vĐồng tin tức tài chính 365

3 điểm nóng định hình chính sách Bắc Kinh của ông Biden

2021-02-06 07:07

Trước khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, nhiều người nghĩ rằng căng thẳng Mỹ - Trung sẽ hạ nhiệt sau khi Mỹ có tổng thống mới. Tuy nhiên, những động thái từ cả Mỹ và Trung Quốc (TQ) những ngày qua cho thấy suy đoán này có vẻ đã sai.

Chỉ hai ngày sau khi ông Biden nhậm chức, hôm 22-1, TQ thông qua luật hải cảnh cho lực lượng chấp pháp quyền nổ súng vào tàu nước ngoài. TQ cũng điều hàng chục máy bay áp sát Đài Loan cùng thời gian nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông.

Đài CNN dẫn nhận định của giới phân tích rằng những động thái này chỉ là khởi đầu cho mối quan hệ không êm đẹp của Washington và Bắc Kinh trong thời gian tới, cũng như định hình chính sách của ông Biden với TQ. Tương lai quan hệ này phụ thuộc nhiều vào ba mặt trận đối đầu chính là Biển Đông, Đài Loan và mạng lưới các đồng minh - đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

3 điểm nóng định hình chính sách Bắc Kinh của ông Biden - ảnh 1
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (giữa), tàu tuần dương USS Bunker Hill (trái) và tàu khu trục USS John Finn (phải) của Hải quân Mỹ đi qua Thái Bình Dương hôm 15-1 trên hải trình tiến vào Biển Đông. Ảnh: SCMP/US NAVY

Biển Đông: Tiếp tục chính sách xuyên suốt

Với yêu sách chủ quyền vô căn cứ, TQ muốn độc chiếm gần như toàn bộ Biển Đông. TQ bồi lấp, xây đảo nhân tạo, làm đường băng, triển khai vũ khí tới các thực thể mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, cũng như gây rối các nước có lợi ích hợp pháp trong khu vực. Năm ngoái, Mỹ đã chính thức bác bỏ các yêu sách phi lý này của TQ.

Các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông là chính sách xuyên suốt từ thời Tổng thống Barack Obama (khi ông Biden làm phó tổng thống) đến tổng thống vừa mãn nhiệm Donald Trump. Tàu chiến Mỹ còn đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo TQ xây dựng phi pháp, cũng như tập trận chung với các đồng minh khu vực. Năm ngoái, Mỹ thậm chí điều hai nhóm tác chiến tàu sân bay cùng lúc vào tập trận ở Biển Đông.

Giới phân tích quốc tế, bao gồm truyền thông TQ, cho rằng sự cứng rắn trong chính sách của Mỹ về Biển Đông sẽ không thay đổi dưới thời ông Biden. Có thể thấy tín hiệu này từ việc Mỹ đưa nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông hôm 23-1.

Lầu Năm Góc sẽ tập trung chứng minh cho TQ, hay bất kỳ kẻ thù nào, thấy đối đầu với quân đội Mỹ là “một ý tưởng cực kỳ tệ hại”.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng MỹLLOYD AUSTIN 

Đài Loan: Mỹ không đứng nhìn

Ngày 23 và 24-1, TQ cho 28 lượt máy bay quân sự áp sát Đài Loan. Cựu quan chức tình báo của hải quân Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - ông Carl Schuster cho rằng TQ muốn dùng một loạt phép thử để xác định “lằn ranh đỏ” của chính quyền ông Biden.

Với chính sách “một TQ”, Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh và nhiều lần đe dọa dùng vũ lực để tái thống nhất, chống lại các nỗ lực ly khai. Hôm 28-1, Bộ Quốc phòng TQ nghiêm khắc cảnh báo rằng “sự độc lập của Đài Loan đồng nghĩa chiến tranh”.

Trong tuyên bố đầu tiên về vấn đề Đài Loan, chính quyền ông Biden ủng hộ sáng kiến “đối thoại thực chất” của Đài Loan, kêu gọi Bắc Kinh từ bỏ các áp lực kinh tế, ngoại giao, quân sự nhắm vào hòn đảo này. Ngày 4-2, lần đầu tiên sau khi ông Biden nhậm chức, hải quân Mỹ đưa tàu khu trục USS John McCain đi qua eo biển Đài Loan. Các động thái này là dấu hiệu cho thấy ông Biden khả năng theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn về vấn đề Đài Loan, vì nếu chính quyền ông Biden chọn im lặng thì TQ có lý do để tin rằng Mỹ sẽ không hành động dứt khoát ngay cả khi TQ tấn công Đài Loan, theo tờ Nikkei Asia Review.

Mạng lưới đồng minh - đối tác: Mỹ được giúp sức

Nhật được coi là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 28-1, ông Biden khẳng định Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ Tokyo bảo vệ quần đảo Senkaku - khu vực Nhật đang tranh chấp với TQ. Năm ngoái, TQ đã gia tăng gây hấn khi cho các tàu hải cảnh áp sát nhóm đảo Senkaku trong thời gian dài kỷ lục. Hiện nay, với việc thông qua luật hải cảnh hôm 22-1, Bắc Kinh có thể sẽ còn hung hăng hơn nữa trên biển.

Thời gian qua Nhật đã thắt chặt quan hệ với tất cả nước khác quanh Biển Đông trừ TQ. Mỹ được cho là hưởng lợi từ việc này và do đó ông Biden có thể tận dụng mạng lưới đồng minh và đối tác trên để đối phó TQ. Mỹ còn có thể triển khai quân từ các căn cứ ở Nhật và đảo Guam tới các điểm đóng quân nhỏ hơn trong khu vực theo như đề xuất của ông Kurt Campbell - người được ông Biden cho vị trí cố vấn cấp cao về chính sách châu Á.

Ngay sau khi nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lần lượt điện đàm với người đồng cấp ba đồng minh khác của Mỹ trong khu vực là Philippines, Thái Lan và Úc để tái khẳng định quan hệ đồng minh.

Bên cạnh đó, các đồng minh châu Âu được cho là có thể giúp Mỹ củng cố mạng lưới đồng minh và đối tác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Anh tuyên bố sẽ gửi nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth, trong khi Đức đang lên kế hoạch gửi tàu khu trục đến khu vực trong vài tháng tới. Pháp có vẻ sẽ tham gia tập trận đổ bộ với Mỹ, Nhật trong năm nay.

Các nước đứng giữa mâu thuẫn Mỹ - Trung

Theo cựu đại tá hải quân Mỹ Carl Schuster, các nước trong khu vực có thể hài lòng khi Mỹ hiện diện và kiềm chế TQ, song không muốn phải chọn lựa giữa hai siêu cường này. Nhiều chuyên gia khác đồng quan điểm, cho rằng dù tăng cường quan hệ với Mỹ, các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ không hoàn toàn rời bỏ gã khổng lồ láng giềng là TQ.

Các chuyên gia lưu ý rằng TQ là nước có chi tiêu quân sự cao thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Mỹ. Bắc Kinh được cho là muốn gửi thông điệp tới các nước trong khu vực rằng Mỹ có thể đưa quân tới nhưng cũng có thể rút lực lượng đi, chỉ có TQ là nhân tố tác động xuyên suốt tới môi trường an ninh khu vực.

Chuyên gia Sidharth Kaushal thuộc Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) cho rằng trước các thông điệp ngày càng rõ ràng của Bắc Kinh, Washington phải chứng minh cho các đồng minh rằng sự hiện diện của Mỹ không chỉ là nhất thời và Mỹ sẵn sàng hỗ trợ đồng minh nhanh nhất có thể.

Một số nhà phân tích lạc quan rằng vẫn có lý do để trông chờ một TQ ít hung hăng hơn, ít nhất là trong năm 2021. Bắc Kinh có thể tập trung nhiều hơn vào các vấn đề đối nội, tránh xung đột với bên ngoài để chuẩn bị kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản TQ. 

Xem thêm: lmth.531669-nedib-gno-auc-hnik-cab-hcas-hnihc-hnih-hnid-gnon-meid-3/et-couq/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“3 điểm nóng định hình chính sách Bắc Kinh của ông Biden”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools