Trong 3 phiên giao dịch chứng khoán trở lại đây trên sàn HoSE, hiện tượng hiếm thấy đã xảy ra: Chỉ số VN30-Index đã vượt cao chỉ số chung VN-Index.
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 4.2, VN-Index mất 4,92 điểm lùi về mức 1.106,37 điểm, trong khi chỉ số VN30-Index của nhóm 30 cổ phiếu vốn hóa lớn mất 4,74 điểm và tạm đứng ở mức 1.113,24 điểm.
Trên thực tế, trong phiên giao dịch ngày 1.2, kết phiên VN30-Index ở mức 1.029,86 điểm, thấp hơn điểm số của VN-Index khi đó ở mức 1.035,51 điểm.
Song từ phiên giao dịch ngày 2.2 khi thị trường chứng khoán hồi phục trở lại, ngay trong phiên chỉ số VN30-Index đã cho thấy sự tăng tốc mạnh mẽ hơn so với chỉ số chung của thị trường là VN-Index. Kết phiên ngày hôm đó, trong khi VN-Index tăng 40,02 điểm lên mức 1.075,53 điểm thì VN30-Index tăng đến 49,84 điểm lên mức 1.079,7 điểm.
Tiếp đến phiên giao dịch ngày 3.2, VN-Index tăng 35,76 điểm lên mức 1.111,29 điểm; còn VN30-Index tăng 38,28 điểm lên mức 1.117,98 điểm, tạo ra khoảng cách hơn 6 điểm so với chỉ số chung.
Lâu nay, chỉ số HNX30-Index thường xuyên duy trì ở mức điểm cao hơn chỉ số HNX-Index. Song với bộ chỉ số thuộc VN-Index, tình trạng này ít khi xảy ra.
Theo bà Bùi Thị Kim – Trưởng phòng kinh doanh của Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN), vài năm trước diễn biến chỉ số VN30-Index cao hơn VN-Index đã từng xảy ra nhưng không duy trì được lâu.
Diễn biến này được bà Kim lí giải rằng, thỉnh thoảng chỉ số VN30-Index tăng tốc mạnh và nhanh hơn so với VN-Index là vì trong một phiên hoặc vài phiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đóng vai trò trụ thị trường và cũng tạo ra lực kéo mạnh trong các phiên tăng, với số điểm tăng cao hơn điểm số tăng của chỉ số chung VN-Index.
Với diễn biến chỉ số VN30-Index đang cao hơn chỉ số VN-Index trong hơn 2 phiên trở lại đây, câu chuyện liên quan tới nhịp hồi phục đang diễn ra và sự luân phiên tăng điểm đang quay trở lại với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn HoSE.
Và theo đó, giá trị thanh khoản của nhóm cổ phiếu này cũng chiếm tỉ trọng cao hơn rất nhiều so với những phiên trước đây: gần 52% thanh khoản toàn sàn trong phiên ngày 2.2 và xấp xỉ 58% thanh khoản toàn sàn trong phiên ngày 3.2. Trong khi ở nhiều phiên trước đó, tỉ trọng này thường ở mức thấp hơn 45% hoặc thỉnh thoảng có một số phiên ở mức trên 45% nhưng thấp hơn mức 50%.
Diễn biến mới này cũng phản ánh phần nào nhận định từ một số công ty chứng khoán đang đặt ra khả năng thị trường có thể bắt đầu một đợt sóng tăng giá mới, được gọi là sóng 5. Theo Công ty chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), đợt sóng này có thể đưa VN-Index chinh phục trở lại đỉnh 1.200 điểm.
Tuy nhiên thực tế phiên giao dịch ngày 4.2 cho thấy, phiên sáng thị trường diễn biến rung lắc khá mạnh, dao động từ mức tăng hơn 6 điểm xuống đến giảm hơn 7 điểm. Theo nhận định trước đó của YSVN, khả năng rung lắc, điều chỉnh có thể xảy ra khi VN-Index thử thách ngưỡng kháng cự khá mạnh 1.120 điểm trong phiên hôm nay ngày 4.2.
Xu hướng ngắn hạn của thị trường đang được nâng từ mức giảm lên mức trung tính. Tuy nhiên, thị trường chỉ còn vài phiên nữa là nghỉ Tết Nguyên đán, khó có thể diễn ra các phiên biến động mạnh hay đột phá, thay vào đó khả năng cao là diễn biến lình xình, đi ngang.
Xem thêm: odl.634778-xedni-nv-noh-oac-gnad-xedni-03nv-ihk-ar-yax-ig-ueid-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.gnodoal