm hiện tại có thể yên tâm với tình hình các ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội. Tết Tân Sửu sẽ bình an trong bình thường mới với điều kiện ngành y tế và đội ngũ chống dịch cần luôn sẵn sàng, nên đề nghị các địa phương tiếp tục tiến truy vết triệt để ngăn chặn dịch.
Đó là thông tin được các chuyên gia đưa ra tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam - trưởng Ban chỉ đạo - chia sẻ: "Đón tết không chỉ là tình cảm, sự yên vui mà tết còn là dịp để nhiều người có thêm thu nhập bù lại khó khăn trong cả năm qua trong điều kiện bình thường mới. Muốn vậy chúng ta phải thần tốc hơn nữa, rút ngắn thời gian bắt kịp dịch".
Ca lây nhiễm đều không đeo khẩu trang
Đánh giá chung tình hình, đại diện tổ thông tin đáp ứng nhanh phòng chống COVID-19 cho biết các trường hợp lây nhiễm chủ yếu do tiếp xúc gần trong gia đình, không gian kín với chu kỳ xoay vòng nhanh chỉ 3-4 ngày. Tải lượng virus cao lây nhanh hơn, nồng độ virus mạnh hơn mà đặc biệt, các trường hợp lây nhiễm đều không đeo khẩu trang...
Đến nay, công tác chống dịch tại các địa phương trên toàn quốc đã cơ bản bắt kịp tình hình dịch, tỉ lệ rủi ro dịch bệnh đã giảm xuống.
Theo đánh giá của PGS.TS Trần Đắc Phu - chuyên gia y tế, đến thời điểm này dù các ổ dịch liên quan đến Hải Dương, Quảng Ninh đã kiểm soát được, không quá lo lắng hay hoảng loạn. Tuy vậy, cũng không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ nhập cảnh vẫn rất cao.
"Tết sẽ bình an trong bình thường mới với điều kiện ngành y tế và đội ngũ chống dịch cần luôn sẵn sàng" - đại diện nhóm chuyên gia đánh giá.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá tình hình dịch ở Gia Lai tương đối phức tạp, đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, việc truy vết, theo dấu ca bệnh gặp khó khăn... Đây là khu vực cũng chưa bao giờ xảy ra dịch, nên kinh nghiệm, việc triển khai các biện pháp phòng chống có sự lúng túng; hệ thống y tế của địa phương còn yếu.
Ngoài các đoàn Bộ Y tế đã cử vào cắm chốt tại Gia Lai, nếu tình hình dịch diễn biến phức tạp, Bộ Y tế sẽ điều thêm chuyên gia vào hỗ trợ điều trị, đồng thời tập trung nâng cao năng lực xét nghiệm cho Gia Lai.
Thay đổi chiến thuật chống dịch
Các thành viên Ban chỉ đạo cũng đề nghị địa phương có ca bệnh cần tiếp tục truy vết, khoanh vùng, cách ly kịp thời, xét nghiệm diện rộng, chú trọng phong tỏa nhiều lớp. Đồng thời cần thay đổi chiến lược, nâng các biện pháp đáp ứng cao hơn một mức so với đợt dịch trước, trong đó thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 và 15 của Thủ tướng.
Xác định F1 là trường hợp nhiễm bệnh, từ đó truy ra F2, coi F2 gần như F1 để thực hiện truy vết, khoanh vùng ngay, lấy mẫu toàn bộ người dân tại khu vực lây nhiễm cộng đồng, bắt buộc đeo khẩu trang.
Phó thủ tướng yêu cầu các địa phương phải làm tốt công tác cách ly, mạnh dạn nghiên cứu các mô hình cách ly tập trung quy mô nhỏ hơn. Đơn cử như mô hình phong tỏa trong phong tỏa, làm thử ở một số điểm trên tinh thần gọn, nhỏ, an toàn.
Chúng ta muốn an toàn trong trạng thái bình thường mới thì phải sẵn sàng. Sẵn sàng là phải khai báo y tế, các doanh nghiệp cung cấp mạng viễn thông sẽ nhắn tin cho các thuê bao đi từ vùng dịch ra yêu cầu phải khai báo y tế, trường hợp nào cố tình không khai báo y tế sau khi đã có khuyến cáo sẽ bị từ chối dịch vụ.
Vì sao tăng thời gian cách ly lên 21 ngày?
Kể từ đợt dịch này, toàn bộ F1 (người tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19) đều phải cách ly tập trung, cách ly mầm bệnh khỏi cộng đồng. Tuy nhiên thời gian cách ly lại tăng thêm 1 tuần, là 21 ngày, trong khi trước đây bắt buộc cách ly 14 ngày.
Giải thích với Tuổi Trẻ, ông Đặng Đức Anh - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cho rằng lứa tuổi bệnh nhân đợt dịch này có nhiều người trẻ tuổi, hầu như chưa có bệnh lý nền, tức là chưa có yếu tố làm dịch tăng nặng.
Trong khi đó, có đến 86,6% bệnh nhân COVID-19 ghi nhận trong đợt dịch này không có triệu chứng lâm sàng. Tại Gia Lai, 12/13 bệnh nhân tính đến ngày 2-2 cũng không có triệu chứng lâm sàng.
Về việc tăng thời gian cách ly, quyết định được đưa ra xuất phát từ đầu đợt dịch, nhiều bệnh nhân phát bệnh sau 17-18 ngày, thậm chí sau hơn 20 ngày. Vì vậy thời gian cách ly cũng phải thay đổi.
TTO - Sáng nay 4-2, Bộ Y tế cho bết có thêm 37 bệnh nhân COVID-19, là số công nhân công ty Poyun được Sở Y tế Hải Dương xác nhận dương tính tối 3-2. Như vậy sáng nay, 9/10 tỉnh thành có dịch không ghi nhận ca bệnh mới.
Xem thêm: mth.3124448040201202-tet-oc-ed-tev-yurt-cuc-hcit/nv.ertiout