Năm 2021 diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam; tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong không khí cả nước đang đón chào Xuân mới Tân Sửu 2021, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam. Trân trọng giới thiệu nội dung cuộc phỏng vấn:
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, năm 2020 đánh dấu là một năm Quốc hội có nhiều hoạt động hiệu quả, nhiều đổi mới. Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật trong hoạt động Quốc hội năm vừa qua?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2020 là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, tuy có nhiều biến động, khó khăn, nhất là những thách thức rất lớn từ dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế toàn cầu…, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân, Việt Nam được coi là điểm sáng trên thế giới cả về phòng, chống COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế, là một trong số ít những nước đạt tăng trưởng dương (2,91%). Đây là những thành tích rất đáng trân trọng, tự hào, là kết quả của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tạo thế và lực mới để đất nước vững bước vào giai đoạn tiếp theo. Lần đầu tiên trong lịch sử 75 năm của Quốc hội, hai kỳ họp trong năm 2020 được thực hiện kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp cho thấy Quốc hội luôn chủ động, nhanh chóng thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của thực tiễn, vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Quốc hội tiếp tục có bước phát triển vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội.
Trong năm, Quốc hội đã ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức họp trực tuyến ở tất cả các cấp độ, từ các phiên họp, cuộc họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đến các kỳ họp Quốc hội và các cuộc họp trong khuôn khổ các diễn đàn liên nghị viện khu vực và quốc tế. Các ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội liên tục được cải tiến, hoàn thiện; nâng cao mức độ tương tác trong môi trường mạng qua việc thiết kế các phần mềm để các đại biểu Quốc hội sử dụng đăng ký phát biểu, tranh luận, cho ý kiến,… bảo đảm thực hiện các kỳ họp, phiên họp không giấy tờ… từ đó góp phần nâng cao năng lực của đại biểu và cũng tiết kiệm chi phí trong hoạt động của Quốc hội. Nhờ đó, trong năm 2020, Quốc hội đã thông qua 17 luật, thảo luận và cho ý kiến vào 10 dự án luật, đều là những luật quan trọng, xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, liên quan đến các lĩnh vực của đời sống.
Trong năm qua, một dấu ấn quan trọng nữa trong lĩnh vực lập pháp, đó là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU). Hai Hiệp định này đã đánh dấu một bước quan trọng, là tiền đề để tạo cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu, đồng thời tạo môi trường pháp lý và đầu tư minh bạch, từ đó thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư đến từ EU và các nước khác. Sự liên kết, tổng hòa các Hiệp định quan trọng này sẽ đưa quan hệ Việt Nam và EU lên tầm cao mới mang tính chiến lược.
Năm 2020 là năm cuối của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, do đó, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu, phân tích thấu đáo, thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện, khách quan để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu nhằm sớm phục hồi nền kinh tế trong tình hình đại dịch COVID-19, góp phần hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
Việc Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, được coi là những quyết sách đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng, cả nước nói chung, có ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc.
Sau khi thông qua Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, năm 2020, Quốc hội tiếp tục thông qua Nghị quyết về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng (kỳ họp thứ 9) và Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh (kỳ họp thứ 10) tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các thành phố trực thuộc Trung ương triển khai việc tổ chức chính quyền đô thị theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trong công tác đối ngoại, hoạt động nổi bật của Quốc hội là đã hoàn thành tốt đẹp năm Chủ tịch Hội đồng liên minh Nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) 2020 với điểm nhấn quan trọng là tổ chức thành công Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 (AIPA 41) bằng hình thức trực tuyến, nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của bạn bè và các đối tác trong khu vực. Kết quả này cùng với việc thực hiện tốt năm đầu tiên Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN đã góp phần củng cố và nâng tầm vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. |
Phóng viên: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. 75 năm xây dựng và trưởng thành, đồng thời là 14 nhiệm kỳ hoạt động của Quốc hội, việc xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa Quốc hội với cử tri, nhân dân là bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Quốc hội. Vậy Chủ tịch Quốc hội có thể chia sẻ kỹ hơn về bài học kinh nghiệm này?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, khi nói về nội dung này, tôi đã khẳng định: Quốc hội là do dân bầu, người đại biểu Quốc hội là người đại biểu của nhân dân, do đó cần phải lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lên tiếng nói của người dân. Ba chức năng cơ bản của Quốc hội là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước phải phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân.
Xuyên suốt hơn 4 năm của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, với 10 kỳ họp, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và mỗi đại biểu Quốc hội đã phát huy cao độ năng lực, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm để cùng thực hiện tốt ba chức năng trên.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên họp bất thường để thảo luận, xem xét việc ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành chất vấn một cách toàn diện việc thực hiện các nghị quyết về chất vấn và các vấn đề đã hứa tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII. Theo đó, Quốc hội đã không chọn người trả lời chất vấn, không chất vấn theo nhóm vấn đề như thông lệ, mà tổ chức để các đại biểu tiến hành chất vấn về những nội dung cần làm rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành về những việc, những lời hứa mà các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành đã được Quốc hội giám sát, chất vấn, thể hiện tinh thần Quốc hội giám sát đến cùng việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành.
Qua hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cho thấy các đại biểu Quốc hội đã thể hiện luôn gần dân, sát dân, nói lên tâm tư nguyện vọng của nhân dân; đồng thời, đã đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan phải thực hiện các nội dung, kết luận sau chất vấn; thậm chí là kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận đó, theo đến cùng vấn đề vì quyền lợi của người dân. Và cũng từ đó cho thấy, các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã nghiêm túc, chủ động thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, đi đến tận cùng của vấn đề để tìm giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội.
Kế thừa truyền thống của 13 khóa Quốc hội, với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, hành động vì lợi ích của nhân dân, Quốc hội khóa XIV đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng, cùng với các hoạt động của ngoại giao nghị viện, đóng góp quan trọng vào những thành tựu lớn có ý nghĩa lịch sử của đất nước trong 35 năm đổi mới. Có thể thấy, suốt chặng đường 75 năm phát triển, Quốc hội đã luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân và dù trong bất kỳ hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, Quốc hội đều hoàn thành trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, với những đóng góp to lớn, quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Phóng viên: Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội không chỉ cho năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ, giai đoạn sắp tới là tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Chủ tịch Quốc hội có thể cho biết những yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với cuộc bầu cử cũng như tiêu chuẩn của người đại biểu nhân dân trong thời kỳ phát triển mới của đất nước?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Năm 2021 là năm chuyển giao nhiệm kỳ, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Vào ngày 6-1-1946 (cách đây 75 năm) đã đánh dấu một sự kiện quan trọng trong lịch sử nước ta khi lần đầu tiên người dân Việt Nam thông qua lá phiếu của mình được trực tiếp lựa chọn, bầu những người có tài, có đức vào Quốc hội. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử đã đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước ta và là mốc son của cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân ở nước ta.
Nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của đất nước nói chung và của Quốc hội nói riêng là rất nặng nề, đòi hỏi hoạt động của Quốc hội cần tiếp tục được đổi mới, cải tiến để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Cuộc bầu cử Quốc hội không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của năm 2021, của nhiệm kỳ khóa XV, mà còn có ý nghĩa quan trọng để chúng ta lựa chọn bầu ra những đại biểu đại diện cho nhân dân làm nhiệm vụ rất quan trọng là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng được thể hiện trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đặt mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Trước bối cảnh mới, người đại biểu nhân dân cũng có những yêu cầu, nhiệm vụ mới. Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi, bổ sung năm 2020 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 đã đưa ra 7 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, như: Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ văn hóa, chuyên môn, năng lực, uy tín…
Trên tinh thần đó, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tích cực chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đại biểu theo quy định. Bên cạnh đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia còn phải làm nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 dự kiến vào ngày 23-5-2021 tới, bảo đảm sự kiện chính trị trọng đại này được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.
Một mùa Xuân mới đã về, tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới tới mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam ở trong nước, cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và đạt nhiều thành công!
Tôi mong muốn nhân dân, cử tri cả nước, cũng như đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, cùng đồng tâm hiệp lực nỗ lực vượt qua khó khăn, góp phần xây dựng và phát triển đất nước; tiếp tục chia sẻ, quan tâm, đóng góp nhiều ý kiến quý báu để Quốc hội ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội.