Giá vàng liên tục xô đổ những kỷ lục!
Thời gian qua, giá vàng liên tục "lập đỉnh" những kỷ lục mới, đẩy giá lên không tưởng. Đỉnh điểm, ngày 02/3/2024, giá vàng miếng SJC lần đầu chạm ngưỡng 81 triệu đồng/lượng sau khi giá vàng thế giới tăng gần 40 USD/ounce, kéo theo là giá USD cũng tăng cao.
Đây là mức giá kỷ lục của vàng miếng SJC sau bao nhiêu năm độc quyền. Trước đó, những ngày cuối năm 2023, giá vàng SJC cũng "nhảy múa" dữ dội, đỉnh điểm là ngày 02/12/2023, giá vàng miếng SJC từng có lúc tăng lên đến 80,3 triệu đồng/lượng trước khi lao dốc ngay sau đó.
Và cũng từ đó giá vàng miếng SJC tăng giảm gần như bất định, đẩy cách biệt giữa thị trường trong nước và thế giới ngày càng lớn, có khi lên đến hơn 20 triệu đồng/lượng. Ngày 26/12/2023, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và chỉ tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước vẫn tiếp tục tăng 2 triệu đồng/lượng và xô đổ các kỷ lục trên 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn giá thế giới 20 triệu đồng/lượng.
Trước tình hình đó, trưa 28/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1426 chỉ đạo về các giải pháp quản lý thị trường vàng và yêu cầu không để "vàng hóa" nền kinh tế, đánh giá lại thị trường vàng thương hiệu SJC. Và ngay lập tức giá vàng tụt dốc... Tuy nhiên công điện của Thủ tướng chỉ có giá trị tức thì lúc đó và những ngày tiếp theo giá vàng SJC vẫn neo quanh mốc 80 triệu đồng/lượng, tiếp tục "nhảy múa". Ước tính, trong 2 tuần mỗi lượng vàng miếng SJC đã tăng 4 triệu đồng. Tình hình giá vàng như vậy gây tâm lý bất ổn, có thể tác động tiêu cực đến tỉ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1426, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng. Lúc đó, giải thích nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế nhưng giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn.
Theo ông Phạm Thanh Hà, trong quý I/2024 NHNN sẽ có báo cáo tổng kết Nghị định 24/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Hơn 14 năm qua, việc kinh doanh vàng chi phối bởi Nghị định 24/2012. Nghị định này chủ yếu chống "vàng hóa" nền kinh tế khi đó, xem vàng miếng SJC là sản phẩm độc quyền của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn. Các DN, các cửa hàng kim hoàn kinh doanh vàng miếng hiện nay thực chất chỉ là người bán hàng cho SJC và chỉ hưởng hoa hồng.
Nghịch lý là trong khi đó SJC cũng không có nguồn hàng nhiều để bán, vì từ sau khi Nghị định 24/2012 có hiệu lực cho đến nay, NHNN không cho nhập thêm vàng và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn cũng không được dập thêm vàng mới mà chỉ gia công một số lượng vàng bị móp méo, nên số lượng tung ra thị trường rất ít, chủ yếu mua đi bán lại. Đó là lý do khi giá vàng tăng lên, người dân đi mua nhiều, cung thấp hơn cầu làm cho tình trạng khan hàng, cháy hàng diễn ra, khiến giá vàng SJC tăng cao và khi người dân thấy giá vàng cao lại đổ xô đi bán nên giá vàng lại xuống thấp.
Từ đó đến nay giá vàng SJC vẫn "nhảy múa" liên tục, và cứ mỗi lần như vậy NHNN đều đem thông tin sẽ sửa đổi Nghị định 24/2012 để "ghìm cương" thị trường nhưng giá vàng vẫn tiếp tục biến động dữ dội.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước khi sửa đổi Nghị định 24?
Đầu tháng 3/2024, NHNN đã có tờ trình đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao NHNN làm đầu mối phối hợp với các bộ, ngành chức năng có liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp theo quy định tại Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng.
Đồng thời, NHNN cũng phối hợp với Bộ Công an thực hiện thanh tra, kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng, thống nhất với Bộ Công an các giải pháp quản lý thị trường vàng trong Quý I/2024 và sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để trình Chính phủ trong thời gian tới.
Còn nhớ, tại cuộc họp báo hôm 03/01/2024, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam khẳng định: "Nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng, nhất là vàng miếng, nhưng luôn luôn tôn trọng quyền cất trữ, mua bán vàng miếng của người dân. Nhà nước cũng không bảo hộ giá cả cho kinh doanh vàng miếng và không chấp nhận sự chênh lệch giá trong nước cao hơn thế giới 20 triệu đồng/lượng như vừa qua; không chấp nhận vàng SJC cao hơn các vàng khác đến nhiều triệu đồng một lượng. Tất cả những vấn đề tồn tại này sẽ được xử lý với Nghị định 24/2012 sửa đổi trong thời gian tới".
Trước đó, cuối tháng 12/2023, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Quản lý ngoại hối (NHNN) cho rằng NHNN đã sẵn sàng tăng cung vàng miếng SJC ra thị trường để can thiệp bình ổn thị trường nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Đào Minh Tú cũng có nhắc đến ý kiến các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc xem xét vàng miếng SJC, có thể có những loại vàng khác, thương hiệu khác. Chưa rõ ý kiến chốt của NHNN về vấn đề này như thế nào, nhưng trên thị trường có độc quyền thì người tiêu dùng chẳng được lợi.
Có thể đó là quan điểm của NHNN khi sửa đổi Nghị định 24/2012, khi mà cơ quan quản lý nhà nước đã thấy rõ những bất cập về giá vàng và nhiều vấn đề về lưu thông, kinh doanh vàng trong nước, so với thị trường vàng thế giới.
Vàng là loại hàng hóa được Nhà nước quản lý chặt chẽ, chỉ có NHNN mới được phép xuất nhập khẩu vàng. Buôn bán vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, không thuộc mặt hàng cần bình ổn giá. Về mặt pháp lý NHNN không can thiệp vào giá vàng. Giới đầu tư vàng trong nước từ hơn 11 năm qua phải luôn luôn nhìn về vàng miếng SJC - doanh nghiệp duy nhất được Nhà nước giao sản xuất độc quyền vàng miếng bán trong nước, dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, trong hoạt động kinh doanh vàng miếng, khi người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng đều như nhau.
Trên thực tế Việt Nam không có một thị trường vàng, không phải là một thị trường tự do, không có thị trường vàng mở, lệ thuộc gần như hoàn toàn vào SJC. Thấy rõ bất cập này, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhiều lần kiến nghị NHNN cho nhập nguyên liệu về để sản xuất vàng nhẫn, nữ trang, từ đó sẽ làm giảm nhu cầu vàng miếng, nhưng đề nghị này chưa bao giờ được chấp nhận.
Các chuyên gia về tài chính, tiền tệ cho biết việc giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn 9999 tăng dồn dập trong những ngày gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó giá vàng thế giới tăng mạnh, giá USD tự do tăng, lãi suất huy động xuống thấp và đặc biệt là từ khi có công điện của Chính phủ đến nay thị trường vàng vẫn chưa thấy động thái can thiệp từ cơ quan quản lý.
Các chuyên gia tài chính quốc tế dự đoán giá vàng thế giới trong tuần này sẽ tiếp tục tăng. Mức kháng cự chính tiếp theo là 2.088 USD/ounce. Đồng thời, thị trường có thể tăng đáng kể nếu đà tăng kéo dài. Các chuyên gia dự báo giá vàng có thể tăng lên tới 2.255 USD/ounce.
Và tất nhiên giá vàng trong nước sẽ tăng theo và mức chênh lệch cũng rất cao, vì đến nay vẫn chưa thấy động thái can thiệp cụ thể nào của các cơ quan quản lý nhà nước!
Nên thành lập sàn giao dịch vàng
Ngày 25/01/2024, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững", với sự tham dự của các vị khách mời là đại biểu Quốc hội, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp để hệ thống hóa, phân tích, kiến giải, luận bàn... về các giải pháp quản lý thị trường vàng.
Tại hội thảo, các đại biểu tán thành việc nên thành lập Sàn giao dịch vàng để quản lý thị trường vàng minh bạch, hiệu quả, theo đúng xu hướng của thế giới.
Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, vàng là một loại hàng hóa rất đặc biệt, có chức năng tích trữ, bảo toàn giá trị, chứ không chỉ đơn thuần để sản xuất đồ trang sức. Người dân Việt Nam, với tâm lý phòng ngừa rủi ro, dự phòng cho tương lai và tích trữ nên dẫn đến nhu cầu sở hữu, mua, bán vàng miếng rất cao.
Cũng theo ông Cường, khi đưa vàng vào giao dịch trên thị trường, khớp lệnh công khai, bất kể người nào tham gia sẽ biết ngay thị trường có bao nhiêu người bán, mua... Thông tin minh bạch giúp người tham gia vào thị trường này đưa ra các quyết định sáng suốt hơn, đặc biệt Nhà nước kiểm soát tốt hơn.
Một điểm quan trọng nữa, nếu chúng ta có thị trường vàng giao dịch tài khoản trên sàn thì việc liên thông trên thị trường thế giới sẽ dễ dàng, không nhất thiết phải nhập khẩu về mà có thể đặt lệnh mua bán là trao đổi được ngay vàng thế giới, việc đó tạo ra cân bằng giá với thị trường giao dịch thế giới.
Theo ông Cường, khi thành lập sàn vàng cần tính tới mô hình sẽ như thế nào, cấp độ sàn sơ cấp chỉ có một số nhà kinh doanh rất chuyên nghiệp mới giao dịch ở đó và thông qua liên thông quốc tế; còn sàn thứ cấp dành cho mua bán lẻ, có thể mua bán tự do trong nước, để chúng ta phòng ngừa rủi ro.
Xem thêm: lmth.145951_oig-oab-ned-aum-yahn-noc-gnav-aig/gnourt-iht/nv.moc.nagnoc