Khu công nghệ cao: 'Ách chủ bài' hút dự án lớn của Đà Nẵng
Nhân Tâm
(TBKTSG Online) - Khu công nghệ cao Đà Nẵng (DHTP) trong thời gian gần đây thu hút nhiều dự án lớn trong nước và đầu tư nước ngoài (FDI) lên đến hàng trăm triệu đô la đến từ Nhật và Mỹ, thậm chí trong số đó có những lĩnh vực lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam.
Thiết kế của dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 35 triệu đô la Mỹ tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Ảnh: DNCC |
“Nam châm” của nhiều dự án triệu đô
Ngày 5-2, Ban quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty TNHH Fujikin International (Nhật Bản) để đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 35 triệu đô la Mỹ.
Công ty TNHH Fujikin International là thành viên của Tập đoàn Fujikin, chủ đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Sản xuất Fujikin Đà Nẵng tại DHTP. Mục tiêu của dự án là nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ gồm các thế hệ robot, thiết bị bay không người lái, thiết bị năng lượng Hydro, thiết bị Nano, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), hệ thống lọc nước, hệ thống tải điện không dây và phát triển vật liệu mới.
Dự án cũng nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, thiết bị y tế, sản xuất mẫu (thử nghiệm) và sản xuất thiết bị không người lái, robot, thiết bị y tế nhằm mục đích thương mại sản phẩm và công nghệ sau khi nghiên cứu phát triển.
Đây là dự án thứ 7 đến từ Nhật Bản đầu tư vào DHTP và là dự án có nguồn vốn đăng ký đầu tư lớn thứ 2 sau dự án của Tokyo Keiki (40 triệu đô la Mỹ).
Công ty sẽ khởi công xây dựng dự án vào tháng 5 tới và sẽ khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 20 năm Fujikin đầu tư vào Việt Nam (tháng 7-2022).
Cũng trong ngày hôm qua, theo thông tin từ Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, cơ quan này đã giới thiệu một vị trí lô đất trong DHTP cho dự án Nhà máy sản xuất máy in 3D, dịch vụ phần mềm, giải pháp thiết kế, sản xuất vật liệu và sản phẩm composite sợi carbon in 3D của công ty AREVO (Hoa Kỳ).
Trước đó, nhà đầu tư đến từ thung lũng Silicon của Mỹ này đã đề xuất đầu tư dự án có quy mô vốn 135 triệu đô la Mỹ trên diện tích 10,68 ha.
Công nghệ chính được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trong dự án là công nghệ in 3D (hay còn gọi là công nghệ đắp dần) cho phép sản xuất các sản phẩm tiết kiệm vật liệu và thay thế các sản phẩm gia công truyền thống như CNC (theo quy định mới công nghệ gia công CNC không còn nằm trong danh mục công nghệ cao) và công nghệ sản xuất vật liệu composite vợi carbon nhanh.
Công nghệ của dự án in 3D đã trải qua một giai đoạn nghiên cứu – phát triển và đang chuyển sang giai đoạn ứng dụng, được Thủ tướng Chính phủ quy định trong các Danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng nhằm chủ đồng tham gia cuộc Cách mạng lần thứ thư.
Nâng cao tiềm năng của DHTP
Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, những dự án lớn đến từ các đại quốc như Mỹ và Nhật sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đối với sự phát triển của DHTP, giúp khu công nghệ cao không chỉ thu hút các công ty vệ tinh mà còn các ông lớn trên thế giới.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng đã thu hút được 145 triệu đô la Mỹ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nâng tổng vốn đăng ký đầu tư FDI vào Khu công nghệ cao Đà Nẵng đạt 536,1 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, DHTP đã thu hút được 24 dự án, trong đó có 12 dự án trong nước và 12 dự án FDI.
Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đang được kỳ vọng là "con bài" giúp Đà Nẵng thu hút nhiều dự án sản xuất có hàm lượng công nghệ cao. Ảnh: Nhân Tâm |
Được biết, ngày 4-2, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam đến năm 2025.
Theo đó, bổ sung KCN hỗ trợ trong DHTP với tổng diện tích 58,5 ha tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng vào Quy hoạch phát triển các KCN quốc gia đến năm 2025.
KCN hỗ trợ này có vị trí tiếp giáp với DHTP và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng với diện tích quy hoạch 102,31 ha (trong đó diện tich đất đồi núi 48,26ha) đã bắt đầu đầu tư cơ sở hạ tầng từ năm 2016, đến nay đạt 85% khối lượng hoàn thành.
Việc bổ sung và hình thành KCN hỗ trợ này, theo ông Sơn, sẽ tạo động lực thu hút, đẩy mạnh phát ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố Đà Nẵng theo đúng chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 30-10-2020 về phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho Khu CNC Đà Nẵng và Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND thành phố Đà Nẵng khẩn trương thực hiện thủ tục đầu tư, thành lập, xây dựng các KCN mới theo từng giai đoạn, phù hợp với khả năng thu hút đầu tư và tuân thủ các điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ về quản lý KCN và khu kinh tế và quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật có liên quan.
Báo cáo của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho thấy, giai đoạn 2016-2020, đơn vị đã thu hút 153 dự án, trong đó 109 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 9.872 tỉ đồng và 44 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 507,63 triệu đô la Mỹ. Lũy kế đến nay, đơn vị này đã thu hút 490 dự án, trong đó 362 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư khoảng 25.000 tỉ đồng và 128 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,59 tỉ đô la Mỹ. |
Xem thêm: lmth.gnan-ad-auc-nol-na-ud-tuh-iab-uhc-hca-oac-ehgn-gnoc-uhk/185313/nv.semitnogiaseht.www