Một buổi chiều thứ 4 đẹp trời hồi giữa tháng 1/2021, tôi nhận được một cuộc gọi. Người ta thông báo rằng đã có nhân viên tại một bệnh viện ở Thượng Hải dương tính với Covid-19. Chỉ vậy thôi là đủ để khiến tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc, leo lên chiếc xe đạp và hớt hải chạy về văn phòng.
Trước ngày 20/1, Thượng Hải đã trải qua 2 tháng không ghi nhận ca nhiễm nào ngoài cộng đồng. Ổ dịch gần nhất đã xảy ra vào tháng 11/2020, và nó cũng nhanh chóng được kiểm soát chỉ sau 7 ca nhiễm. Nhưng thành công trong quá khứ chẳng phải là thứ bảo hiểm của tương lai. Ca nhiễm mới nghĩa là một trận chiến mới, dù kẻ thù vẫn cũ.
Nhân viên y tế phải hỏi người dân một cách chi tiết về lịch trình di chuyển của họ
Tôi là Pan Hao, nhà điều tra dịch tễ suốt hơn 2 thập kỷ qua. Ban đầu là tại tỉnh Giang Tô, rồi chuyển đến Thượng Hải từ năm 2008. Trong 22 năm hành nghề, tôi hiểu rằng đây là một công việc khá lặng lẽ. Trước đại dịch, người ta thậm chí còn chẳng biết nghề của tôi tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi và các đồng nghiệp kém bận rộn. Chúng tôi đã phải thường xuyên truy vết và điều tra với rất nhiều ổ dịch suốt nhiều năm qua, từ bệnh cúm cho đến dịch chân tay miệng, rồi E. coli...
Còn giờ, mọi người biết đến chúng tôi là những nhà "lần vết tiếp xúc", trong trang phục bảo hộ và mang theo nhiệm vụ truy vết từng ổ dịch trong nước, kể cả khi phải xâm phạm đến đời tư của người khác. Nhưng thực ra, công việc của chúng tôi cũng không khác biệt quá nhiều so với trước đại dịch. Cái thay đổi chỉ là sự chú ý - chúng tôi nhắm đến chủng bệnh mới, còn công chúng thì biết đến chúng tôi mà thôi.
Khó hơn án mạng
Tôi thích so sánh công việc của mình với một thám tử cảnh sát. Họ phá án, chúng tôi phá các ổ dịch. Cả hai công việc đều đòi hỏi phải định danh và xác định vị trí của tất cả những người liên quan, dựng lại những gì đã xảy ra, rồi bảo vệ công chúng khỏi kẻ thủ ác (với chúng tôi là virus). Có lẽ là hơi thiên vị, nhưng quả thực với tôi công việc này còn khó hơn phá án mạng. Xét cho cùng, án mạng cũng chỉ liên quan đến vài người. Chúng tôi phải lần theo hàng chục, hàng trăm người cho mỗi ca nhiễm bệnh.
Điều này cần rất nhiều kiên nhẫn. Mùa xuân năm 2020, khi làn sóng lây nhiễm tại Trung Quốc đạt đỉnh, tôi và các đồng nghiệp được giao nhiệm vụ truy vết hai ổ dịch ở 2 quận khác nhau, và chúng nằm ở 2 đầu thành phố. Dù đã rất nhanh chóng giải quyết, nhưng cũng phải mất tới hàng tuần truy tìm, thử nghiệm rồi thất bại trong việc xác định bệnh nhân đầu tiên của ổ dịch. Trong cả hai khu vực, bệnh nhân số 0 đều là người già, và họ đều gặp khó khi phải nêu rõ lịch trình hoạt động của mình.
Thực sự là rất mệt mỏi. Chúng tôi không có manh mối, trong khi sếp dồn áp lực từng ngày. Nhưng rốt cục, chúng tôi cũng lần ra được ổ bùng phát nằm ở một hội nghị, khi mọi manh mối đều dẫn đến đó. Đặt cả hai ổ dịch lên so sánh, chúng tôi nhận ra 2 bệnh nhân số 0 đều từng ở đó. Vậy là dù họ sống ở những nơi hoàn toàn biệt lập, họ vẫn biết nhau, và lây bệnh được cho nhau.
Dẫu vậy, vẫn chẳng thể biết được bệnh nhân đầu tiên nhiễm bệnh như thế nào cả.
Vậy là chúng tôi lại mất thêm 1 tuần, với hàng tá cuộc gọi cho bệnh nhân, thân nhân và hơn 100 người khác nữa, cho đến khi các đồng nghiệp tìm ra manh mối rằng người này rất thích đi bơi. Chúng tôi xác định được bể bơi ông thường xuyên lui tới thông qua một người khác (người này cũng nhiễm Covid-19). Từ đây, dấu vết lần đến một người bạn của ông, rồi sang thêm một ổ dịch của tỉnh lân cận.
Chỉ đến đây, cuộc điều tra mới chính thức kết thúc!
Rất nhiều khó khăn
Tính đến ngày 4/2, có 21 ca dương tính với Covid-19 được xác nhận tại ổ dịch ở Thượng Hải, cao gấp 3 lần so với hồi tháng 11/2020. Lần này, các ca nhiễm chủ yếu ở trung tâm thành phố, chỉ cách khu vực nhộn nhịp nhất vài tòa nhà. Và khu vực bùng phát ổ dịch là một khu phố cũ, cắt ngang bởi nhiều ngõ hẻm ngoằn ngoèo, khiến việc truy vết trở nên cực kỳ khó khăn.
Nhưng thách thức lớn nhất không nằm ở việc chúng tôi có tìm ra nguồn gốc ổ dịch hay không - bởi đó là điều khả thi. Vấn đề là liệu chúng tôi có thể làm được mà không cần phải đặt thành phố hơn 21 triệu dân vào tình trạng phong tỏa. Như Zhang Wenhong - chuyên gia dịch tễ từ Bệnh viện Hoa Sơn (Thượng Hải) từng nói: Nó giống như việc bắt chuột trong một cửa hàng đồ sứ. Chúng ta phải bắt chuột mà không để chúng chạy lung tung và phá hỏng mọi thứ.
Nhìn ở góc độ này, nỗ lực kiểm soát Covid-19 tại Thượng Hải là khá mềm mỏng so với phần còn lại của Trung Quốc. Với đa số các khu vực khác, chỉ cần xuất hiện vài ca nhiễm là cả thành phố lập tức xét nghiệm hàng loạt, đóng cửa khu dân cư, thậm chí là phong tỏa. Ví dụ, tiêu chuẩn chung tại nhiều thành phố là tiến hành phong tỏa bất kỳ nơi nào có ca dương tính từng lui tới trong vòng 14 ngày, đồng thời cách ly toàn bộ mọi người xung quanh khu vực.
Chiến lược này có lẽ hiệu quả, nhưng áp dụng nó với thành phố lớn nhất và là trung tâm tài chính của Trung Quốc thì lại khác. Mục tiêu của chúng tôi là thu thập mọi thông tin có thể rồi đưa ra chính sách cách ly cục bộ, sao cho ảnh hưởng chỉ tới những ai thực sự gặp rủi ro.
Hay nói cách khác, việc chỉ biết nơi lui tới của một ca bệnh sẽ là không đủ. Chúng tôi cần biết người ta đến đó chính xác ở thời điểm nào, lên tầng nào, gặp những ai để xác định người sẽ phải cách ly. Những người chỉ ghé ngang và không tiếp xúc với ca nhiễm có thể tiếp tục cuộc sống bình thường.
Vậy nên mỗi khi xác định được một bệnh nhân mới, chúng tôi phải yêu cầu họ thuật lại chính xác đến từng chi tiết về chuyện họ tới những đâu, ở đó bao lâu, chạm vào thứ gì, gặp ai, có đeo khẩu trang hoặc thực thi giãn cách xã hội hay không. Từ các thông tin trên, chúng tôi sẽ tìm được những người tiếp xúc gần và phải chịu rủi ro lây nhiễm. Cứ như vậy, cho đến khi lần hết được ca bệnh.
Dĩ nhiên, không nhiều người có thể nhớ chính xác những gì họ làm trong vòng 14 ngày. Với người trẻ, những người sử dụng điện thoại làm rất nhiều việc, chúng tôi có thể yêu cầu kiểm tra hóa đơn và nhiều thông tin khác. Người già thì khó hơn. Một số có trí nhớ khá tệ, buộc phải hỏi thân nhân và phải theo dõi liên tục trong nhiều ngày.
Về tổng thể, hầu hết những người chúng tôi tiếp cận đều khá thoải mái. Dẫu vậy, một số người vẫn có thể từ chối tiết lộ người họ từng tiếp xúc, đặc biệt là nếu điều đó có nguy cơ phá vỡ hạnh phúc gia đình, hoặc khiến họ gặp rắc rối với pháp luật. Với các trường hợp này, tôi cũng không thể dồn ép họ quá mức. Chúng tôi chỉ có thể tiếp cận theo hướng khác, chẳng hạn yêu cầu kiểm tra camera an ninh dân sự. Đôi khi chúng tôi phải xem các video như thế hàng tiếng đồng hồ, mắt đỏ ngầu mà cũng chẳng thể dừng lại.
Làm càng tốt, càng giống như... không làm gì
Khi dịch bệnh bùng lên tại Trung Quốc và sớm vượt ra khỏi tầm kiểm soát vào đầu năm 2020, tôi đã không mấy ngạc nhiên. Suốt 30 năm liên quan đến ngành kiểm soát dịch bệnh, tôi đã chứng kiến vô số những đợt bùng phát dịch bệnh, thậm chí có cả những chứng bệnh kinh hoàng hơn Covid-19. Tôi đã quá quen thuộc với chúng rồi.
Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng trước những tổn hại rõ ràng của Covid-19, các nhà chức trách sẽ nhận ra vai trò quan trọng của công nhân viên y tế khi bảo vệ các thành phố khỏi dịch bệnh. Đa số các trường hợp, chúng tôi mắc kẹt trong một mớ hỗn độn: Càng làm tốt, trông càng có vẻ như chúng tôi chẳng làm gì cả!
Và dĩ nhiên vì trông giống như không làm gì, ngân quỹ cũng trở nên eo hẹp. Suốt nhiều năm, lương thấp và không được ghi nhận đã khiến các bệnh viện công mất đi nhiều nhân sự tài giỏi. Nhiều đồng nghiệp cũ của tôi đã chuyển sang bệnh viện tư, nơi trả cho họ nhiều tiền hơn.
Dẫu vậy, tôi vẫn có chút nhớ nhung về trạng thái "ẩn mình" trước kia. Giờ đây mỗi lần đến nhà ai, chúng tôi phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân. Chẳng ai muốn thấy điều đó cả. Tôi thà là một người vô hình, thầm lặng bảo vệ thành phố còn hơn. Trong một thế giới lý tưởng, công chúng chẳng cần phải biết về chúng tôi, chỉ chúng tôi cần theo dõi họ và giúp họ an toàn mà thôi.
Nguồn: Sixth Tone
JD
Pháp luật và bạn đọc