Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi của Myanmar - Ảnh chụp màn hình
Ngày 4-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu các tướng lĩnh quân đội Myanmar "từ bỏ quyền lực" và yêu cầu trả tự do cho các lãnh đạo dân sự bị bắt trong cuộc đảo chính (theo cách gọi của truyền thông phương Tây) ở Myanmar hôm 1-2, theo Hãng tin Reuters.
"Có thể điều này là không còn nghi ngờ gì nữa: Trong một nền dân chủ, vũ lực không bao giờ nên tìm cách thắng ý chí của người dân hoặc nỗ lực xóa bỏ kết quả của một cuộc bầu cử đáng tin" - ông Biden phát biểu từ Washington D.C, trong bài phát biểu chính sách ngoại giao quan trọng đầu tiên với tư cách tổng thống.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Quân đội Myanmar nên từ bỏ quyền lực mà họ đã chiếm lấy, trả tự do cho các quan chức và nhà hoạt động mà họ đã bắt giữ, dỡ bỏ các biện pháp hạn chế về viễn thông và tránh bạo lực".
Tuyên bố của Tổng thống Biden được đưa ra khoảng vài giờ sau khi cố vấn an ninh quốc gia của ông - Jake Sullivan - nói rằng Nhà Trắng đang xem xét áp trừng phạt lên cả các cá nhân và thực thể do quân đội Myanmar kiểm soát, nhưng không nêu chi tiết.
Hôm 1-2, Tổng thống Win Myint, Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các nhân vật khác của Đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) đã bị quân đội Myanmar bắt. Bà Aung San Suu Kyi đã không xuất hiện công khai kể từ đó.
Quân đội Myanmar tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp tại nước này trong một năm và tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tạm thời nắm quyền điều hành đất nước.
Theo Hãng tin AFP, Mỹ phát cảnh báo trên sau khi các tướng quân đội Myanmar lệnh cho các nhà cung cấp Internet hạn chế truy cập Facebook hôm 4-2, trong bối cảnh người dân Myanmar lên mạng xã hội này để bày tỏ phản đối cuộc đảo chính.
Trong diễn biến liên quan, thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Ben Cardin và thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Todd Young cho biết sẽ trình dự luật kêu gọi quân đội Myanmar lùi bước và bày tỏ ủng hộ chính quyền ông Biden gây sức ép thả bà Aung San Suu Kyi.
TTO - Một nhóm người tụ tập tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, để phản đối cuộc đảo chính của quân đội nước này. Họ truyền thông điệp: "Người dân phản đối quân đội đảo chính", "Hãy thả những lãnh đạo bị bắt"...
Xem thêm: mth.23452026050201202-cul-neyuq-ob-ut-ramnaym-iod-nauq-uac-uey-nedib-gno/nv.ertiout