Tại Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, Đà Nẵng) từ ngày 6-3 đến nay có 37 phụ huynh nhận được cuộc gọi lừa đảo báo tin "con đi cấp cứu".
Các cuộc gọi đều rải rác nhiều lớp chứ không tập trung một lớp nào cụ thể. Rất may chưa có trường hợp nào phụ huynh bị lừa chuyển tiền.
Lộ qua cách nào để bị lừa đảo?
Cô Huỳnh Thị Như Nguyệt, hiệu trưởng Trường tiểu học Núi Thành, cho hay từ khi ở TP.HCM rộ lên xu hướng lừa đảo này thì nhà trường đã tăng cường cảnh báo phụ huynh.
Ngoài cảnh báo, trường này cũng công khai cho phụ huynh mỗi lớp bốn số điện thoại gồm giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách Đội, nhân viên y tế và hiệu trưởng để liên lạc khi cần.
"Nhiều khi phụ huynh gọi, nhắn tin trong nhóm nhưng các cô giáo chủ nhiệm đang trong giờ dạy hoặc đi trên đường không nghe máy được, sẽ còn có ba người khác để phụ huynh kịp thời nắm tin. Như vậy phụ huynh sẽ có nguồn để kiểm chứng tốt hơn" - cô Nguyệt thông tin.
Liên quan đến lo ngại về việc bảo mật thông tin nhà trường, cô Nguyệt cho biết hiện nay nhà trường đang sử dụng phần mềm Viettelstudy của nhà mạng Viettel, làm hồ sơ điện tử quản lý học tập.
Tuy nhiên ngoài nhà cung cấp dịch vụ ra chỉ có hiệu trưởng và văn thư được cấp quyền truy cập hồ sơ toàn trường. Các tài khoản điện tử khác thì giáo viên lớp nào mới được nắm danh sách lớp đó.
Từ việc phụ huynh nhận cuộc gọi lừa đảo rải rác nhiều lớp, cô Nguyệt cho rằng khả năng các đối tượng lừa đảo nắm thông tin từ những hình thức như phát tờ rơi, mời hội thảo. Tiếp theo là trung tâm đến mời đăng ký kiểm tra tiếng Anh miễn phí, cũng như một số thông tin bốc thăm trúng thưởng khác...
"Riêng danh sách toàn trường trên phần mềm điện tử chỉ văn thư và hiệu trưởng có quyền truy cập.
Ai đăng nhập vào ngày giờ nào đều có lưu vết đều lưu lại nên chắc chắn không có chuyện ai đó trong trường tự ý cung cấp" - cô Nguyệt khẳng định.
Theo ông Trần Nguyễn Minh Thành, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, vừa qua một số hiệu trưởng cũng đã thông tin đến sở về việc có một số người giả danh nhân viên trung tâm ngoại ngữ phát tờ rơi.
Một số trường hợp đã lấy số điện thoại của phụ huynh, thêm thông tin con đang học lớp mấy, trường nào... Đây cũng có thể là một nguồn rò rỉ thông tin.
Hiện nay Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã có thông tin tới tất cả các phòng giáo dục và đào tạo các quận, huyện trên địa bàn thành phố, yêu cầu các đơn vị này nhắc nhở, chỉ đạo các trường chủ động gửi tin nhắn cảnh báo phụ huynh, trong đó nhấn mạnh trong thời gian học sinh ở trường, nếu có tình huống gì, ban giám hiệu nhà trường hoặc giáo viên sẽ gọi điện thoại trực tiếp cho phụ huynh.
Không bắt ai đóng viện phí qua điện thoại
Đó là khẳng định của bác sĩ Dương Văn Đức (khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng) khi tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ huynh tìm đến đây sau các cuộc gọi lừa đảo "con đi cấp cứu".
"Ngoài việc nhận được tin "con đi cấp cứu" thì có trường hợp nhận được thông tin con tử vong ở trong nhà xác. Có phụ huynh vừa đến đây thì lăn đùng ra xỉu. Chúng tôi khẳng định không ai bắt đóng viện phí qua điện thoại" - bác sĩ Đức nói.
Việc lừa đảo này xảy ra khi các đối tượng giả danh cả giáo viên và nhân viên bệnh viện gọi điện lừa phụ huynh.
Mặc dù thủ đoạn này đã được cảnh báo từ khi xảy ra ở TP.HCM, nhưng trong những ngày qua tại khoa cấp cứu nhiều bệnh viện ở Đà Nẵng lại liên tục có phụ huynh tìm đến sau khi nhận cuộc gọi lừa đảo, chủ yếu là phụ huynh có con đang học các trường tiểu học.
Các phụ huynh ở Đà Nẵng chủ yếu nhận cuộc gọi lừa đảo báo con cấp cứu tại Bệnh viện Đà Nẵng và yêu cầu chuyển tiền để mổ gấp cho con.
Bệnh viện Đà Nẵng đã cử ra đội công tác xã hội và nhiều nhân viên y tế khác túc trực giải thích với phụ huynh việc không ghi nhận trường hợp nào học sinh bị tai nạn. Tuy nhiên có nhiều người vẫn lo lắng yêu cầu kiểm tra trên hệ thống máy tính lại lần nữa cho... chắc ăn.
"Khi gặp các trường hợp cấp cứu, bệnh viện sẽ ưu tiên theo quy trình cấp cứu cho bệnh nhân.
Trường hợp không có người nhà đi cùng, bệnh viện sẽ tìm cách liên hệ với người nhà để thông báo tình hình sức khỏe. Chắc chắn không có việc gọi điện yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản" - bác sĩ Dương Văn Đức (khoa cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng) nói.
Giáo viên phải sẵn sàng nghe máy
Cũng theo ông Thành, để tránh bị sập bẫy thủ đoạn lừa đảo bằng cách giả danh giáo viên gọi điện cho phụ huynh thì các giáo viên phải sẵn sàng nghe điện thoại, trao đổi với phụ huynh về tình hình của học sinh.
"Tuyệt đối tránh trường hợp phụ huynh không liên hệ được nhà trường, hoảng loạn và chuyển tiền theo yêu cầu của người lạ" - ông Thành nói.
Các bệnh viện cũng khuyến cáo nếu người nhà nhận được tin con em cấp cứu, phải bình tĩnh liên hệ với nhà trường. Nếu nhà trường không biết thì mới liên hệ trực tiếp bệnh viện, tránh gây ảnh hưởng chung đến hoạt động khám chữa bệnh.
Lộ một tài khoản, có thể có thông tin cả lớp
Một phụ huynh khác thì chia sẻ thông tin trao đổi trên mạng giờ rất nhiều. Ví dụ chỉ cần phụ huynh một lớp bị hack tài khoản Zalo, Messenger Facebook thì có thể trong nhóm chat của phụ huynh một lớp dễ dàng bị lộ.
Việc phụ huynh ý thức và biết cách bảo mật này chưa hẳn đã nhiều, chưa kể đến các âm mưu cố tình lấy thông tin của các đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi.
Hàng chục phụ huynh tìm đến khu cấp cứu bệnh viện để hỏi thăm tình hình "con đang cấp cứu" sau khi nhận được điện thoại của những kẻ lừa đảo.
Xem thêm: mth.35622522261303202-nit-gnoht-tol-ol-ed-hnit-ov-hnyuh-uhp-hnis-coh-uuc-pac-iog-oad-aul/nv.ertiout