Sự xuất hiện đột ngột của AI tổng quát, như chatbot tự tạo nội dung ChatGPT, đang đặt ra một loạt vấn đề mới.
Theo bà Janet Haven - giám đốc điều hành Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Data & Society, hiện nay các công ty công nghệ có thể xây dựng bất cứ thứ gì họ muốn, sau đó phát hành nó ra thế giới và ai cũng được quyền tự do sử dụng, không theo một chuẩn đạo đức nào.
Tuy nhiên, đến nay các chính phủ vẫn chưa nghĩ ra cách tiếp cận để đối phó với tiềm năng phát triển ngày càng mạnh mẽ của AI.
Cách nào bảo vệ người dùng?
Trên thực tế, trước khi OpenAI phát hành ChatGPT vào cuối năm 2022, đã có nhiều ý kiến kêu gọi các chính phủ điều chỉnh cách quản lý trí tuệ nhân tạo.
Đề xuất sớm nhất đến từ Liên minh châu Âu. Họ ban hành Đạo luật Trí tuệ nhân tạo vào năm 2021.
Hiện các chuyên gia vẫn đang tiếp tục đề nghị bổ sung vào đạo luật này các biện pháp bảo vệ người dùng mạnh hơn. Họ cho rằng công nghệ trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho mục đích mang tính "rủi ro cao”, bao gồm các quyết định tuyển dụng hoặc trong một số hoạt động thực thi pháp luật.
Tại Mỹ, các quan chức địa phương, tiểu bang và liên bang đều đã bắt đầu thực hiện một số bước nghiên cứu để đưa ra các quy tắc cho AI.
Chính quyền Mỹ vào mùa thu năm 2022 đã trình bày chi tiết “Dự luật về quyền của AI”. Dự luật nhằm giải quyết các vấn đề như phân biệt đối xử, quyền riêng tư và khả năng người dùng chọn không tham gia hệ thống tự động.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng AI tổng quát xuất hiện đã đặt ra nhiều vấn đề hơn - bao gồm cả khả năng tạo ra thông tin sai lệch được sản xuất hàng loạt - mà kế hoạch chi tiết không giải quyết được.
Quản không được thì cấm
Một số cơ quan công cộng ở Mỹ hiện đang cố gắng hạn chế sử dụng các công cụ AI tổng quát. Tại thành phố New York, ngành giáo dục cấm ChatGPT trên các thiết bị và mạng của họ.
Một số tổ chức tài chính của Mỹ cũng đã cấm công cụ này.
Để trấn an dư luận, các công ty tạo ra AI tổng quát như Google, Microsoft và OpenAI đã lên tiếng về mức độ nghiêm túc, đạo đức đối với công việc của mình.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo công nghệ Mỹ cảnh báo các quy định quá nghiêm ngặt đối với AI sẽ tạo lợi thế địa chính trị cho Trung Quốc, quốc gia đang tích cực theo đuổi AI.
Về phần mình, Trung Quốc đã soạn thảo các quy tắc nhằm hạn chế AI phát triển và đã cấm dùng ChatGPT, theo các trang tin tức địa phương.
Một số chuyên gia tin rằng việc thực hiện chế độ kiểm duyệt của Trung Quốc nhằm tạo lợi thế cho các công nghệ đang phát triển của nước này.
Tuy nhiên, có một thực tế là các nhà công nghệ đang tiến lên quá nhanh khiến công tác quản lý không thể theo kịp.
Công ty OpenAI ra mắt GPT-4, bản nâng cấp của hệ thống trí tuệ nhân tạo đứng sau trợ lý ảo ChatGPT gây “bão” thời gian qua. GPT-4 hứa hẹn là phiên bản sáng tạo và ít lỗi hơn bản GPT-3,5 tiền nhiệm.
Xem thêm: mth.88372919032303202-os-gnaoh-yl-nauq-nauq-oc-cac-cum-ned-hnahn-neirt-tahp-tpgtahc/nv.ertiout