Các phụ nữ nhóm Yarang vào rừng nhặt hạt cây - Ảnh: Instituto Socioambiental
Cứ mỗi buổi sáng, các bà các cô ở làng Moygu và làng Arayó thuộc khu bảo tồn Xingu tại bang Mato Grosso (Brazil) lại gom giỏ, túi, dao rựa, lấy nước và bánh beiju (bánh làm bằng bột khoai mì) rồi tập hợp lũ trẻ lại và theo lối mòn vào rừng.
Vào sâu trong rừng, họ tập trung dưới các tán cây rừng rậm rạp, dùng tay phủi lớp lá rụng tìm nhặt các loại hạt cây bản địa murici-da-mata, jatobá, leiteiro, carvoeiro, cafezinho do pasto, mamoninha, lobeira.
Giỏ đầy, họ rời khỏi rừng đến nhà hạt giống Phong trào Phụ nữ Yarang tọa lạc giữa hai làng. Tại đây họ dùng nia, rổ sàng sảy hạt cho sạch rồi phơi khô và bảo quản chờ mang đi bán.
Chúng tôi phải truyền dạy giá trị của hạt giống và giá trị của rừng.
MAGARÓ IKPENG
Nhặt từng hạt cây dưới tán rừng
65 thành viên Phong trào Phụ nữ Yarang thuộc Hiệp hội Mạng lưới hạt giống Xingu đã kiên trì vào các khu rừng rậm quanh làng để thu gom hạt cây bản địa từ hơn 10 năm nay. Các loại hạt rụng xuống đất vào nhiều thời điểm khác nhau nên công việc nhặt hạt cây của họ kéo dài quanh năm.
Tên Yarang của nhóm theo tiếng địa phương có nghĩa là kiến cắt lá.
Kore Ikpeng - một người trong nhóm - giải thích: "Chúng tôi làm việc như bầy kiến cắt lá, nghĩa là cùng làm việc, cùng thưởng thức hạt, đi lại trong rừng, thu lượm".
Các phụ nữ khu bảo tồn Xingu bán hạt giống cây bản địa đã thu nhặt cho các vườn ươm, các chủ đất ở vùng nông thôn và các tổ chức, cá nhân cần dùng để trồng lại những cánh rừng suy thoái ở đầu nguồn sông Xingu.
Những người cần hạt giống còn nhờ cậy họ hướng dẫn nên chọn hạt giống cây nào, cách trồng và dưỡng cây ra sao. Đến nay nhóm Yarang đã thu nhặt được 3,2 tấn hạt cây. Cả 1 triệu cây đã được trồng từ số hạt cây bản địa do nhóm thu nhặt.
Hiệp hội Mạng lưới hạt giống Xingu ra đời năm 2007 giữ vai trò quản lý và kinh doanh hạt giống cây bản địa của 15 nhóm với gần 600 người. Mạng lưới đã thu gom hơn 220 tấn hạt giống cây của 220 loài bản địa và hạt giống cây đã được trồng trên diện tích gần 6.000ha.
Trong thời gian đại dịch COVID-19, mạng lưới thông báo tạm dừng hoạt động thực địa để dân làng ai ở đâu thì ở đó tránh tiếp xúc với người khác.
Thông thường, công việc hằng ngày vào rừng nhặt hạt cây bản địa của nhóm Yarang kéo dài khoảng 6 tiếng. Ngoài thời gian này, các phụ nữ trong nhóm làm nhiều việc như bao phụ nữ khác là trồng trọt, bào rửa khoai mì, làm rượu beiju, nấu cơm, nướng cá và chăm sóc gia đình.
Công việc mang lại cho họ khoảng 20.000 USD thu nhập trực tiếp trong thập niên vừa qua.
Tuy nhiên họ làm việc không chỉ vì tiền. Dù lưu vực sông Xingu nằm ngoài khu bản địa Xingu nhưng con sông này lại chảy ngang qua làng họ sinh sống, do đó nạn phá rừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ. Góp phần trồng lại rừng chính là bảo vệ nhà cửa của họ.
Dannyel Sá - cố vấn của Hiệp hội Mạng lưới hạt giống Xingu - giải thích trên trang web Mongabay (Mỹ): "Mục đích của nhóm Yarang là trồng lại rừng ven sông Xingu và phục hồi tài nguyên rừng. Điều quan trọng đối với họ là cải thiện chất lượng nước và đất, bảo vệ dòng sông khỏi bị phù sa vùi lấp, mang lại thêm nhiều cây trái hơn cho cá, động vật và đấu tranh chống biến đổi khí hậu".
Dannyel Sá ghi nhận: "Họ chính là những người bảo vệ đa dạng sinh học và tiếng mẹ đẻ của cộng đồng. Họ còn là đại sứ cho mảnh đất họ sinh sống".
Magaró Ikpeng đại diện cho nhóm Yarang khẳng định: "Chúng tôi phải truyền dạy giá trị của hạt giống và giá trị của rừng. Chúng tôi phải bảo đảm thế hệ đời cháu chúng tôi có tương lai. Bạn sẽ chỉ đánh giá cao rừng nếu bạn xem rừng như cái gì đó tốt đẹp. Bằng như bạn xem rừng không có ý nghĩa thì rừng cũng không còn giá trị".
Chuyên gia phục hồi thảo nguyên Alexandre Sampaio - Ảnh: Daniel Vieira
Trồng cỏ chứ không phải trồng cây
Cách đây 6 năm, khi kiến trúc sư cảnh quan Mariana Siqueira chuyển từ Rio đến thủ đô Brasília, cô nhận ra mình đang sống giữa vùng sinh thái thảo nguyên (cerrado) lớn nhất thế giới và phong phú nhất thế giới về đa dạng sinh học (chiếm khoảng 5% đa dạng sinh học của thế giới), thế nhưng lại có nhiều thực vật và động vật đang biến mất nhanh chóng.
Đến khi khách hàng yêu cầu cô thiết kế một khu vườn trồng thực vật bản địa cerrado, cô đã bị sốc khi biết các vườn ươm giống cây hầu như chỉ tập trung vào các loài thực vật ngoại lai. Không còn vườn ươm nào trồng cỏ và cây bụi bản địa cerrado.
Mariana Siqueira cảnh báo: "Quần xã sinh vật cerrado không chỉ bị nông nghiệp, khai thác mỏ và chăn nuôi gia súc đe dọa mà còn đương đầu với mối đe dọa khác lớn hơn là mọi người cứ muốn trồng cây khắp nơi như thể chỉ có cây và rừng mới là biểu tượng tối cao của tự nhiên". Sai lầm khoa học nghiêm trọng này đang được nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận Restaura Cerrado điều chỉnh.
Restaura Cerrado là tổ chức hợp tác của Viện Bảo tồn đa dạng sinh học Chico Mendes (ICMBio) với Đại học Brasília và Mạng lưới hạt giống Cerrado và Embrapa (doanh nghiệp nghiên cứu nông nghiệp và chăn nuôi). Nhóm nghiên cứu muốn chứng minh phục hồi hệ sinh thái cerrado không nhất thiết phải trồng cây mà chỉ cần trồng cỏ.
Khu vực cerrado rộng khoảng 2 triệu km2, chiếm hơn 20% diện tích Brazil. Khác với tán rừng tươi tốt Amazon, 70% lượng carbon của khu vực được lưu trữ trong hệ thống rễ sâu và rối của các thảm cỏ vàng, cây héo úa và cây bụi thân gỗ mọc trên cerrado, vì vậy cerrado còn mang biệt danh "rừng dưới lòng đất".
Trước nay tại Brazil, các dự án phục hồi sinh thái và thiết kế cảnh quan chỉ chú ý trồng cây mà không quan tâm gì đến các loại cỏ và cây bụi đặc trưng của vùng thảo nguyên. Từ năm 2010, Alexandre Sampaio và kỹ sư lâm nghiệp Daniel Vieira tham gia dự án Restaura Cerrado đã thử nghiệm trồng cỏ bản địa.
Trong những năm đầu, họ quan sát cách thức tầng cây thân thảo bản địa hình thành, cách kiểm soát và ngăn chặn các loài cỏ xâm hại. Họ nhận ra để ngăn chặn các loài ngoại lai xâm lấn, cần phải dọn sạch đất và gieo thật nhiều loài cỏ bản địa tăng trưởng nhanh. Kỹ thuật mới đã giúp tỉ lệ nảy mầm cao và phát triển tốt.
Cơ hội áp dụng nghiên cứu nêu trên vào thực tế đã đến vào năm 2015 khi Công ty truyền tải điện Norte Brasil Transmissora de Energia ký hợp đồng với công viên quốc gia Chapada dos Veadeiros khôi phục 100ha đất suy thoái trong dự án xây dựng đường dây điện qua các bang.
Công viên quốc gia đã yêu cầu phải phục hồi thảm thực vật bản địa cerrado và áp dụng kỹ thuật mới của tổ chức Restaura Cerrado. Người của công ty điện lực ngỡ ngàng không hiểu vì sao lại trồng cỏ chứ không phải trồng cây.
Để có đủ hạt giống cỏ bản địa phục hồi 100ha, tổ chức Restaura Cerrado đã tập huấn cho 40 gia đình cách chuẩn bị hạt giống cỏ. Sau đó, nhu cầu hạt giống cỏ bản địa lớn đến nỗi đã có nhiều công ty giống cỏ ra đời.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy nền kinh tế phục hồi hạt giống bản địa ở Brazil có thể tạo ra 146 triệu USD mỗi năm và sử dụng tới 57.000 lao động.
Điều đáng nói là đến nay các tổ chức quốc tế, các chính phủ và các công ty trên thế giới vẫn tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến trồng cây mà ít chú ý đến trồng cỏ để phục hồi hệ sinh thái thảo nguyên.
Dù vậy, chuyên gia Alexandre Sampaio vẫn lạc quan rằng thế giới đang học cách đánh giá cao loại quần xã sinh vật độc đáo này. Trên thực tế, một số địa phương ở Brazil như quận liên bang Brazil đã làm thí điểm chỉ đạo các khu vực trước đây có cỏ phải trồng lại bằng cỏ bản địa thay vì trồng cây hoặc thực vật ngoại lai.
Kỳ tới: Trồng rừng chỉ bằng... con dao bỏ túi
Ông Tony Rinaudo đã phổ biến kỹ thuật trồng lại rừng bằng cách dưỡng chồi non từ gốc cây bị chặt. Phương pháp tái sinh rừng tự nhiên này rẻ tiền, hiệu quả và chỉ cần một con dao xếp bỏ túi.
TTO - Rừng Indonesia chiếm khoảng 2% độ che phủ rừng thế giới (gần 92 triệu ha). Trước đây "xứ sở vạn đảo" thường được nhắc đến với nạn phá rừng để sản xuất dầu cọ và khai thác gỗ xuất khẩu.