Nhiều doanh nghiệp ngành cao su đã sớm đặt mục tiêu lợi nhuận cho năm 2021 như Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà, Công ty Cổ phần cao su Tây Ninh...
MỤC TIÊU LỢI NHUẬN THẬN TRỌNG
Lợi nhuận năm 2020 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) tăng trưởng so với 2019 nhờ một phần lớn từ việc thoái vốn từ hàng loạt các khoản đầu tư. Luỹ kế cả năm 2020, doanh thu thuần GVR đạt 21.171 tỷ, lợi nhuận sau thuế thu về 5.230 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2019.
Năm 2021, GVR dự báo tiếp tục là một năm khó khăn nhất là đối với hoạt động khai thác mủ cao su, lĩnh vực kinh doanh chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất Tập đoàn do giá bán cao su vẫn ở mức thấp, khối sản phẩm gỗ và công nghiệp cao su tiếp tục chịu áp lực cạnh tranh gay gắt; khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất… Từ năm 2021 trở đi, các dự án tái canh trồng cao su không được miễn tiền thuê đất trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản.
Từ những khó khăn đó, GVR đặt mục tiêu doanh thu và thu nhập khác hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 27.100 tỷ đồng, tăng 28%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế đạt 4.600 tỷ đồng giảm 12% so với năm 2019.
Công ty Cổ phần Cao su Phước Hoà (PHR) năm 2021 đặt mục tiêu sản lượng khai thác 9.600 tấn (giảm 17%); sản lượng thu mua 12.000 tấn (giảm 40%); sản lượng chế biến 21.600 tấn tương đương với năm 2020; sản lượng tiêu thụ 33.999 tấn tăng 7%, giá bán bình quân 34,08 triệu đồng/tấn (tăng so với năm 2020 là 33,35 triệu đồng/tấn).
Trên cơ sở đó, chỉ tiêu tổng doanh thu công ty mẹ 1.921 tỷ đồng giảm gần 14%; lợi nhuận trước thuế 750,76 tỷ đồng giảm gần 35% so với thực hiện năm 2020.
Tương tự tại Công ty Cổ phần cao su Tây Ninh (TRC), ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, năm 2021 công ty tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, từ năm 2021, công ty không còn được miễn tiền thuê đất đối với diện tích tồng cao su trong thời gian kiến thiết cơ bản. Chi phí đầu tư đối với vườn cây kiến thiết cơ bản từ năm 2021 trở đi sẽ tăng cao, cả kể vườn cây tái canh năm 2020 trở về trước mà đến năm 2021 vẫn còn trong thời gian kiến thiết cơ bản.
Bên cạnh đó, đơn giá thuê đất của công ty được điều chỉnh cho chu kỳ 05 năm (2020 - 2024) có mức tăng quy đổi bình quân là 1,5 triệu đồng/tấn sản phẩm được phân bổ trong giá thành sản phẩm, việc tăng chi phí cố định này dẫn đến giá thành tăng từ 29,5 triệu đồng/tấn lên hơn 31 triệu đồng/tấn.
Trong kế hoạch năm 2021, TRC đã hạ chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt gần 30% và 48% so với kết quả thực hiện trong năm 2020, xuống còn 301,4 tỷ đồng và 57 tỷ đồng.
TRC cho biết, hiện tại nguồn lợi nhuận từ hoạt động thanh lý cao su là nguồn lợi nhuận chính của công ty, chiếm 66% lợi nhuận của công ty. Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động này tại công ty là 20%. Từ năm 2019 tất cả các công ty cao su gặp khó do suy thoái kinh tế lại chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Do đó, kiến nghị Tập đoàn Cao su Việt Nam làm việc với các bộ ngành liên quan giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động thanh lý cao su mức 10% như thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh mủ cao su khai thác.
XUẤT KHẨU ĐỐI DIỆN NHIỀU THÁCH THỨC
Theo số liệu thống kê liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cao su năm 2020 đạt 1,75 triệu tấn, trị giá 2,38 tỷ USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với năm 2019. Giá bình quân xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2020 ở mức 1.363 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2019.
Năm 2020, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 77,88% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, đạt 1,36 triệu tấn, trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 17,3% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với năm 2019; giá xuất khẩu bình quân tới thị trường Trung Quốc đạt 1.343 USD/tấn, tăng 0,6% so với năm 2019.
Chỉ số xuất khẩu cao su Việt Nam tháng 1/2021 tăng mạnh 25,9% so với cùng kỳ năm trước, theo báo cáo từ Cục Xuất khẩu, Bộ Công Thương. Trong 10 ngày giữa tháng 1/2021 giá cao su trên thị trường châu Á tăng do các nhà đầu tư kỳ vọng về sự phục hồi nền kinh tế vững chắc của Trung Quốc. Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 18/1/2021, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 3/2021 giao dịch ở mức 14.775 NDT/tấn (tương đương 2,28 USD/tấn), tăng 0,1% so với 10 ngày trước đó và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Những tín hiệu này dự báo triển vọng một năm tích cực cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Tuy vậy, theo giới chuyên môn sẽ còn nhiều thách thức trong năm 2021 khi tình hình xuất khẩu bị hạn chế trong bối cảnh thị trường thiếu container để vận chuyển. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất - Trung Quốc có dấu hiệu chậm lại do nước này đã mua mạnh trong những quý cuối cùng của năm 2020.
Trên thế giới, mặc dù nhiều nước đã triển khai tiêm vaccin nhưng tình hình dịch bệnh quay trở lại với biến chủng mới tốc độ siêu lây nhiễm áp lực lên các ngành sản xuất trong đó có ôtô, do đó thị trường xuất khẩu cao su còn nhiều khó khăn, trắc trở trong năm 2021.
Xem thêm: mth.63635957140201202-1202-nahk-ohk-neid-nahn-us-oac-peihgn-hnaod/nv.ymonocenv