Tổng cục Thuế đã bác toàn bộ khiếu nại của Coca-Cola Việt Nam - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cuối tháng 12-2019, phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh ký quyết định xử phạt hành chính về thuế qua thanh tra chấp hành pháp luật thuế đối với Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (gọi tắt Coca-Cola Việt Nam) với tổng số tiền lên đến hơn 821 tỉ đồng.
Lý do, theo Tổng cục Thuế, Coca-Cola Việt Nam đã vi phạm về khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp theo quy định.
Coca-Cola Việt Nam khiếu nại gì?
Coca-Cola Việt Nam sau đó cho biết đã nộp 471 tỉ đồng dù "không đồng thuận với phần lớn các kết luận của Tổng cục Thuế".
Sau khi nộp thuế, ngày 9-1-2020, Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế với 10 nội dung, chủ yếu liên quan đến việc cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này được đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai như sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng; tài sản cố định như vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà công ty chưa cung cấp được tài liệu chứng từ…
Hơn 1 năm kể từ khi Coca-Cola Việt Nam nộp đơn khiếu nại, Tổng cục Thuế vừa ban hành quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với công ty này. Trong đó hé lộ con số khủng về chi phí khuyến mãi, từ đó lý giải vì sao Coca-Cola Việt Nam liên tục thua lỗ trong suốt nhiều năm.
Khuyến mãi khủng nhưng "quên" đăng ký
Về khuyến mại, kết quả xác minh của Tổng cục Thuế cho thấy từ 2007 - 2015, Coca-Cola Việt Nam đã dùng các sản phẩm do công ty sản xuất và vật phẩm mua ngoài để thực hiện các chương trình khuyến mãi.
Trong đó công ty có xuất hóa đơn thể hiện giá trị, số lượng các hàng hóa do Coca-Cola Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên công ty này không xuất hóa đơn cho khách hàng đối với các chương trình khuyến mại bằng các vật phẩm mua ngoài, chỉ có phiếu xuất kho.
Trong khi những vật phẩm và những sản phẩm do công ty mua ngoài đươc đặt tại các điểm bán hàng của nhà phân phối (dù, ghế…) và dùng để khuyến mại được Coco-Cola Việt Nam hạch toán vào chi phí lên đến 744 tỉ đồng.
Tổng cục Thuế cũng cho biết công ty này thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mại trong suốt những năm 2007 - 2015 và đây chính là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, dù triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi nhưng Coca-Cola Việt Nam lại có rất ít thông báo khuyến mại gửi đến Sở Công thương các tỉnh, thành nơi thực hiện khuyến mãi.
Cụ thể chỉ công ty chỉ có 8 thông báo gửi 7 Sở Công thương các tỉnh, thành phố. Không có văn bản xác nhận của các Sở Công thương với các thông báo khuyến mại. Do đó không đủ căn cứ để đối chiếu, rà soát, xác định chi phí khuyến mại hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Từ đó cơ quan thuế đã loại các chi phí khuyến mãi mà Coca-Cola Việt Nam không thông báo với Sở Công thương hoặc thông báo không hợp lệ.
Tổng cục Thuế cho rằng Coca-Cola nhiều lần khuyến mãi nhưng không đăng ký với Sở Công thương - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Coca-Cola Việt Nam mua đứt bán đoạn với nhà phân phối
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng cho rằng do Coca-Cola Việt Nam ký hợp đồng mua đứt bán đoạn sản phẩm nước giải khát với nhà cung cấp, do vậy khách hàng của nhà cung cấp không phải là khách hàng của Coca-Cola Việt Nam mà là khách hàng của nhà phân phối.
Do vậy cơ quan thuế không chấp nhận cho Coca-Cola Việt Nam khấu trừ các chi phí mua ngoài các vật phẩm được đặt tại các điểm bán hàng vì cho rằng không liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Coca-Cola Việt Nam và không cho khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng.
Về tủ lạnh, trong giai đoạn 2007 đến 2015 Coca-Cola Việt Nam đã mua rất nhiều tủ lạnh để đặt tại các điểm bán hàng. Coca-Cola Việt Nam thỏa thuận cho các điểm bán "mượn" tủ lạnh để bán hàng.
Coca-Cola Việt Nam cũng tính chi phí phát sinh (khấu hao, hủy) từ giá trị tủ lạnh cho mượn vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp qua các năm hơn 213 tỉ đồng và kê khai thuế GTGT đầu vào được khấu trừ hơn 73 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế cho rằng do Coca-Cola Việt Nam cung cấp tủ lạnh cho tổ chức, cá nhân là khách hàng của nhà phân phối chứ không phải khách hàng của Coca-Cola Việt Nam nên không được tính khoản nêu trên vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp qua các năm 2007 - 2015.
Tuy nhiên Coca-Cola Việt Nam không đồng ý với kết quả thanh tra này và cho rằng chi phí mua tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân không mua hàng trực tiếp của công ty là liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh nên phải được tính vào chi phí. Các khoản chi này cũng có đầy đủ hóa đơn chứng từ hợp pháp.
Coca-Cola Việt Nam cũng lập luận hiện không có quy định về việc đặt tài sản (ở đây là tủ lạnh) ở những địa điểm hoặc đối tượng không mua hàng trực tiếp thì không được tính chi phí khấu hao và trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng. Và việc đẩy mạnh đầu tư vào tủ lạnh và việc tăng doanh thu có tương quan trực tiếp với nhau. Do vậy doanh nghiệp này không đồng ý với kết luận của cơ quan thuế.
8 tiếng chỉ đối thoại được 2 nội dung
Tại quyết định về việc giải quyết khiếu nại lần đầu với Coca-Cola Việt Nam, Tổng cục Thuế cho biết ngày 17-12-2020 vừa qua, Tổng cục Thuế đã tiến hành đối thoại với đại diện Coca-Cola Việt Nam.
Việc đối thoại được tiến hành theo từng nội dung khiếu nại. Tuy nhiên hai bên chỉ trao đổi, đối thoại được hai nội dung do Coca-Cola Việt Nam không đồng ý ký xác nhận các ý kiến đã trao đổi được ghi nhận tại từng nội dung đối thoại.
Khi kết thúc đối thoại Coca-Cola Việt Nam vẫn không đồng ý ký biên bán đối thoại để xác nhận nội dung đã trao đổi. Sau đó Tổng Cục Thuế nhận được công văn của Coca-Cola Việt Nam đề nghị Tổng cục Thuế ban hành ngay quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất.
Tổng cục Thuế kết luận nội dung đơn khiếu nại lần 1 ngày 9-1-2020 của Coca-Cola Việt Nam là không đúng và từ đó không công nhận nội dung đơn khiếu nại, giữ nguyên quyết định phạt và truy thu số tiền 821 tỉ đồng đã ban hành ở quyết định trước đó.
TTO - Sau khi Coca-Cola VN bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp vào ngân sách hơn 821 tỉ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp, nhiều chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều "ông lớn" FDI cần được đưa vào "tầm ngắm" thanh tra để chống chuyển giá, né thuế.