- Nghiên cứu quốc tế: Việt Nam và New Zealand chống COVID-19 tốt nhất
- Một năm cuộc chiến chống COVID-19 tại Việt Nam
- Phòng chống COVID-19 trong cộng đồng và cơ sở y tế là nhiệm vụ trọng tâm
Hình mẫu về phòng, chống COVID-19
Trong bài viết được đăng tải vào những ngày cuối cùng năm 2020, hãng Sputnik của Nga đã nói về sự sáng suốt của Chính phủ và sức mạnh kiên cường của người dân Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch COVID-19.
Theo đó, việc duy trì minh bạch thông tin về tình hình dịch và thực hiện sớm các biện pháp ngăn chặn, truy vết, cách ly theo từng mức… là những cách thức hay, đảm bảo sự thành công và là kinh nghiệm quý báu cho nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là trong bối cảnh đang có biến thể mới VOC 202012/01 với tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh hơn.
Trên thực tế, cách tìm kiếm nguồn lây nhiễm của Việt Nam khá bài bản, khoa học khi không chỉ theo dõi các trường hợp F1 mà chú ý cả các đối tượng thuộc diện F2, F3 và F4. Việc triển khai hệ thống giám sát công cộng rộng rãi, nâng cao trách nhiệm của an ninh cơ sở và sử dụng lực lượng Quân đội, Công an trong quá trình truy vết giúp Việt Nam luôn có hành động sớm và nhận được sự tin tưởng, ủng hộ của người dân. Như đánh giá của tờ The Diplomat, việc đặt tính mạng của người dân lên trên lợi ích kinh tế cũng là chính sách nhân văn đáng phải học tập ở Việt Nam. Thêm vào đó, các hoạt động từ thiện như “ATM gạo”, “Mỗi ngày một quả trứng”, “Đồ ăn miễn phí”… phổ biến ở Việt Nam trong thời gian chống dịch đã được nhân rộng trên toàn thế giới.
Thế giới đánh giá cao về cả phương cách tuyên truyền đầy hiệu quả của Việt Nam về cách phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: AAF. |
Tạp chí Counter Punch của Mỹ còn nhấn mạnh, các hành động của chính phủ Việt Nam sẽ không thể hiệu quả nếu người dân không phối hợp bằng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách và chỉ rời khỏi nhà khi thực sự cần thiết. “Tinh thần đoàn kết mạnh mẽ, sự đồng nhất với tập thể ở Việt Nam đảm bảo rằng hầu hết mọi người cư xử bằng sự cảm thông và lòng nhân ái. Việt Nam cũng đã thể hiện sự tương thân tương ái với hàng chục quốc gia và tổ chức quốc tế khác khi có những đóng góp thiết thực vào nỗ lực chống đại dịch của cộng đồng quốc tế như sẵn sàng cung cấp các vật tư, thiết bị y tế “made in Vietnam” và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm chống dịch”, tạp chí Counter Punch viết… Đặc biệt, thành tựu về phòng, chống COVID-19 trong nước đã giúp Việt Nam có tiếng nói hơn trên trường quốc tế, thể hiện rõ nét bằng việc Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 75 đồng thuận thông qua Nghị quyết do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy về "Ngày quốc tế phòng, chống dịch bệnh” (27/12) trong phiên họp toàn thể ở New York (Mỹ) ngày 7/12/2020.
Đi đầu trong quan hệ quốc tế
Một dấu ấn khác của Việt Nam trong năm 2020, theo nhận định của giới phân tích, chính là sự thành công trong vai trò kép Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Australia) khẳng định, Việt Nam đã nâng tầm vị thế, tạo được niềm tin trong khu vực và toàn cầu trong bối cảnh thế giới trải qua một năm đầy thách thức và biến động.
Giới truyền thông nước ngoài dành nhiều bài viết để giải mã về “hiện tượng kinh tế Việt Nam” trong đại dịch COVID-19. |
Cụ thể, Việt Nam đã thể hiện vai trò "mẫu mực" trên cương vị Chủ tịch ASEAN, dẫn dắt khu vực gắn kết và chủ động thích ứng với các thách thức do COVID-19 đặt ra, đồng thời đặt vai trò trung tâm của ASEAN và sự quan tâm của người dân lên hàng đầu. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi thậm chí còn bày tỏ, Việt Nam đã “tập hợp thành công ý chí và nguồn lực chung của cả khu vực; vạch ra con đường phục hồi kinh tế-xã hội toàn diện và bền vững; giúp tăng cường mối quan hệ hữu nghị và làm sâu sắc thêm lòng tin giữa các quốc gia thành viên cũng như với các đối tác bên ngoài”.
Trong khi đó, nhà báo nổi tiếng của Nga và là chuyên gia về các vấn đề quốc tế Adam Shamir nhận xét, Việt Nam đã chủ động thể hiện vai trò lãnh đạo đặc biệt trong 4 lĩnh vực gồm: ứng phó với đại dịch COVID-19; tạo dựng vai trò trung tâm của ASEAN trong bối cảnh cạnh tranh giữa các siêu cường; ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); củng cố tuyên bố mang tính chính sách của ASEAN về Biển Đông bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Còn với tư cách là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ 3 nguyên tắc xây dựng an ninh toàn cầu gồm cam kết đa phương hóa lấy LHQ làm trung tâm; nâng cao vai trò của các tổ chức khu vực và tất cả các quốc gia tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế cũng như Hiến chương LHQ.
“Trên tinh thần “Đối tác vì hòa bình bền vững," Việt Nam luôn tham gia một cách tự tin, chủ động và thực chất trong các hoạt động của Hội đồng Bảo an LHQ, vừa khẳng định lập trường nguyên tắc một cách có bản sắc, vừa thể hiện quan điểm khách quan, cách xử lý linh hoạt, khéo léo”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết và nói thêm rằng, Phó Tổng thư ký LHQ, Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương của LHQ (ESCAP) Armida Salsiah Alisjahbana cũng đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong vai trò kép. Ca ngợi quyết tâm, nỗ lực cũng như thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững, bà Armida Salsiah Alisjahbana chỉ rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.
Miền đất hứa của các nhà đầu tư
Chưa hết, thành công của Việt Nam trong năm 2020 còn thể hiện ở tốc độ tăng trưởng kinh tế, kim ngạch xuất nhập khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài đều ở mức cao. Tờ Nikkei Asia từng có một bài viết với tựa đề “Việt Nam- câu chuyện kinh tế thành công duy nhất ở Đông Nam Á”, trong đó cho hay, bất chấp “kỷ nguyên” đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong lúc các nền kinh tế khác đang vật lộn để hồi phục, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương ổn định.
Đồng quan điểm này, tạp chí Asia Times chỉ ra những yếu tố quan trọng đứng sau thành công này của Việt Nam và nhận xét, khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam không chỉ khiến các nước láng giềng Đông Nam Á nể phục mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) công bố hồi cuối tháng 12-2020 dự báo GDP của Việt Nam trong năm 2020 tăng 2,8%, tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6,8% và giữ mức ổn định ở 6,5% trong những năm tiếp theo.
Đặc biệt, Việt Nam còn ghi nhận sự gia tăng ngày càng nhiều của đầu tư nước ngoài vào các dự án mới. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB Jacques Morisset khẳng định, Việt Nam đã đạt được thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng COVID-19. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp. Bài viết của Free Malaysia Today hồi cuối tháng 12 thì lý giải, Việt Nam đang trên đường trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới và là một trong những địa điểm thu hút được nhiều FDI.
“Không khó để thấy rằng các nhà sản xuất toàn cầu đã và đang đổ xô đến Việt Nam. Và Việt Nam đang trở thành một trung tâm sản xuất thiết bị âm thanh để bán hàng vào thị trường Mỹ cũng như là nơi thu hút đầu tư sự chuyển dịch đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc”, bài viết trên FreeMalaysia Today có đoạn ghi. Còn trang mạng Seeking Alpha của Mỹ phân tích, một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn so với các nước khác là chi phí lao động chỉ bằng một nửa so với Trung Quốc và thấp hơn đáng kể so với "đối thủ" khác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Thêm vào đó, yếu tố ổn định chính trị và chống dịch COVID-19 hiệu quả đã “tạo nên ưu điểm khó thay thế ở Việt Nam”. Trích dẫn khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ, Seeking Alpha cho hay, Việt Nam là lựa chọn hàng đầu cho xu thế dịch chuyển sản xuất trên thế giới hiện nay, tăng từ 17% năm 2018 lên 36% năm 2019 và tăng gần 50% trong năm 2020.
Xem thêm: /601926-maN-teiV-gnas-meiD-tet-25/us-ioht-yan-moh-ed-naV/nv.moc.dnac