Những ngày này, không khí Tết đã rộn ràng về với người dân thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Dịp cuối năm, cũng là thời điểm bận rộn đối với những nghệ nhân mộc của làng. Họ đang tất bật hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của những chú trâu gỗ để kịp thời phục vụ khách hàng khắp cả nước dịp xuân Tân Sửu.
Không khí rộn ràng trong những xưởng đồ gỗ mỹ nghệ tại xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ngoài những sản phầm đồ gỗ truyền thống, năm nay những xưởng mỹ nghệ lại đang tất bật hoàn thiện những sản phẩm hình con trâu để kịp phục vụ khách hàng chơi Tết.
"Linh vật" của năm 2021 là con trâu nên nhiều sản phẩm hình con trâu được đục đẽo, điêu khắc tỉ mỉ để cho ra những sản phẩm đẹp nhất. Từ những khúc gỗ khô vô tri vô giác, các nghệ nhân chế tác thành hình con trâu rất độc đáo, khiến nhiều người không tiếc bỏ hàng triệu đồng mua về chơi Tết Tân Sửu 2021.
Chị Đàm Thị Tú (30 tuổi), chủ xưởng thủ công mỹ nghệ C.T. (thôn Thượng Cung) cho biết, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng cũng như xu hướng linh vật năm nay, xưởng đã chuẩn bị và bắt nghiên cứu mẫu linh vật từ tháng 5/2020. Khác với những năm trước, các công đoạn làm trâu gỗ hết sức tỉ mỉ, khéo léo, tuân thủ yêu cầu đầu ra, đặc biệt truyền hết nhiệt huyết của nghề bằng tầm hồn mình vào hồn con trâu.
Chị Đàm Thị Tú (30 tuổi), chủ xưởng thủ công mỹ nghệ C.T. (thôn Thượng Cung) cho biết gia đình chị đã bắt đầu nghiên cứu các mẫu trâu từ tháng 5 để có những mẫu mã đẹp mắt phục vụ khách.
"Để đưa ra thị trường các mẫu linh vật trâu đẹp, đảm bảo đầy đủ các yếu tố về chất lượng, kích thước, hình dáng thì xưởng có 2 hình thức sản xuất là đục hoàn toàn bằng tay hoặc sản xuất bằng máy. Mẫu mã, kích thước sẽ được sản xuất theo nhu cầu của khách hàng.
Với tất cả mẫu trâu lớn nhỏ, đến nay xưởng đã đưa ra thị trường cả trong và ngoài nước là gần 1.000 sản phẩm trâu. Giá của mỗi sản phẩm tùy vào kích cỡ cũng từ 400.000 – 2 triệu đồng", chị Tú cho biết.
"Năm nay mẫu trâu nằm trên đống vàng, gốc tùng, trâu mẫu tử, tiểu đồng cưỡi trâu được rất nhiều khách hàng ưa chuộng. Mẫu trâu khách hàng đặt năm nay là trâu phải béo, bụng to với mong muốn năm mới tài lộc, khoẻ mạnh", chị Tú cho biết.
Theo lời chị Tú, năm nay mẫu trâu nằm trên đống vàng, gốc tùng, trâu mẫu tử, tiểu đồng cưỡi trâu được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.
"Năm nay có điểm đặc biệt là khách hàng thay vì chọn đặt những con trâu rắn giỏi, khoẻ mạnh thì lại chọn đặt mẫu trâu thiết kế bụng to, đầu hướng lên trên và chân sải bước về phía trước. Mọi người chọn mẫu trâu này với mong muốn năm mới tài lộc, khỏe mạnh", chị Tú cho hay.
Cận cảnh chú tiểu đọc sách trên lưng trâu.
Từ những khúc gỗ vô tri vô giác, qua bàn tay của các nghệ nhân đã trở thành những sản phẩm đẹp mắt.
Do thời điểm tết cận kề nên số lượng công việc nhiều hơn đáng kể. Nếu sản xuất bằng máy thì một ngày sẽ đưa ra 8 linh vật trâu, tùy thuộc vào kích thước. Với những mẫu trâu to, nhiều chi tiết thì sản xuất bằng máy cần từ 1-2 ngày.
Nếu đục hoàn toàn bằng tay thì một con trâu cần tới 3-4 ngày. Những nghệ nhân ở xã Tiền Phong chủ yếu sử dụng gỗ hương đá để làm trâu gỗ do giá thành hợp lý, chất lượng tốt.
Hình con trâu được đục đẽo, điêu khắc tỉ mỉ để có những sản phẩm đẹp nhất.
Những chú trâu gỗ cuối cùng đang được các nghệ nhân gấp rút hoàn thiện phục vụ Tết.
Gia Đoàn
Pháp luật và bạn đọc