Ngày 3-2, quân đội Myanmar ra thời hạn 24 giờ cho các nghị sĩ mới được bầu rời khỏi thủ đô Naypyitaw, mặc dù ban đầu quân đội cho phép các nghị sĩ ở đến ngày 6-2, tờ The Irrawaddy của Myanmar đưa tin.
Các nghị sĩ Myanmar vừa được bầu trong cuộc bầu cử tháng 11-2020 đến thủ đô Naypyitaw để tham dự phiên họp đầu tiên của quốc hội mới dự kiến diễn ra ngày 1-2. Tuy nhiên chính biến xảy ra vài giờ trước khi phiên họp bắt đầu và các nghị sĩ đươc yêu cầu ở lại tại nhà khách chính phủ.
Nghị sĩ U Aung Kyi Nyunt của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) cho biết, vào sáng 3-2, quân đội Myanmar đã yêu cầu họ rời khỏi thủ đô Naypyitaw trong vòng 24 giờ và quân đội sẽ điều các xe tải để đưa các nghị sĩ đi.
Xe bọc thép của quân đội Myanmar di chuyển trên đường phố. Ảnh: REUTERS
Trước đó, NLD đã sắp xếp để các nghị sĩ ở lại cho đến ngày 6-2. Tuy nhiên, quân đội tiếp tục yêu cầu các nghị sĩ rời khỏi thủ đô Naypyitaw sau khi xuất hiện lời kêu gọi "triệu tập phiên họp quốc hội" tại nhà khách chính phủ do số nghị sĩ vượt quá yêu cầu tối thiểu để tổ chức một phiên họp hợp lệ.
Ông U Aung Kyi Nyunt cho biết các nghị sĩ sẽ rời khỏi thủ đô Myanmar và "đã có một kế hoạch".
Hạ nghị sĩ Sai Thiha Kyaw - thành viên thuộc Liên đoàn Các dân tộc vì Dân chủ ở bang Shan, Myanmar - cho biết đã rời khỏi thủ đô và quay về quê nhà. Hạ nghị sĩ cho biết thêm rằng đảng sẽ họp để quyết định các bước đi tiếp theo.
"Với tư cách là nghị sĩ được bầu, tôi sẽ làm theo nguyện vọng của các cử tri của mình" - Hạ nghị sĩ Sai Thiha Kyaw cho hay.
Trước đó, vào ngày 1-2, quân đội Myanmar đã bất ngờ bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống Win Myint cùng một số lãnh đạo cấp cao khác thuộc đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do cáo buộc “gian lận bầu cử”. Sau đó, cảnh sát Myanmar đệ đơn cáo buộc bà bà Suu Kyi bị nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và bị giam giữ đến ngày 15-2 để điều tra. Nếu bị kết tội, bà có thể sẽ phải lãnh mức án lên đến ba năm tù.
Cuộc chính biến tại Myanmar trong những ngày vừa qua đang thu hút sự chú ý cũng như vấp phải làn sóng lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.