Những người bán hàng rong đang cố gắng về quê ăn tết - Ảnh BÔNG MAI
Tối chủ nhật, chiếc xe cũ mòn bán bắp rang bơ dựng nép mình trước cổng nhà thờ Tân Định (Q.3, TP.HCM). Người đàn ông lớn tuổi đang loay hoay rang mẻ bắp nóng hổi, chờ giáo dân tan lễ mua hộ kiếm thêm vài đồng.
Ăn tết ở đâu trên nước Việt mình cũng được, miễn ai ai cũng bình an là vui. Còn người, còn sức khỏe là còn nhiều cái tết. Khi dịch được kiểm soát, chắc chắn mình sẽ về quê.
NGUYỄN MINH TIẾN (Quảng Ninh)
Người nơi phố thị, lòng neo tết quê
Bing boong, bing boong... Tiếng chuông nhà thờ ngân vang điểm đúng 8h tối, dòng người từ giáo đường bước ra. Mấy bé kéo tay mẹ tới chiếc xe bắp rang đang bật sáng đèn, ông Vũ Văn Điều (65 tuổi) niềm nở lấy bịch bắp rang thơm phức đưa cho vị khách rồi cảm ơn rối rít.
"Món này trẻ con, học sinh mới lớn thích ăn lắm, tôi chạy bán dạo ở mấy chỗ đông như nhà thờ, trường học, trung tâm dạy tiếng Anh, nhưng năm nay dịch nên buôn bán ế" - ông Điều thở dài.
Cả tuổi thơ gắn với ruộng đồng Xuân Thủy, Nam Định, gặp biến cố nên năm 30 tuổi ông Điều cùng gia đình tha hương vào TP.HCM. Hơn hai thập niên bươn chải, bán bắp rang bơ từ cái thời mỗi bịch giá 3.000 giờ lên 10.000 đồng, ông Điều biết ơn thành phố đã bảo bọc gia đình, nuôi nấng hai đứa con đều học xong đại học.
Nhưng rồi những ngày cuối năm, ông vẫn ngậm ngùi: "Hơn ba chục năm xa quê mà tết đến vẫn nhớ nhà, không thể nào quên được". Bao khốn khó trong cuộc mưu sinh nơi phố thị có thể lấy đi nét thơ ngây của nhiều người, nhưng không thể che đi đôi mắt ánh lên niềm vui khi ông Điều nhắc về năm tháng tuổi thơ đón tết miền quê.
"Đón tết ở quê vui vẻ, đầm ấm lắm. Tầm 27, 28 tháng chạp, cả xóm sẽ gói bánh chưng. Vui nhất là buổi tối bố mẹ ngồi canh bánh, lúc đó mình còn nhỏ, nói là canh cùng chứ thật ra là chạy khắp nơi chơi với mấy đứa trẻ con trong xóm. Ngày đó chờ tết để được ăn ngon" - ông Điều cười nhớ.
Tết này, lại một tết nữa ông Điều không thể về quê. Ông tâm sự: "Dịch giã nên giờ làm cái gì cũng khó, kiếm được ít đồng mà nếu về thì tốn kém, tiền đi lại đủ chuyện, lấy tiền đó gửi về cho mấy bác, mấy dì sẽ đỡ hơn. Hi vọng năm sau ổn định hơn, cả nhà sẽ về quê ăn tết để các con biết nguồn cội" - ông Điều mong ước.
Ông Vũ Văn Điều bán bắp rang bơ bên nhà thờ Tân Định - Ảnh BÔNG MAI
Ở lại để dành dụm
Ở Hà Nội, cô gái trẻ Khánh Vy (25 tuổi) xâu những tấm giấy đỏ vào chuỗi dây dài để treo lên cành cây trang trí tại một quán cà phê nằm ngay trung tâm thủ đô. Biết chút nghề pha chế, hai năm trước Vy rời quê ở Đắk Lắk ra Hà Nội tìm việc ở quán cà phê nhỏ.
"Mỗi lần ông bà chủ giận nhau, ổng về tới quán là kiếm chuyện mắng nhiếc, có lần mình bị ổng bạt tai lây, làm ở đó sợ lắm" - Vy kể.
Khó khăn dồn dập, Vy còn bị ăn cắp xe, đó là lần đầu tiên cô gái trẻ đón tết xa quê... Rồi một ngày cô gái trẻ cũng thoát khỏi quán cũ và tìm được quán cà phê hiện tại, nơi có chủ quán và đồng nghiệp đối xử với cô như người nhà.
Gia đình có 5 chị em, mới 25 tuổi nhưng Vy lại là chị cả, mẹ thì đang thất nghiệp.
"Em muốn về lắm, nhưng về thì mấy đứa em sẽ khổ. Mấy đợt dịch quán đóng cửa, bán ế, gần tết đông khách trở lại mà giờ lại có dịch nữa. Bán được ngày nào hay ngày đó, có chút tiền gửi về cho mấy đứa nhỏ. Em mất tết rồi thì phải để cho tụi nhỏ có tết" - Vy trải lòng.
Năm thứ hai đón tết xa quê, Vy mong dịch sớm được kiểm soát để có thể kiếm thêm ít tiền, qua năm về quê Đắk Lắk thuê mặt bằng mở quán nhỏ, có tiền lo cho các em ăn học.
Trang FB thương nhớ con và động viên mọi người cố lên của chị Thu Hà
Không muốn tạo thêm áp lực cho y tế
Tết đến gần, nhưng dịch bệnh đã làm đổi thay kế hoạch bao người. Vào Gia Lai làm thuê, rồi làm dâu xứ người, chị Trần Thị Thanh Toan không khỏi nhớ quê hương Quảng Trị, nơi có cha mẹ già để nghĩ về.
Năm nay vụ mùa thất bát, giá cà phê hạ, nhưng vợ chồng chị Toan cũng chắt chiu được ít tiền để tính dẫn các con về đón tết với ông bà.
"Đặt vé hết rồi. Trông từ bữa đến chừ. Hai vợ chồng tranh thủ tưới ngày tưới đêm để về quê. Ao ước một năm mới được về mà chừ buồn thúi ruột vì dịch giã" - chị Toan rơm rớm nước mắt.
Dịch trở lại, Gia Lai và một số tỉnh thành khác đã phát hiện các ca dương tính COVID-19 trong cộng đồng, nếu về quê thì lòng chị Toan cũng không yên.
Biết tin gia đình sống ngay tâm dịch Chí Linh (Hải Dương), chị Nguyễn Thị Thu Hà đang làm việc ở một tiệm nối mi, làm móng tại Hà Nội bị cảm giác như ngồi trên đống lửa.
"Mình không muốn ăn tết xa nhà nhưng giờ phải vậy. Nếu về thì không biết bao giờ mới được lên lại. Chẳng may mình là người bị nhiễm hay ngược lại thì thêm áp lực cho y tế" - chị Thu Hà bày tỏ.
Đồng cảm, chị Thu Hà viết trên mạng xã hội động viên mọi người: "Gọi điện về con trai hỏi "mẹ ơi mẹ ở đâu?" mà buồn. Tết này không giống tết xưa rồi. Hết dịch, mẹ về với em bé nhé. Chí Linh cố lên! Việt Nam cố lên!".
Dịch bệnh, người ta hạn chế đi lại thì mạng xã hội chính là nơi để trò chuyện cùng nhau. Thời gian này, trên mạng truyền nhau thông điệp "ai ở chỗ nào thì yên chỗ đó", lời bài hát từ MV triệu view Đi về nhà được rapper Đen Vâu chế lại "Thành công, khoan hãy về. Thất bại, khoan hãy về... Không có việc gì, vậy thì khoan hãy về..." nhận được chia sẻ của hàng ngàn người.
Cực mấy cũng về
11h khuya cuối năm, TP.HCM se lạnh, chị Liễu (48 tuổi) ngồi bên đường, bào xoài, trộn với bánh tráng, trứng cút, rồi đưa cho chị Hiền đang ngồi xổm trên chiếc ghế đẩu nhỏ.
"Hôm nay không nhặt được nhiều ve chai, đói quá nên dừng ăn đại. 28 này tôi về, năm nay dịch không có tiền nhưng cũng về, bố mẹ ở quê, nhớ lắm" - chị Hiền nói về mong muốn sớm về quê Vĩnh Phúc, rồi ăn bánh tráng lót dạ ngon lành.
Hơn 15 năm gắn bó với thành phố, kiếm từng đồng với nghề bán bánh tráng trộn, tết cũng là dịp hiếm hoi chị Liễu được trở về An Nhơn, Bình Định. Chị Liễu kể hồi trước, lên Gia Lai hái cà phê thuê, nhưng người yếu nên mỗi lần phải kéo bạt chứa đầy trái cà phê không nổi.
Rồi may sao chị cũng vào được Sài Gòn, ngồi bán bánh tráng trộn ở chợ đêm Bến Thành cũng có đồng ra đồng vô.
"Đầu năm, mới vô bán được nửa tháng là có dịch, sợ chạy về Bình Định. Ở hơn 3 tháng, ngồi không hổng yên" - chị Liễu kể thêm thấy tình hình dịch tạm ổn, chị vô lại TP.HCM thì biết chợ đêm Bến Thành tạm ngừng hoạt động, vậy là chị dời gánh ra vỉa hè gần đó, bán từ 3h chiều đến 3h khuya, tờ mờ sáng quẩy gánh đi lấy thêm xoài, trứng cút, bánh tráng...
15 năm ròng rã làm ăn xa quê nhưng không có cái tết nào chị Liễu vắng nhà. "Bán năm nay không tiền, tôi lo lắm, may bữa hổm xin được vé từ thiện. Gần tết, thắc thỏm trông tới ngày về, tôi nhớ mấy đứa nhỏ lắm".
TTO - Hơn 300 sinh viên đã tập trung tại Trung tâm dịch vụ sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM gói bánh, thổi lửa và đóng gói thành những phần quà cho các sinh viên trên Chuyến xe đoàn viên và trẻ em ở Đắk Nông.
Xem thêm: mth.50840131140201202-ehn-eb-me-iov-ev-em-hcid-teh/nv.ertiout