vĐồng tin tức tài chính 365

Vì sao nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng lại mất phí?

2022-08-04 13:51

Là một người thường xuyên phải di chuyển trên cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tuyến đường đã thu phí không dừng toàn bộ từ đầu tháng 6, anh Hoàng Việt (Hà Đông, Hà Nội) khá bức xúc khi mỗi lần nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng (ETC) từ ví điện tử đều phải mất thêm phí.

"Nạp 400.000 vào tài khoản ePass từ ví điện tử Momo thì phải mất thêm 5.390 đồng. Mỗi tháng, tôi nạp tiền vài lần vào tài khoản thu phí không dừng cũng mất vài chục nghìn đồng phí", anh Việt nói. Anh cho rằng khoản tiền này so với các chi phí như xăng dầu, vé đường cao tốc không phải quá lớn nhưng nó tạo ra cảm giác không thoải mái cho người dùng trong bối cảnh nhiều ngân hàng, dịch vụ... miễn phí giao dịch.

Tương tự anh Việt, nhiều chủ xe đang cho rằng các bên cung cấp dịch vụ nên miễn khoản phí này để hỗ trợ, khuyến khích người trong bối cảnh các cao tốc chỉ thu phí không dừng từ ngày 1/8.

Hiện tại, hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam VDTC - ePass có một vài phương thức để nạp tiền vào tài khoản không mất phí, nhưng chưa thuận tiện và chưa hướng đến phần lớn khách hàng. Việc miễn phí giao dịch chỉ áp dụng với kênh thanh toán bằng ví hoặc ngân hàng là đối tác của riêng VETC hoặc ePass.

Ví dụ, khách hàng của ePass muốn miễn phí nạp tiền thì phải liên kết với tài khoản Viettel Money đang sử dụng hoặc chuyển khoản tới số tài khoản của đơn vị này tại Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) theo đúng cú pháp bắt buộc.

Tương tự, người dùng VETC muốn được miễn phí cũng cần có tài khoản ngân hàng BIDV đã được đăng ký liên thông với tài khoản ETC của công ty này. Ưu ái cho chủ tài khoản BIDV xuất phát từ việc nhà băng này là đơn vị cấp vốn và cũng được chỉ định là ngân hàng hỗ trợ, đấu nối trực tiếp với hệ thống của VETC.

Nạp 500.000 vào tài khoản VETC bằng hình thức Mobile Banking mất gần 6.000 đồng tiền phí. Ảnh: Anh Tú

Nạp 500.000 vào tài khoản VETC bằng hình thức Mobile Banking mất gần 6.000 đồng tiền phí. Ảnh: Anh Tú

Trên ứng dụng của VETC, người dùng nạp tiền vào tài khoản bắt buộc phải thông qua trung gian thanh toán của VnPay hoặc VNPT. Nếu nạp 1 triệu đồng bằng hình thức Mobile Banking hoặc thẻ ATM nội địa qua cổng thanh toán VnPay, người dùng mất 10.230 đồng tiền phí, tương đương hơn 1% giá trị giao dịch. Còn nạp bằng thẻ tín dụng Visa hoặc Mastercard, người dùng mất phí 17.700 đồng, tương đương 1,77% giá trị giao dịch.

Với ứng dụng ePass, đơn vị này áp dụng biểu phí 880 đồng + 0,66% giá trị giao dịch khi thanh toán với thẻ ATM nội địa. Mức phí nạp qua thẻ thanh toán quốc tế là 2.000 đồng + 2% giá trị giao dịch. Mức phí áp dụng nạp tiền qua ví điện tử Momo là 1.650 đồng + 0,94% giá trị giao dịch, còn qua Mobile Banking (VNPay) là 1.300đ + 0,8% giá trị giao dịch.

Mức phí nạp qua các kênhVETCEPass
Mobile Banking (trừ BIDV)1,023%1.300 đồng + 0,8%
Thẻ ATM nội địa (trừ BIDV)1,023%880 đồng + 0,66%
Thẻ Visa, Mastercard1,77%2.000 đồng + 2%
Ví điện tử MoMoChưa khả dụng1.650 đồng + 0,94%

Như vậy, khi nạp 1 triệu đồng vào tài khoản ePass, chủ xe sẽ mất phí 7.480 đồng khi dùng thẻ ATM nội địa, 22.000 đồng khi dùng thẻ thanh toán quốc tế, 11.050 đồng khi dùng Momo hoặc 9.300 đồng khi sử dụng Mobile Banking qua cổng VNPay.

Giao dịch nạp tiền vào tài khoản ETC, theo lãnh đạo ngân hàng, về bản chất cũng tương tự cà thẻ hay quét mã QR bằng ví điện tử tại điểm chấp nhận thanh toán (gọi chung là đại lý) như cửa hàng ăn uống, quần áo, trung tâm thương mại... Đơn vị trung gian thanh toán sẽ thu phí tính trên mỗi giao dịch, từ đại lý.

Thông thường, với mỗi giao dịch thanh toán của khách hàng, đại lý sẵn sàng trả khoản phí tính trên mỗi giao dịch cho đơn vì lợi ích kinh doanh của họ. Tuy nhiên VDTC và VETC thì không. Trao đổi với VnExpress, đại diện một trung gian thanh toán có thị phần lớn cho biết, trong quá trình ký hợp đồng, họ không đồng tình với việc thu phí nạp tiền từ khách hàng, nhưng sau đó vẫn thực hiện theo yêu cầu từ hai đơn vị thu phí không dừng.

Về việc tại sao không tích hợp tài khoản ETC với tài khoản ngân hàng, tại một tọa đàm gần đây, ông Bùi Trình, Tổng giám đốc VDTC (ePass) cho biết bản chất tài khoản giao thông theo định nghĩa ở Quyết định 19 chỉ là tài khoản giao thông, chứ không phải là ví điện tử. Vì thế chủ phương tiện phải nạp tiền vào thẻ giao thông. Đồng thời, theo ông Trình, còn lý do kỹ thuật nếu hệ thống ebanking của ngân hàng không đủ tốc độ xử lý có thể khiến barrier đóng mở không đúng thời điểm gây sự cố cho các phương tiện.

Tương tự, ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty thu phí tự động VETC cũng khẳng định chưa liên kết được với tài khoản ngân hàng vì các yếu tố kỹ thuật cản trở việc truy cập vào hệ thống ngân hàng. Ông Vinh cũng cho rằng tài khoản ngân hàng là tài khoản mật của cá nhân, chủ phương tiện. "Không một ngân hàng nào cho phép đơn vị thứ ba truy cập vào hệ thống ngân hàng để lấy tiền của khách hàng", lãnh đạo VETC nói.

Nhiều người dùng cũng đang cho rằng việc không được liên kết trực tiếp tài khoản ngân hàng vào tài khoản ETC gây thiệt hại cho người dùng. Bởi tiền để trong tài khoản ngân hàng vẫn được trả lãi dù khá nhỏ, còn tiền nạp vào ví của các đơn vị thu phí không dừng không được tính lãi. Thậm chí, nếu sơ suất để số dư không đủ khi lưu thông qua các trạm thu phí trên cao tốc còn bị phạt tiền hàng triệu đồng.

Anh Tú - Quỳnh Trang

Xem thêm: lmth.4575944-ihp-tam-ial-gnud-gnohk-ihp-uht-naohk-iat-oav-neit-pan-oas-iv/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Vì sao nạp tiền vào tài khoản thu phí không dừng lại mất phí?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools